Giới trẻ

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm'

Phạm Xuân Lâm khuyến cáo những người thích cảm giác đứng ở độ cao chóng mặt nhưng chưa từng tập luyện hay có hướng dẫn không nên tham gia trào lưu nguy hiểm "rooftopping".

* Lưu ý: Đây là hoạt động nguy hiểm, không nên tự tiện thực hiện nếu chưa từng tập luyện hay có hướng dẫn.

"Thế giới ngăn cấm 'rooftopping' cũng đúng. Bởi nếu xảy chân, người tham gia có thể chết", Phạm Xuân Lâm cảnh báo.

Phạm Xuân Lâm (22 tuổi, Hà Nội) biết tới phong trào "rooftopping" và tham gia từ hơn một năm nay. Chàng trai hưởng ứng theo giới trẻ nước ngoài, điển hình là các "rooftopper" đến từ Nga, Anh, Mỹ.

"Người tham gia phong trào này thích lên những nóc nhà cao tầng để chụp hình gây ấn tượng, đẹp nhất đăng lên mạng xã hội. Gần đây, các 'rooftopper' muốn thể hiện bản thân nhiều hơn, liều lĩnh hơn loạt ảnh chỉ chụp đôi chân trên nóc nhà", Xuân Lâm chia sẻ với Zing.vn.

Trong suốt cuộc trò chuyện, 9X hơn một lần nhận định "rooftopping" là trào lưu nguy hiểm. Cậu không khuyến khích ai làm theo, bởi bản thân có 10 năm tập luyện "parkour" - bộ môn mạo hiểm mang tính nghệ thuật với những bước nhảy, màn nhào lộn ngoạn mục - mới dám thử.

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm'
Phạm Xuân Lâm hưởng ứng phong trào "rooftopping" theo giới trẻ nước ngoài. Cậu có 3 lần chinh phục độ cao chóng mặt.

Nhảy qua khoảng không 3 m giữa hai nóc nhà 40 tầng

Phạm Xuân Lâm tập "parkour" từ năm 12 tuổi. 9X giới thiệu mình là một trong những người đầu tiên và trẻ nhất (thời điểm năm 2008) theo bộ môn này ở Việt Nam.

Cậu tự học bằng cách tìm xem video của các "traceur" (người tham gia "parkour" là nam giới) nổi tiếng thế giới qua các video trên mạng.

10 năm tập "parkour", quy tắc Lâm luôn nhớ trong đầu là di chuyển từ A đến B theo cách hiệu quả và an toàn nhất. Sau khi tập luyện dưới mặt đất hàng nghìn lần, có thể nhảy qua những độ xa, độ cao nhất định, cậu mới tìm đến các nóc nhà cao tầng vì muốn thử thách bản thân hơn nữa.

Xuân Lâm thần tượng nhóm "parkour" nổi tiếng nước Anh - Storror. Những thước hình mạo hiểm không đơn thuần là tạo dáng chụp cho đẹp, mà mang yếu tố phô diễn hành động của nhóm chính là nguồn cảm hứng lớn nhất đưa 9X đến với "rooftopping".

Lâm mô tả cảm giác đứng ở độ cao chóng mặt khác so với lúc tập luyện trên mặt đất. Khi thực hiện thành công thử thách, cậu thấy rất vui.

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm' - 1

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm' - 2

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm' - 3

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm' - 4

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm' - 5
Một số hình ảnh mạo hiểm được Xuân Lâm chia sẻ trên trang cá nhân.

Thử thách đầu tiên Xuân Lâm đặt ra cho mình là nhảy qua khoảng không 3 m giữa hai nóc nhà 40 tầng ở Hà Nội. Trước khi thực hiện, Lâm dọn dẹp, "vuốt ve" bề mặt để làm quen. Cậu phải lựa lúc trời không có gió, cũng như chắc chắn khoảng cách nằm trong khả năng vượt qua mới quyết định thực hiện.

"Bước lên mép nóc nhà ở độ cao đó gây cho mình tâm lý rất sợ hãi, trong đầu nghĩ nếu không vượt qua được chắc chắn sẽ chết. Tuy nhiên, mình  bỏ suy nghĩ đó ra khỏi đầu ngay lập tức.

Mình phải tin vào bản thân khi đứng trước chướng ngại vật, nghĩ khoảng cách này cũng chỉ bằng bước nhảy ở dưới đất đã vượt qua hàng nghìn lần. Vậy tại sao ở trên cao lại không thể? Khi chiến thắng được nỗi sợ và thực hiện cú nhảy thành công, cảm giác rất tuyệt", 9X mô tả.

Sau đó, Lâm có 2 lần leo lên nóc nhà cao 20 và 30 tầng để thực hiện các bước nhảy xa, đứng trên mép nóc nhà quay phim, chụp ảnh.

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm' - 6
Cú nhảy qua khoảng không 3 m giữa hai tòa nhà 40 tầng của Xuân Lâm.

Bản thân phải tự gánh chịu mọi hậu quả

Theo Phạm Xuân Lâm, hiện rất ít bạn trẻ ở Việt Nam hưởng ứng phong trào "rooftopping". Lâm từng liên hệ với một số người đăng tải ảnh, clip quay mạo hiểm trên cao tại mạng xã hội, nhưng họ không muốn tiết lộ nhiều thông tin cá nhân.

9X không chắc các bạn trẻ tự nhận "rooftopper" đó có đủ kinh nghiệm cũng như chú ý tới yếu tố thời tiết, địa hình, sức khỏe... trước khi thực hiện bức hình gây sốc hay không. Cậu khuyến cáo những người thích độ cao nhưng không có kinh nghiệm, nền tảng rèn luyện thể lực hay người hướng dẫn không nên thử.

Nói về cái được và mất khi tham gia "rooftopping", Xuân Lâm bày tỏ phong trào mang đến niềm thỏa mãn tinh thần khi chinh phục bản thân, chiến thắng nỗi sợ ở trên cao. Cảm giác thích thú, tuyệt vời thế nào chỉ có người trải nghiệm mới hiểu.

"Mình không thấy mất mát gì cả. Chỉ là nếu bị phát hiện khi đang chụp hình, quay video trên nóc nhà cao tầng, mình khuyên các bạn nên nghe lời bảo vệ hay người có quyền yêu cầu bạn xuống khỏi đó. Bạn đừng chống đối lại họ, bởi lên có xin phép trước không sao, mà đã lẻn lên thì phải tuân thủ theo họ. Thiệt hại gì xảy ra bản thân đều phải tự gánh chịu", chàng trai 22 tuổi chia sẻ.

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm' - 7
Xuân Lâm cho hay 10 năm tập "parkour" giúp cậu kiểm soát tinh thần tốt, ngay cả ở độ cao chóng mặt.

Mỗi lần chinh phục nóc nhà cao tầng, Xuân Lâm đều ghi lại để đăng tải lên các tài khoản mạng xã hội của mình. Bởi thế, 9X nhận nhiều luồng ý kiến trái chiều. Trong đó, ý kiến phản đối đến từ phía những người sợ độ cao.

Chàng trai Hà thành chia sẻ mục đích công khai khoảnh khắc mạo hiểm của mình là muốn cho mọi người thấy đam mê, sở thích riêng.

Cậu không khuyến khích ai làm theo, bởi bản thân có rất nhiều năm tập luyện "parkour", có khả năng kiểm soát nhất định về bản thân và mọi thứ xung quanh, mới dám tham gia.

Gia đình, bạn bè biết Xuân Lâm tập "parkour" từ lâu và tin tưởng cậu có thể kiểm soát tốt bản thân. Bởi vậy, họ không nằm trong số người ngăn cản Lâm tham gia "rooftopping".

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm' - 8
Gia đình không ngăn cảm Lâm theo đuổi đam mê mạo hiểm.

"Nhiều nơi trên thế giới ngăn cấm 'rooftopping' cũng đúng vì không ít người không có kinh nghiệm, chỉ muốn lên cao chụp ảnh cho người khác sợ, tung hô mình giỏi. Nếu xảy chân, cái phải trả cho bức hình là mạng sống. Nói chung không thể ủng hộ hoàn toàn thử thách nhà cao tầng", Xuân Lâm bày tỏ.

Phong trào "rooftopping" ngày càng phát triển rộng rãi trên thế giới, Lâm tiết lộ sẽ tiếp tục theo đuổi bằng cách an toàn nhất có thể.

Chàng trai muốn thử sức ở nhiều địa điểm khác, đồng nghĩa cậu phải tăng cường độ tập luyện dưới mặt đất để giữ tinh thần, thể lực tốt nhất, đảm bảo an toàn cho bản thân.

"Mình tập 'parkour' 4-5 buổi/tuần, kết hợp nghỉ ngơi. Mình chủ yếu tập những động tác như wallrun, landing, precision… để rèn thể lực, tâm lý, độ chính xác, độ xa của cơ thể", 9X Hà thành nói.

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm' - 9

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm' - 10

9X nhảy qua hai nóc nhà 40 tầng: '10 năm tập parkour mới dám mạo hiểm' - 11
Công việc chính của Xuân Lâm hiện nay là huấn luyện viên "parkour".

Hiện Xuân Lâm dạy "parkour" cho học viên thuộc nhiều độ tuổi, trong đó có một số bạn nữ. Họ được gia đình đồng ý cho tham gia vì bộ môn này rèn luyện sức khỏe rất tốt. Hơn nữa, phòng tập được bố trí đệm, thảm nhằm đảm bảo an toàn.

Những "traceur" lâu năm như Xuân Lâm thường tập luyện ở các địa hình ngoài trời. Bởi vậy, chấn thương là điều không tránh khỏi.

Một người bạn từng cùng tập "parkour" với Xuân Lâm tiết lộ hai chân của 9X chi chít sẹo do bị ngã, trượt chân. Lâm cho biết cậu hay bị thương ở cổ chân, mỗi lần phải nghỉ từ một tuần tới 2 tháng.

Lúc gặp phóng viên, Xuân Lâm bị giãn dây chằng phải bó thuốc. Cậu hy vọng kịp hồi phục để tham gia giải "freerunning" ở Singapore vào giữa tháng 6 này.

'Rooftopping' không phải trào lưu dành cho mọi người

Đồng quan điểm với Phạm Xuân Lâm, nhiều "rooftopper" trên thế giới cũng lên tiếng cảnh báo bạn trẻ nếu không tập luyện lâu năm hay có người hướng dẫn không nên tham gia thử thách chết người "rooftopping". 

"Rooftopper" Daniel Lau (23 tuổi, Hong Kong, Trung Quốc) cho hay: "Mỗi người nên biết giới hạn của mình ở đâu và thận trọng khi tham gia các trò chơi nguy hiểm. Đừng bao giờ làm vậy chỉ để khoe mẽ. Chính bạn là người chịu trách nhiệm cho những rủi ro mình gặp phải chứ không phải ai khác".

Hầu hết người nhận lời phỏng vấn Zing.vn đều nhầm lẫn giữa "rooftopping" và "parkour". Họ không dám trải nghiệm thú chơi mạo hiểm trên nóc nhà chọc trời như giới trẻ thế giới.

Cái chết do ngã từ tầng 62 tòa nhà ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc) của "rooftopper" Ngô Vịnh Ninh - người có hơn 300 clip gây sốc trên nóc nhà cao tầng ở Trung Quốc - hồi tháng 11 năm ngoái đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho chính thành viên của cộng đồng này.

"Bạn tôi gửi clip,  xin tôi dừng lại. Tôi nghĩ những ai dám thách thức nóc nhà cao tầng đều chấp nhận rằng mình có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng tôi tôn trọng sự mạo hiểm này và cẩn trọng. Nhiều 'rooftopper' rất cẩn trọng. Nếu thấy tình hình quá nguy hiểm, chúng tôi sẽ không làm liều", Thomas K. (23 tuổi) nói với ChannelNewsAsia.

J.L. - mới tham gia "rooftopping" gần một năm - đồng tình: "Đừng làm những điều ngu ngốc để khoe mẽ và sống ảo. Không phải 'rooftopper' nào cũng bất chấp tính mạng để có thước ảnh đẹp ở độ cao chóng mặt. Tôi tuyệt đối tôn trọng quy định về an ninh của những tòa nhà cao tầng. Nếu cửa tầng thượng mở sẵn, tôi mới lên đó chụp ảnh, rồi lại đi xuống. Nhất định không có chuyện đột nhập trái phép".

"Rooftopper" có nickname Faaariz cũng khuyên những người trẻ đam mê mạo hiểm nên đặt an toàn lên trên hết.

"Kẻ liều lĩnh" 23 tuổi người Singapore - chỉ muốn được nhắc tới với tên Darren - cho biết hơn 2 năm trải nghiệm "rooftopping", anh không bao giờ đi một mình. Càng nhiều sự cố với "rooftopper" như bị công an bắt giữ, phạt tiền hay thiệt mạng sẽ ngăn cản phong trào được số đông chấp nhận.

"Rất nhiều người nghĩ chúng tôi đến với 'rooftopping' chỉ để đổi lấy lượt like (thích) và bình luận trên mạng. Tuy nhiên, tôi tham gia vì có nhiều kinh nghiệm và chắc chắn giữ được an toàn cho bản thân. Tôi vẫn sẽ thực hiện các pha mạo hiểm dù có mạng xã hội hay không", người này bày tỏ.

Theo Darren, cộng đồng "rooftopper" hiện có thể chỉ dưới 100 thành viên trên toàn thế giới. Nó luôn được rập khuôn là hoạt động liều lĩnh, nhưng 9X hy vọng trong tương lai, mọi người sẽ cởi mở và đón nhận "rooftopping" nhiều hơn.

Giới trẻ đừng dại "giỡn mặt với tử thần" khi tham gia các trò mạo hiểm và vô bổ, hãy trải nghiệm trào lưu tích cực như "22 Push-up Challenge", "Ice Bucket Challenge".

"Rooftopping" là trào lưu mà người tham gia, được gọi là "rooftopper" không sử dụng đồ bảo hộ, thực hiện các động tác nguy hiểm trên nóc tòa nhà chọc trời.

Mục đích của họ là có được ảnh chụp, video ngoạn mục đăng lên mạng xã hội. Thiết bị ghi hình thường là camera gắn trên đầu, máy quay GoPro hay "combo" điện thoại và gậy selfie.

"Rooftopping" được cho là ra đời ở Nga, "biến tướng" từ trào lưu tồn tại hàng chục năm nay, với tên gọi "urban exploration" (tạm dịch: Thám hiểm đô thị).

Theo Thu Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)