Sức khỏe

Nữ giới 3 tháng mới "đèn đỏ", có ảnh hưởng tới chuyện sinh con?

Chậm kinh nguyệt là hiện tượng bình thường nếu do những thay đổi về nội tiết tố, tâm lý và thể trạng mà nên.

 

Chậm kinh nguyệt là hiện tượng bình thường nếu do những thay đổi về nội tiết tố, tâm lý và thể trạng mà nên.

3 tháng không thấy kinh nguyệt “hỏi thăm”, chị Vân Anh (24 tuổi- Hải Dương) hoảng hốt lo sợ. Chị cho biết: “Trước kia, chu kì kinh nguyệt của mình ra thất thường, tháng có, tháng không. Mỗi lần tới ngày, mình thường có triệu chứng bụng đau quằn quại, ngực cương và lưng đau. Mình đã đi nhiều nơi chữa trị và cắt thuốc nam uống nhưng không thuyên giảm. Cuối cùng, mình đã đến gặp bác sĩ và nhận được lời tư vấn cần ăn uống, sinh hoạt điều độ. Nhờ đó, kỳ kinh của mình trở lên đều đặn, đúng chu kỳ 28-29 ngày”.

Gần đây, chị Vân Anh chuyển vào Sài Gòn sinh sống. Do chưa thích nghi được với lối sinh hoạt mới, chị bị trễ kinh 2 tháng. Điều đó đã khiến chị lo sợ và cố gắng tạo nếp sống mới với hi vọng tháng sau kinh sẽ đến. Tuy nhiên, chị càng mong đến ngày “đèn đỏ”, nó càng không xuất hiện.

nu gioi 3 thang moi
3 tháng chậm kinh, cô gái trẻ lo lắng sau này không thể sinh con (ảnh minh họa)

Sang tháng thứ 3, chị Vân Anh đã quyết định gọi điện cho vị bác sĩ chị đã từng thăm khám xin lời tư vấn. Qua lời kể triệu chứng bệnh, bác sĩ đã đưa ra lời khuyên cần phải ăn uống và ngủ đúng giờ. Ngoài ra, bác sĩ yêu cầu chị có ý định lập gia đình trong thời gian tới thì phải tới bệnh viện, gặp bác sĩ chuyên khoa để làm siêu âm, xét nghiệm xem buồng trứng có bị đa nang (?).

“Thực sự, mình rất sợ tình trạng trễ kinh sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh con sau này. Khi nhận được lời tư vấn từ chị bác sĩ, mình cảm thấy an tâm phần nào. Có lẽ, sự xáo trộn cùng với áp lực cuộc sống đã ảnh hưởng đến nội tiết tố, gây ra hiện tượng chậm kinh vài tháng. Hiện tại, mình đang thực hiện chế độ ăn ngủ chuẩn khoa học với ước mong sức khỏe tốt, chu kỳ kinh nguyệt đều đặn”, chị Vân Anh tâm sự.

Không nên quá lo lắng khi chậm kinh vài tháng

Trước tình trạng  chị em phụ nữ chậm kinh nhiều tháng, bác sĩ CK1 Trần Thị Thu Thủy (phòng khám Sản Phụ khoa Phúc Thịnh, Hà Nội) cho biết: “Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ xuất hiện mỗi tháng một lần (dao động từ 20 đến 40 ngày). Tuy nhiên, không ít chị em đi theo chu kỳ cá thể: 2 tháng một lần, 3 tháng một lần, thậm chí 1 năm một lần. Ngoài ra, kinh nguyệt không cố định, nó thay đổi tùy thuộc vào cơ thể của người phụ nữ. Bởi vậy, khi chậm kinh, chị em phụ nữ không nên quá lo lắng”.

nu gioi 3 thang moi
Kinh nguyệt không cố định, nó thay đổi tùy thuộc vào cơ thể của người phụ nữ. Bởi vậy, khi chậm kinh, chị em phụ nữ không nên quá lo lắng”. (Ảnh minh họa)

Đối với trường hợp phụ nữ có gia đình hay đã quan hệ tình dục, khi thấy chậm kinh 2-3 ngày cần phải kiểm tra xem có mang thai hay không (?). Nếu như không có thai, chị em cần đến bệnh viện gặp bác sĩ chuyên khoa sản làm các xét nghiệm xem bản thân có mắc phải bệnh buồng trứng đa nang. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra lời tư vấn và kê đơn thuốc điều trị.

Bác sĩ Thu Thủy cho hay, trẻ em trong khoảng độ tuổi dậy thì đến 23 tuổi, chưa quan hệ tình dục bị trễ kinh vài tháng không nên quá lo lắng với thể trạng bệnh. “Vấn đề chị em trong độ tuổi dậy thì đến 21-23 tuổi chậm kinh vài ba tháng là chuyện hết sức bình thường. Bởi, phụ nữ bước vào tuổi dậy thì và trong 3 năm đầu kinh nguyệt sẽ không ổn định. Phần dưới đồi, tuyến yên và tuyến nội tiết bên trong cơ thể phụ nữ đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Vì vậy, nhiều chị em có tháng kinh nguyệt ra ít, ra nhiều, dài ngắn ngày khác nhau”, bác sĩ Thu Thủy chỉ rõ.

Khi trễ kinh, phụ nữ không nên tự ý sử dụng thuốc nội tiết điều hòa kinh nguyệt. Trong trường hợp, chị em con gái có ý định kết hôn, tình trạng trễ kinh kéo dài cần phải đến bệnh viện làm xét nghiệm để xác định nguyên nhân ngày “đèn đỏ” đến muộn do nội tiết hay những yếu tố khách quan tạo ra.

nu gioi 3 thang moi
Phụ nữ từ 22-25 tuổi trở xuống, chưa quan hệ tình dục bị trễ kinh vài tháng không nên quá lo lắng  (ảnh minh họa)

Các nguyên nhân dẫn đến chậm kinh

- Có thai.

- Căng thẳng: Ảnh hưởng đến hệ thống tuyến dưới đồi làm mất kinh nguyệt. Kinh nguyệt chỉ trở lại khi có được một tâm lý cân bằng.

- Dinh dưỡng: Ăn uống kém, cơ thể thiếu chất và suy nhược. Cần phải bổ sung thêm các thực phẩm giàu đạm và vitamin trong khẩu phần ăn.

- Dùng một số thuốc: Thuốc tránh thai và một vài loại thuốc  có ảnh hưởng tới kinh nguyệt và làm nó bị mất trong một thời gian.

- Một vài bệnh lý: u nang buồng trứng, u xơ tử cung, u tuyến yên, các bệnh về máu, …

- Lao động quá sức: Hormone leptin báo cho não biết tỷ lệ mỡ của cơ thể và tỷ lệ này ảnh hưởng đến kinh nguyệt.

Theo V.A (Khám Phá)