Sức khỏe

Nghiện tình dục: Hành vi đồi bại hay chứng bệnh cần chữa trị?

Chứng nghiện sex chưa được các tổ chức y tế chính thống công nhận. Điều này khiến những người đang vật lộn với tình trạng này khó tìm kiếm sự giúp đỡ hơn.

Ngày nay, việc nghiện các chất như nicotine, cồn hay ma túy cũng như tác hại của chúng được biết đến rộng rãi. Tuy nhiên, việc nghiện “sex” vẫn còn gây nhiều tranh cãi, khi một số chuyên gia vẫn phủ nhận điều này và xem đó chỉ là chuyện hoang đường.

Chứng nghiện tình dục hiện tại không được chẩn đoán lâm sàng, đồng nghĩa không có số liệu chính thức về số người tìm kiếm sự giúp đỡ vì những vấn đề liên quan.

Một website dành cho những người đang chật vật chống lại tình trạng nghiện tình dục hay phim khiêu dâm đã khảo sát 21.000 người ở Anh tìm kiếm sự trợ giúp trên website từ năm 2013 đến nay. Trong đó, 91% là nam giới và chỉ có 10% tìm đến bác sĩ đa khoa.

Nghiện tình dục: Hành vi đồi bại hay chứng bệnh cần chữa trị?
Chứng nghiện sex không được công nhận, khiến người mắc gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự trợ giúp y tế. Ảnh: Lybrate.

Chứng nghiện sex được cân nhắc cho ấn bản năm 2013 của Hệ thống Chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM), một công cụ chẩn đoán chủ chốt ở Mỹ và Anh, nhưng bị loại bỏ do thiếu bằng chứng.

Tuy nhiên, “hành vi tình dục ép buộc” đang được đề xuất trở thành một hạng mục trong tài liệu Phân loại quốc tế về bệnh tật (ICD) do Tổ chức Y tế thế giới WHO phát hành.

Cờ bạc trước đó được xem xét ở hạng mục hành vi ép buộc, nhưng được công nhận chính thức là một chứng nghiện vào năm 2013, cùng với chứng ăn vô độ, sau khi có thêm nhiều bằng chứng mới.

Các bác sĩ trị liệu tin rằng chứng nghiện sex có thể đi theo con đường tương tự.

Một nghiên cứu xuất bản năm 2014 cho thấy hoạt động ở não khi “những người nghiện sex” xem phim kích dục cũng giống như khi người nghiện ma túy được thấy loại ma túy mình nghiện.

Việc bạn có tin ai đó có thể bị nghiện tình dục hay không phụ thuộc vào định nghĩa “nghiện” của bạn - do chưa có định nghĩa chính thức được chấp nhận.

Nếu coi “nghiện” là thứ khiến con người bị phụ thuộc về mặt tâm trí - và việc cai nghiện gây tổn hại đến thể chất - thì tình dục “không thể được coi là một chứng nghiện”, theo Tiến sĩ Frederick Toates, Đại học Open. Tuy nhiên, ông cho rằng một định nghĩa rộng hơn sẽ hữu ích hơn.

Nghiện tình dục: Hành vi đồi bại hay chứng bệnh cần chữa trị? - 1
Việc xác định một người nghiện sex hay không còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: The Cabin Hongkong.

“Tìm kiếm tưởng thưởng”

Tiến sĩ Toates cho biết một chứng nghiện có hai đặc trưng: sự tìm kiếm tưởng thưởng hay khoái cảm, và sự tồn tại của mâu thuẫn xung quanh hành vi này. Sự tìm kiếm tưởng thưởng là điều nhiều chuyên gia cho rằng giúp phân biệt chứng nghiện và các hành vi ép buộc ám ảnh, dù chúng có nhiều điểm tương đồng.

Người nghiện thường tìm kiếm các lợi ích ngắn hạn, dù điều này có thể đem lại mất mát dài hạn. Trái lại, người bị rối loạn ép buộc ám ảnh thực hiện hành vi mà từ đó họ không có khoái cảm

Nhưng con người đều có xu hướng tìm kiếm tưởng thưởng. Điều gì khác biệt giữa hành vi tìm kiếm tưởng thưởng và chứng nghiện?

Nhà tâm lý học Harriet Garrod cho rằng một hành vi trở thành chứng nghiện khi đạt mức nghiêm trọng đến độ gây tổn hại cho chính cá nhân đó và những người quanh họ.

Nghiện đồ ăn và cờ bạc đã được công nhận là tình trạng có thể chẩn đoán, trong khi nghiện tình dục không được công nhận, do chưa được công chúng biết đến rộng rãi. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu có nhiều người tìm sự trợ giúp từ y tế hơn thì sẽ cung cấp nhiều bằng chứng hơn để khẳng định đây là một chứng bệnh.

Chuyên gia tâm lý, Tiến sĩ Abigael San, tin rằng hành vi tình dục có thể gây nghiện, nhưng với những người đang mất kiểm soát, bản thân tình dục chỉ là thứ yếu so với vấn đề chủ chốt - dù là tuyệt vọng, lo lắng hay chấn thương - dẫn tới việc dùng tình dục làm biện pháp đối phó.

Bà nói: “Các hoạt động và chất khác nhau kích hoạt con đường tưởng thưởng theo những cách khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn hướng tới tưởng thưởng. Chẳng có lý do gì để không tin rằng tình dục cũng hoạt động theo cơ chế đó - dù chúng ta chưa có đủ bằng chứng”.

Tuy nhiên, bà cũng không tin rằng việc công nhận đây là chứng nghiện có thể giúp người bệnh, nhất là những người dùng tình dục để đối phó với những vấn đề khác. Điều này có thể dẫn tới việc chẩn đoán thừa.

Nghiện tình dục: Hành vi đồi bại hay chứng bệnh cần chữa trị? - 2
Người nghiện sex thường không dám tìm sự giúp đỡ do còn nhiều định kiến quanh vấn đề này và chưa có sự công nhận của y học. Ảnh: Malishka.

Nghiện sex là chuyện hoang đường?

Không phải ai cũng đồng tình cho rằng nghiện sex là một chứng bệnh thực sự. David Ley, một nhà trị liệu tình dục, người viết cuốn The Myth of Sex Addiction (Tạm dịch: “Thực hư về nghiện sex”), cho biết những hành vi hay bị dán nhãn là nghiện sex thường là triệu chứng của các rối loạn lo lắng và tâm trạng không được điều trị, và thiếu bằng chứng về sự điều trị chứng này.

Ông nói: “Đánh đồng tình dục hay thủ dâm với rượu và ma túy là chuyện đáng cười. Những người nghiện rượu có thể chết khi cai nghiện. Khái niệm nghiện sex dựa trên giá trị đạo đức của tình dục lành mạnh. Bạn bị coi là nghiện sex nếu quan hệ thường xuyên hay khác với nhà trị liệu - người chẩn đoán cho bạn”.

Một nhóm nhà nghiên cứu đánh giá việc có nên đưa hành vi tình dục ép buộc vào ấn bản ICD kế tiếp muốn tránh xa “cái bẫy” này. Họ cho biết việc chẩn đoán không nên “mô tả mức độ hứng thú với tình dục cao và tần suất của hành vi”, hay dựa trên “căng thẳng tâm lý liên quan tới các phán xét đạo đức hay sự phản đối dành cho ham muốn tình dục”.

Nhưng với họ, và những người muốn tình trạng này được công nhận, việc có tên gọi y khoa thực sự sẽ đảm bảo người gặp khó khăn với điều này nhận được sự trợ giúp - dù vấn đề nằm ở hành vi nghiện sex hay những rối loạn ẩn sâu hơn.

Theo Hải Đăng (Tri Thức Trực Tuyến)