Giải trí

Vụ VTV bị tố vi phạm bản quyền: Tác giả gửi tâm thư cho Tổng GĐ VTV

Cung cấp nhiều bằng chứng đanh thép để chứng minh “đứa con tinh thần” của mình bị xâm phạm thô bạo, đạo diễn, hoạ sỹ Lưu Tiến yêu cầu VTV có một buổi làm việc để giải quyết triệt để sự việc.

 

Cung cấp nhiều bằng chứng đanh thép để chứng minh “đứa con tinh thần” của mình bị xâm phạm thô bạo, đạo diễn, hoạ sỹ Lưu Tiến yêu cầu VTV có một buổi làm việc để giải quyết triệt để sự việc.

Mới đây nhất, ngày 4/6, trả lời phỏng vấn báo Người Đưa Tin bên lề Liên hoan phim hoạt hình Việt Nam - Hàn Quốc (Liên hoan phim có mặt các lãnh đạo đài truyền hình EBS và các hãng phim hoạt hình hàng đầu Hàn Quốc như ICONIX, GIMC, SAMG, DPS,...), đạo diễn Lưu Tiến cho biết, ông đã viết thư gửi TGĐ VTV Trần Bình Minh và phó TGĐ Nguyễn Thành Lương đề nghị VTV nhanh chóng giải quyết vụ việc.

Ngay trước đó, ngày 3/6, tác giả Lưu Mạnh Tiến – người tố chương trình "Hát cùng siêu Chíp" (được phát trên nhiều kênh của VTV2 và VTVDigital) vi phạm bản quyền đã chính thức có thư gửi đến Đài truyền hình Việt Nam (VTV).

Trong nội dung lá thư, ông Tiến đã bày tỏ ý kiến của mình sau khi nhận được công văn của Cục Bản quyền tác giả (BQTG) đính kèm bản sao công văn trả lời của Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình(TVAd).

Theo ông Tiến, TVAd (thay mặt VTV) viết công văn giải trình gửi Cục BQTG là không hợp lệ.

“Trách nhiệm giải trình là của VTV, trong đó VTV2 và VTV Digital chịu trách nhiệm chính, vì: chương trình “Hát cùng siêu Chíp” ghi rõ “Bản quyền chương trình thuộc Đài truyền hình Việt Nam”; kênh phát sóng là VTV2 - Ban khoa giáo Đài truyền hình Việt Nam; chương trình này cũng phát hành trên các phương tiện internet của VTV Digital. Như vậy, không có tài liệu nào thể hiện việc VTV uỷ quyền hợp pháp trong việc cung cấp thông tin giải trình cho TVAd”, ông Tiến lập luận.

Không những thế, ngay cả nội dung giải trình của TVAd cũng tỏ ra thiếu minh bạch. Trong giải trình này có liệt kê một số giấy chứng nhận do Cục BQTG cấp cho chương trình nhưng lại không đưa ra bản sao các văn bản (giấy chứng nhận, văn bằng, hợp đồng,..) đầy đủ để chứng minh bản quyền của chương trình "Hát cùng siêu Chíp".

Từ sự nhập nhèm trong xử lý cũng như trả lời của VTV, TVAd, đạo diễn Tiến khẳng định sai phạm là rất rõ ràng vì chương trình "Hát cùng siêu Chíp" không được cấp giấy chứng nhận “Hình thức thể hiện” cho các nhân vật đang sử dụng của ông.

Về các nhân vật trong chương trình "Hát cùng siêu Chíp", ông Tiến cho biết: “Các nhân vật trên sao chép gần như hoàn toàn các nhân vật do tôi sáng tác và được bảo hộ từ năm 2009 bởi Cục BQTG và Cục Sở hữu trí tuệ với một loạt văn bằng, giấy chứng nhận”. Ông cũng nói rằng mình có đầy đủ tài liệu chứng minh cho quá trình tạo thành các nhân vật của mình từ năm 2006, rất lâu trước khi chương trình “Hát cùng siêu Chíp” phát sóng.

Với những ý kiến trên, đạo diễn Lưu Tiến khẳng định: Các nhân vật Gà và Sâu trong Chương trình “Hát cùng siêu Chíp” có yếu tố xâm phạm bản quyền của tôi rõ rệt.

   Vụ VTV bị tố vi phạm bản quyền: Tác giả gửi tâm thư cho Tổng GĐ VTV - Ảnh 1

Hình ảnh so sánh cho thấy cái nhân vật không có sự khác biệt rõ rệt.

“Sự trùng lặp hàng loạt về hình ảnh và tên nhân vật Gà con (Choai, Nhép, Bông), tên chương trình (Siêu chíp) của Chương trình "Hát cùng siêu Chíp" với các tác phẩm được bảo hộ của tôi không phải là ngẫu nhiên mà có dấu hiệu về sự tính toán của những đơn vị, cá nhân liên quan.”

Đạo diễn Tiến cũng đưa ra một loạt các tài liệu, hình ảnh về các nhân vật gà, sâu do ông sáng tác và được bảo hộ từ năm 2009 để chứng minh cho các lập luận của mình.

   Vụ VTV bị tố vi phạm bản quyền: Tác giả gửi tâm thư cho Tổng GĐ VTV - Ảnh 2

Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả của đạo diễn Lưu Mạnh Tiến.

   Vụ VTV bị tố vi phạm bản quyền: Tác giả gửi tâm thư cho Tổng GĐ VTV - Ảnh 3

Hình ảnh của các nhân vật trong Hát cùng gà con (Ban nhạc Siêu Chíp).

Cuối thư gửi VTV, vị đạo diễn này đề nghị Đài truyền hình Việt Nam bố trí một buổi làm việc giữa hai bên để cùng tìm hướng giải quyết vấn đề trên tinh thầnthiện chí, công bằng và triệt để.

Trong trường hợp không được giải quyết theo như mong muốn, đạo diễn Tiến cho biết sẽ buộc phải nhờ vào cơ quan bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình và sự can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền, các cơ quan pháp lý, cơ quan thanh tra chuyên ngành.

Vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Luật sư Tạ Quốc Cường, Giám đốc Công ty Luật Hợp danh Sự Thật cho hay, trong sự việc này, ông Tiến có quyền "bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả", được quy định trong Điều 19, Luật Sở hữu trí tuệ.

Cũng theo Luật sư Cường, Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rõ: tổ chức, cá nhân nào có hành vi xâm phạm quyền tác giả đều bị xử lý nghiêm minh, bao gồm việc bị xử phạt (mức phạt quy định tại Nghị định 131/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả), phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả gây ra, bao gồm và không giới hạn các hành vi: Mạo danh tác giả; Sửa chữa, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả; Làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả; Sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, không trả thù lao, quyền lợi vật chất khác theo quy định của pháp luật; Nhân bản, sản xuất bản sao, phân phối, trưng bày hoặc truyền đạt tác phẩm đến công chúng qua mạng truyền thông và các phương tiện kỹ thuật số mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

Đồng thời với việc bị xử lý vi phạm, bồi thường thiệt hại, người vi phạm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả (theo Điều 3 Nghị định 131/2013/NĐ-CP) như: Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm; Buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm, bản ghi hình, chương trình phát sóng vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số; Buộc hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.

Đạo diễn Lưu Tiến chia sẻ: Tại liên hoan phim Việt Hàn, khi trình bày những khó khăn của công nghiệp hoạt hình tại Việt Nam cho các đối tác Hàn Quốc, tôi nhấn mạnh đến thực trạng vi phạm bản quyền, với ví dụ cụ thể là trường hợp của mình.

“Khi đó Phó giám đốc thương mại Quốc tế của hãng phim ICONIX nói với tôi rằng, bà rất kinh ngạc về tình trạng này ở Việt Nam. Bản thân bà cũng chứng kiến cảnh đồ chơi và các ấn phẩm hoạt hình làm giả các hãng nổi tiếng được bày bán tràn lan tại Hà Nội rất công khai”, ông Tiến nói.

   Vụ VTV bị tố vi phạm bản quyền: Tác giả gửi tâm thư cho Tổng GĐ VTV - Ảnh 4

Đạo diễn Lưu Tiến (trái) phát biểu ở liên hoan phim Việt - Hàn về vấn đề vi phạm bản quyền.

Đạo diễn Lưu Tiến cũng trải lòng: “Vụ việc của tôi chỉ là một việc nhỏ trong bức tranh bản quyền của Việt Nam, nhưng nếu không được giải quyết, tôi e rằng những người làm nghề như tôi sẽ mất hết niềm tin, và việc sánh vai với các nền hoạt hình tiên tiến là một giấc mơ xa vời vợi khó mà với tới!”.

VTV từ trối trả lời

Để làm rõ sự việc, PV  đặt lịch làm việc với VTV, tuy nhiên, tại đài một người phụ nữ tên Tú, giới thiệu là người ở phòng Kế Hoạch và thông báo, người phát ngôn của Đài hiện đang họp, và cung cấp một địa chỉ email ([email protected] - của ôngNguyễn Hà Nam - Trưởng ban Thư ký biên tập VTV) để gửi nội dung thông tin và sẽ trả lời. Mặc dù đã gửi thông tin qua email được cung cấp này, nhưng PV bản báo vẫn không nhận được hồi đáp. Tiếp tục gọi điện thoại lại cho vị nhân viên phòng Kế hoạch này thì được bà Tú thông báo: “Sếp của chị nói rằng sự việc đã được giải quyết. Phía Đài sẽ không có phát ngôn nào thêm về việc này”. Tuy nhiên, khi PV liên hệ với ông Nguyễn Hà Nam - Trưởng ban Thư ký biên tập VTV, thì ông Nam từ chối trả lời mọi câu hỏi phỏng vấn về sự việc.

 

Ngày 17/02/2016, đạo diễn Lưu Tiến có buổi trao đổi với 2 đại diện của VTV Digital để đã trình bày việc Chương trình “"Hát cùng siêu Chíp"” phát sóng trên các kênh VTV2, kênh Youtube VTV Showbiz và ứng dụng VTV Go sử dụng các nội dung thuộc bản quyền của ông mà không xin phép. Đại diện VTV Digital hứa sẽ báo cáo cho lãnh đạo VTV để giải quyết vụ việc. Tuy nhiên 2 vị này đã không giữ lời hứa.

Ngày 01/04/2014, tác giả Lưu Tiến gửi đơn lên Cục Bản quyền tác giả để khiếu nại Chương trình “Hát cùng siêu Chíp” của Đài truyền hình Việt Nam xâm phạm tác phẩm do ông là tác giả đồng thời là chủ sở hữu từ năm 2009.

Ngày 22/04/2016, Cục Bản quyền tác giả ra công văn đề nghị VTV cung cấp thông tin, giải trình sự việc trên bằng văn bản.

Ngày 10/05/2016, Trung tâm quảng cáo và dịch vụ truyền hình (TVAd) gửi công văn trả lời Cục Bản quyền tác giả, trong đó giải trình sõ bộ sự việc.

Ngày 16/05/2016, ông Tiến nhận được công văn trả lời của Cục Bản quyền tác giả, kèm theo bản sao công văn trả lời của TVAd.

Ngày 3/6/2016, ông Tiến tiếp tục có đơn khiếu nại gửi đến Đài truyền hình Việt Nam vì cho rằng công văn trả lời của TVAd là không hợp lệ.

Ngày 4/6/2016, ông Tiến có thư gửi TGĐ VTV đề nghị nhanh chóng giải quyết dứt điểm vụ việc.


Theo Vũ Khoa (Nguoiduatin.vn)