Giải trí

Phim Việt ngày càng biết cách kiếm tiền tỷ trên sóng giờ vàng VTV

Không chỉ kiếm tiền từ việc bán quảng cáo trong khung giờ phát sóng, giờ đây phim truyền hình Việt còn biết cách kiếm tiền bằng quảng cáo trong chính nội dung phim.

Cuối tuần vừa qua, bộ phim Người Phán Xử tiền truyện đã khép lại với nhiều tranh cãi như nội dung nhảm, nhiều cảnh nóng, bạo lực. Ngoài ra việc quảng cáo được lồng ghép quá lộ liễu trong các cảnh quay cũng gây không ít khó chịu cho người xem. 

Phim Việt ngày càng biết cách kiếm tiền tỷ trên sóng giờ vàng VTV
Cảnh quay quảng cáo khu vui chơi trong Người Phán Xử Tiền Truyện.

Một bộ phim khác sắp kết thúc phát sóng là Tình Khúc Bạch Dương cũng nhận nhiều phàn nàn của khán giả vì quảng cáo thô, không ăn nhập với nội dung và làm cảm xúc của người xem giảm đi đôi phần.

1 năm trước, Người Phán Xử và Sống Chung Với Mẹ Chồng là hai tác phẩm gây bão truyền hình và có rating cao nhất tại khu vực Hà Nội đạt khoảng 30-40%. Người xem nhiều đồng nghĩa với việc khoảng thời gian quảng cáo giữa giữa tập phim trở thành khung giờ vàng đắt giá và được nhiều doanh nghiệp, nhãn hãng săn đón. Mức giá đỉnh điểm cho việc quảng cáo giữa phim Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử từng lên tới 360 triệu đồng/ 1 phút. Như vậy, với 10 phút quảng cáo trong thời gian phát sóng mỗi tập phim, nhà đài đã thu về 3,6 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, hiện nay các phim truyền hình không chỉ kiếm tiền nhờ quảng cáo giữa khung giờ phát sóng mà còn kiếm lợi nhuận nhờ quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ, doanh nghiệp từ chính các cảnh quay trong phim. 

Điển hình là Tình Khúc Bạch Dương, tên một ngân hàng và công ty bất động sản đã được nhắc đi nhắc lại trong ít nhất 3 tập phim. Ngoài ra, phim còn có nhiều cảnh quay cận logo, dịch vụ và trụ sở doanh nghiệp. 

Phim Việt ngày càng biết cách kiếm tiền tỷ trên sóng giờ vàng VTV - 1
Cảnh phim Tình Khúc Bạch Dương quảng cáo rõ tên ngân hàng.

Không chỉ những bộ phim lên sóng VTV mà cả những phim chiếu online như Phía Trước Là Cả Một Đời Phán Xử hay Người Phán Xử tiền truyện việc quảng cáo càng lộ liễu và chiếm nhiều thời lượng. Nếu như Phía Trước Là Cả Một Đời Phán Xử quảng cáo cho một địa điểm tổ chức sự kiện ở Hà Nội thì Người Phán Xử tiền truyện quảng cáo cho rất nhiều địa điểm và dịch vụ doanh nghiệp trong suốt cả 4 tập phim. 

Ví dụ điển hình là tập 2 của bộ phim Người Phán Xử tiền truyện có thời lượng 20 phút những đã dành tới 4 phút cho quảng cáo địa điểm vui chơi và một quán karaoke ở Hạ Long, chiếm 1/5 thời lượng phim. Hình thức quảng cáo chủ yếu qua lời thời và cảnh quay.

Chưa dừng lại ở đó, logo của thương hiệu vui chơi, giải trí thuộc một tập đoàn bất động sản này còn được chạy ở góc màn hình suốt thời gian của bộ phim

Theo một nguồn tin, việc Người Phán Xử tiền truyện phải quay lại cái kết là do dự định sẽ kết phim bằng một cảnh quảng cáo dài, trong đó Phan Hải đưa Diễm My đi chơi ở địa điểm vui chơi, giải trí. Sau khi đóng máy, nhà sản xuất thấy không ổn nên đã quay lại cảnh kết. Theo đó, cảnh quảng cáo vẫn được giữ, nhưng phim kết bằng cuộc nói chuyện giữa Phan Quân và Phan Hải.

Việc quảng cáo trong nội dung phim không còn xa lạ gì với khán giả Việt, đặc biệt là những fan của phim Hàn. Trong phim truyền hình Hàn Quốc, rất nhiều sản phẩm được quảng cáo bằng các cảnh quay cận. Từ sản đồ ăn, đồ gia dụng, điện thoại cho tới xe cộ, nhà hàng và cả quần áo cùng các sản phẩm làm đẹp.... đều xuất hiện dày đặc trong phim Hàn. Không ít bộ phim xứ Hàn cho 100% nhân vật trong phim từ cô nàng làm thuê bán thời gian tới chàng tài phiệt siêu giàu đều cùng sử dụng một điện thoại duy nhất. 

Phim Việt ngày càng biết cách kiếm tiền tỷ trên sóng giờ vàng VTV - 2
Mẫu son Song Hye Kyo sử dụng trong một cảnh phim Hậu Duệ Mặt Trời được quảng cáo khá tinh tế. Nhờ sức hút của bộ phim, sản phẩm này sau đó nhanh chóng 'cháy hàng' do lượng người đặt mua quá đông. 

Rất nhiều ngôi sao đảm nhận vai chính trong phim Hàn đã đem tất cả những sản phẩm, thương hiệu mà mình đang làm gương mặt đại diện vào phim để quảng cáo và tạo ra doanh thu khổng lồ cho nhãn hàng. Chính vì vậy, quảng cáo trong phim đang là mảnh đất 'màu mỡ' để các doanh nghiệp và nhà sản xuất kiếm lợi nhuận khổng lồ. Đặc biệt là khi Hàn Quốc có luật cấm phát quảng cáo giữa tập phim, thì việc quảng bá sản phẩm trong chính nội dung phim được coi là lựa chọn lý tưởng nhất đối với các nhãn hàng. 

Quảng cáo là điều tất yếu trong phim, tuy nhiên khán giả cho rằng nhà sản xuất phim Việt cần lồng ghép yếu tố này một cách tinh tế, tự nhiên, tránh phản cảm và làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem dành cho nội dung phim.  

Tom (Daidoanket.vn)