Giải trí

Tự Long hát hit Tuấn Hưng bằng tuồng, chèo, cải lương

Không chỉ cover bản hit "Nắm lấy tay anh" của Tuấn Hưng bằng tuồng, chèo, cải lương mà lần đầu tiên trên chuyên mục Hotface, NSND Tự Long và bố mẹ của anh đã có những trải lòng thú vị...

Những kỷ niệm nào anh nhớ nhất mỗi khi về quê?

- Kỷ niệm tôi nhớ nhất đó là khi còn bé hay chơi "ú tìm", quê tôi còn hay dùng bằng một từ khác là chơi "chít''. Chúng tôi thường trèo lên cổng làng trốn tìm nhau. Còn bây giờ đường làng tôn thêm cho cao, mỗi lần về quê tôi thấy cổng làng như nhỏ bé hơn. Nơi ấy tôi có những kỉ niệm tuổi thơ, có những người bạn nối khố bên nhau...

Nơi đây đã nuôi dưỡng giọng hát Tự Long...

- Làng tôi có mỗi bố mẹ tôi làm nghệ sĩ và đến bây giờ tôi theo nghề bố mẹ. Vùng quê này nuôi dưỡng cho tôi một tâm hồn đẹp chứ không cho tôi một giọng ca tốt hay một giọng ca để đời. Tôi thừa hưởng tình yêu ca hát và giọng ca từ bố, mẹ. Mẹ tôi hát hay lắm.

Tuy nhiên trong đời làm nghề, người nghệ sĩ có những thăng trầm riêng. Không ai may mắn giống như tôi ở tuổi 42 được phong NSND. Khi tôi 20 năm lăn lội trong nghề được phong NSND, bố tôi 30 năm cống hiến cho đoàn quan họ, từ lúc đặt viên gạch đầu tiên cho đến giờ mới được phong NSƯT.

Cơ hội và sự may mắn khi làm nghề là điều rất quan trọng. Bố tôi thời xưa rất hoàng kim nhưng cơ hội không nhiều, sự may mắn trong nghề nghiệp chưa có nhưng tôi may mắn vì hội tụ những điều kiện cần và đủ đúng lúc nên được vinh danh và thăng hoa.

Tuy nhiên may mắn không phải từ trên trời rơi xuống mà đòi hỏi sự cống hiến chiều dày của nghề. Đặc biệt nghề này đạo đức làm nghề rất quan trọng. Tôi hãnh diện và tự hào khi nói về gia đình mình, về bố mẹ tôi.

Hotface, NSND Tự Long, Minh Vượng, người nổi tiếng
NSND Tự Long trải lòng.

Cùng sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Bắc Ninh, đáng ra anh hay NSƯT Xuân Hinh phải trở thành nghệ sĩ quan họ nổi tiếng chứ sao lại rẽ sang chèo?

- Nghệ thuật cũng tùy duyên. Sự thành công của người nghệ sĩ không phải ngẫu nhiên. Nó đòi hỏi sự khổ luyện, có tố chất riêng. Nghệ sĩ Xuân Hinh trước đây có năm tháng công tác ở đoàn dân ca quan họ sau đó sang chèo.

Chèo là loại hình nghệ thuật được sân khấu hóa chứ không như quan họ. Quan họ trước đây dừng lại diễn xướng dân gian, sau này lên thành đoàn, nhà hát, những làn điệu dân ca trình diễn trên sân khấu với nhiều cách mô phỏng khác nhau.

Bởi vậy những người hoạt động nghệ thuật có cá tính và tính cách như tôi và anh Xuân Hinh thích diễn hơn hát. Hát là một thế mạnh nhưng bên cạnh đó thích được biểu cảm, được diễn, khám phá mình những vai diễn khác nhau. Không phải là rẽ mà tôi đã chọn con đường đến với nghệ thuật chèo.

Quan họ có từ lâu và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Người ta lo ngại một ngày nào đó quan họ, đặc biệt quan họ cổ sẽ bị mai một đi. Là người được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất quan họ anh có trăn trở gì?

- Quan họ sẽ không bao giờ mất đi chỉ có điều cuộc sống này biến thiên nên quan họ thay đổi. Giá trị truyền thống thay đổi bản sắc sẽ mất đi. Đó là điều tôi lo. Ngày xưa bố mẹ tôi đi ăn, ngủ nghỉ cùng các cụ, đi cấy - gặt cùng các cụ, mọi sinh hoạt... nói như trong quân đội là 3 cùng, 4 tại chỗ mới có thể học được quan họ từ các cụ và truyền dạy quan họ cho người đi sau.

Còn bây giờ cuộc sống phát triển, nhiều bạn trẻ học quan họ không đến đầu đến đũa, họ đôi khi hát phục vụ thương mại nhiều hơn là bảo tồn. Người ta có thể hát bên một mâm cỗ đầy và bên bữa tiệc lớn, thậm chí có người muốn nghe quan họ theo kiểu "đông dị" tức là di động. Đôi khi hình ảnh thương mại ấy làm mất đi giá trị của quan họ và đó là điều báo động đối với những người làm nghề.

Với tư cách người con, anh có ý định tổ chức một đêm diễn hay một sản phẩm âm nhạc để bố mẹ mình thể hiện hay lưu lại những làn điệu quan họ?

- Đây là một ý tưởng hay. Bố mẹ tôi vẫn có thể tổ chức những canh hát quan họ đôi khi tại nhà hoặc nhà của những người anh em tại các làng quan họ nổi tiếng như làng Lim, Lũng Sơn. Tuy nhiên bố mẹ tôi chưa từng một lần tổ chức một canh hát quan họ mà ở đó vừa là người tổ chức vừa là người hát chính, chịu trách nhiệm về nghệ thuật.

Trong tương lai bằng khả năng của mình tôi sẽ tổ chức một đêm để bố mẹ cùng thể hiện, tái hiện lại các làn điệu quan họ. Bố mẹ tôi đang nắm giữ nhiều những bài hát quan họ cổ, đó là điều cần thiết để giữ lại.

Bố mẹ NSND Tự Long: Tự Long ngày xưa vất vả, thiệt thòi vì tôi và vợ thường phải đi diễn theo đoàn văn công của tỉnh. Từ nhỏ, cháu đã phải xa bố mẹ ở với bà ngoại. Lúc lớn lên đi học cháu thường phải đi theo, đoàn đi diễn ở đâu cháu phải đi theo đó.

Chúng tôi đi biểu diễn ngoài trời, khi vào việc chẳng ai trông giữ Tự Long nên nhiều lần bố mẹ trên sân khấu con làm khán giả đi loăng quăng ở dưới. Có một kỷ niệm lần vợ chồng tôi cùng đang diễn, khán giả nữ ở dưới chỉ tay hỏi: "Không biết ai mà hát hay thế nhỉ?". Lúc đó, Tự Long đứng cạnh bảo: "Ơ, bố cháu đấy cô ạ. Bố cháu chưa có vợ".

Sau khi vở diễn kết thúc, mấy khán giả dẫn Tự Long lên sân khấu và kể lại. Tôi nghĩ Tự Long có lẽ có đã có khiếu hài hước trong tâm hồn từ khi còn rất nhỏ.

Còn một kỷ niệm nữa khi Tự Long ở nhà với bà ngoại hay được bà bắt ếch làm thịt cho ăn. Một hôm trời mưa, nhìn thấy 2 con cóc nhảy ở vườn, Tự Long mải đuổi tóm được 2 con cóc thì vướng phải cây chanh không chui ra được. Cháu hét toáng gọi bà ngoại. Cuối cùng bà ngoại phải chặt hai cành chanh to mới lôi được cháu ra, hai tay vẫn cầm khư khư hai con cóc.


Theo Sơn Hà - Xuân Hoàng - Nguyễn Nam - Thế Đại - Bạt Tuấn (VietNamNet)