Giải trí

Phim võ hiệp TQ: Thời 'cơm nguội' của các cao thủ môi son, da trắng

Phim võ hiệp luôn là một “mỏ vàng” đối với truyền hình Trung Quốc. Tuy nhiên, dòng phim này đang dần bị cải biến để phù với xu thế “tôn thờ thần tượng” của thị trường giải trí.

Hàng năm truyền hình Trung Quốc liên tục sản xuất series phim võ hiệp, đặc biệt là những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết Kim Dung. Gần đây, trên mạng xã hội Weibo, khán giả Trung Quốc được dịp thảo luận xôn xao về bản mới Tiếu ngạo giang hồ.

Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung với Lệnh Hồ Xung, Lâm Bình Chi, Đông Phương Bất Bại được xây dựng hình ảnh trẻ hóa, nữ tính và y hệt phong cách phim thần tượng xứ Hàn. 

Phim võ hiệp TQ: Thời 'cơm nguội' của các cao thủ môi son, da trắng
Vẻ uy mãnh của Kiều Phong trong Thiên long bát bộ phiên bản năm 2003. 

Điều đó khiến những độc giả và khán giả hâm mộ tác phẩm Tiếu ngạo giang hồ chân chính bức xúc. QQ đưa ra nhận xét xét về nhan sắc của dàn nam chính, phiên bản Tiếu ngạo giang hồ mới "là bước phát triển vượt bậc".

Trước phản ứng của dư luận, ê-kíp thực hiện Tiếu ngạo giang hồ cho rằng cần làm mới tác phẩm của Kim Dung và họ chỉ đơn giản đang sáng tạo ra phiên bản “thanh xuân” để phù hợp giới trẻ.

'Kim Dung hay Cổ Long đều phải thay đổi'

Năm 2018, màn ảnh nhỏ Hoa ngữ tiếp tục chứng kiến sự thắng thế của dòng phim cổ trang võ hiệp bất chấp yêu cầu giảm tải từ phía Cục Phát thanh truyền hình Trung Quốc. Bên cạnh Tiếu ngạo giang hồ, khán giả còn được xem Ỷ thiên đồ long ký, Thần điêu hiệp lữ, Lộc đỉnh ký, Tuyệt đại song kiêu, Bình tung hiệp ảnh.

Phim võ hiệp TQ: Thời 'cơm nguội' của các cao thủ môi son, da trắng - 1
Lệnh Hồ Xung thế hệ mới phải tô son, điệu đà.

Những tác phẩm đã quá quen thuộc của Lương Vũ Sinh, Cổ Long và Kim Dung lại tiếp tục được chuyển thể đến lần thứ bao nhiêu không rõ, khiến khán giả bội thực.

Nhà sản xuất phim Thần điêu đại hiệp khẳng định: “Khán giả kêu nhàm khi thuộc lòng các tác phẩm nổi tiếng. Nhưng ai cũng công nhận đó là những tiểu thuyết kinh điển khiến người người say mê. Đó là mỏ quặng khai thác không bao giờ cạn của giới làm phim”.

Các tiểu thuyết của Kim Dung vô cùng phong phú về nội dung, hình tượng hiệp nghĩa (Quách Tĩnh, Dương Quá, Trương Vô Kỵ) hay phi hiệp (Địch Vân), phản hiệp (Vi Tiểu Bảo) đều được xây dựng vô cùng sống động.. Từ thập niên 1980 đến những năm gần đây, phim chuyển thể từ truyện Kim Dung chưa bao giờ “lỗ”.

Nhưng việc làm lại các tác phẩm hot đồng nghĩa phải sáng tạo cái mới. Các nhà làm phim Trung Quốc đều cho rằng gương mặt Kiều Phong, Quách Tĩnh, Dương Quá cũ đã chỉ dành cho thế hệ khán giả 10 năm trước.

Để phù hợp với thị hiếu mới, cải biên về hình ảnh và kịch bản là “thức thời, biết người biết ta”. Giới truyền hình Trung Quốc cho rằng Anh hùng xạ điêu bản 2017 thất bại vì quá trung thành với nguyên tác, và đó là ví dụ điển hình của việc lười đổi mới.

Phim võ hiệp TQ: Thời 'cơm nguội' của các cao thủ môi son, da trắng - 2
Cao thủ trong phim võ hiệp Trung Quốc giờ phải quan trọng yếu tố ngoại hình, hút khán giả nữ.

Truyền thông Trung Quốc cũng cho rằng dù không muốn, giới làm phim truyền hình vẫn phải thừa nhận rằng trong thời đại mà văn hóa mạng xã hội chiếm ưu thế, "triều đại" của phim võ hiệp không thể không thay đổi. 

“Năm 1983, Anh hùng xạ điêu của Ông Mỹ Linh và Huỳnh Nhật Hoa ảnh hưởng đến một thế hệ. Sau đó, Trương Trí Lâm và Chu Nhân cũng tạo thành cặp Tĩnh ca ca - Dung Nhi. Nhưng Anh hùng xạ điêu 2017 thất bại dù được đánh giá tốt về nội dung. Điều đó cho thấy võ hiệp kinh điển truyền thống đã không còn sức hấp dẫn với giới trẻ”, Sina đánh giá.

Thời cơm nguội, cao thủ phải điệu

Phim võ hiệp truyền thống lấy các câu chuyện tung hoành giang hồ làm tuyến kịch bản chính. Hầu hết kịch bản cũ chú trọng xây dựng nhân vật anh hùng, bỏ qua hoặc không khai thác sâu yếu tố tình cảm.

Nhưng hiện nay, bí quyết thu hút khán giả của các phim võ hiệp kiểu mới là đặt trọng tâm vào câu chuyện “nữ nhi tình trường, hút khán giả nữ”. Với sự thay đổi đó, hàng loạt phim tiên hiệp mang đậm yếu tố ngôn tình tung hoàn trên màn ảnh nhỏ Hoa ngữ. 

Đó là Tru Tiên, Hoa Thiên Cốt, Tam sinh tam thế: Thập lý đào hoa, Trạch thiên ký, Thượng cổ tình ca.

Phim võ hiệp TQ: Thời 'cơm nguội' của các cao thủ môi son, da trắng - 3
Khi vẻ đẹp của nam chính lấn át cả nữ chính.

Theo QQ, ý tưởng của các nhà làm phim Trng Quốc là chính xác. Đáng tiếc, họ mới chỉ nói được mà chưa làm được, và thậm chí đã đi quá đà. Thiên nhai minh nguyệt do Chung Hán Lương đóng bị chỉ trích là “xào nấu” kịch bản, thậm chí còn bị gán mác là phim đồng tính nam.

Các cao thủ trong phim trở nên yếu đuối, nhu tình và mang nhiều nét nữ tính. Rất nhiều khán giả và giới truyền thông đã phản ứng mạnh khi chứng kiến Lộc Hàm tô son đỏ, da trắng muốn trong Trạch thiên ký hay Lý Dịch Phong và Mã Khả trông y hệt mỹ nhân cổ trang khi vào vai cao thủ.

“Xào nấu quá đà, lẫn lộn giữa yếu tố võ hiệp và ngôn tình thái quá đã khiến phim mất chất, kịch bản không logic”, QQ nhận định. Còn tờ Nhân Dân nhật báo gọi đây là trào lưu nấu đi nấu lại “cơm nguội”, không hề tạo ra cái mới.

“Cơm nguội có đun nóng hàng trăm lần vẫn chỉ là cơm nguội”, Nhân Dân nhật báo gay gắt chê bai.

Phim võ hiệp TQ: Thời 'cơm nguội' của các cao thủ môi son, da trắng - 4
Các phim cổ trang Trung Quốc hiện này ngày càng mất chất võ hiệp.

Theo Hiểu Nguyệt (Tri Thức Trực Tuyến)