Giải trí

Phim Việt thiệt đủ đường ở rạp chiếu ngoại: Bài toán khó

"Phim Việt vào được các rạp có đầu tư nước ngoài đã khó, chưa kể vào được rồi suất chiếu ít, thậm chí thưa’’.

Thụ động, thua ngay trên sân nhà

- Hiện nay, hệ thống rạp chiếu phim của các liên doanh với nước ngoài đã chiếm số lượng đa phần với 46 rạp và 269 phòng chiếu. Trong đó, CJ CGV - Hàn Quốc có 30 rạp và 196 phòng chiếu; Lotte - Hàn Quốc có 16 rạp và 73 phòng chiếu. Từ đó nảy sinh ra câu chuyện phim Việt bị chèn ép trên sân nhà.

Mới đây, bộ phim 12 chòm sao - Vẽ đường cho yêu chạy - một phim của đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Phượng được giới phê bình phim đánh giá cao nhưng lại bị từ chối chiếu trong hệ thống CGV. Gần đây nhất, CGV bị 8 nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam tố ăn chia phòng vé không sòng phẳng. Ông bình luận như thế nào trước thực tế trên? Nhiều người cho rằng, câu chuyện ''mất thị trường bán lẻ'' đang lặp lại trong lĩnh vực điện ảnh và phim Việt sẽ phải chịu sự chèn ép như chuyện hàng Việt vào siêu thị, ông có đồng tình không, xin ông phân tích cụ thể?

 - Ở đây có hai vấn đề cần nhắc tới: Thứ nhất, khi chúng ta mở cửa để hội nhập thì phải xác định sẽ không chỉ có kinh tế mà còn văn hóa, giáo dục, khoa học... sẽ phải tuân thủ đúng luật chơi của thế giới.

Việc các nhà đầu tư đầu tư vào hệ thống các rạp chiếu phim là điều dễ hiểu. Vấn đề ở đây phải là quản lý ra sao để cho thị phần phim Việt vẫn có chỗ đứng và cạnh tranh.

Bởi lẽ, dù thế nào, họ là những nhà đầu tư, thuê đất của chúng ta, kinh doanh trên đất của chúng ta. Mục tiêu đặt ra là phải hài hòa về mặt lợi ích, nghĩa là đôi bên cùng có lợi, chứ không thể quản lý theo kiểu "muốn làm gì thì làm", để xảy ra tình trạng, chỉ có nhà đầu tư nước ngoài hưởng nguồn lợi từ chính người Việt.

Thứ hai, bản thân các nhà làm phim Việt phải có những bộ phim có thể cạnh tranh được để chiếu được trong các rạp có yếu tố đầu tư nước ngoài. Nghĩa là phải tập trung đầu tư cho phim của chúng ta có chất lượng hơn, có nhiều khán giả đến xem hơn, kiếm được nhiều thị phần hơn.

Chừng nào phim Việt còn chưa so kịp với các nước trên thế giới và khu vực thì chúng ta vẫn khó có thể cạnh tranh.

Phim Viet thiet du duong o rap chieu ngoai: Bai toan kho

Việt Nam thụ động khi đưa phim vào các rạp có đầu tư nước ngoài

Về việc chiếu phim Việt tại các hệ thống rạp nước ngoài, chúng ta cũng có những ràng buộc pháp lý. Theo quy định của Luật điện ảnh thì các rạp chiếu phim trên đất nước Việt Nam, không được chiếu 100% phim nước ngoài, ít ra phải 20% là chiếu phim Việt Nam. Quy định là vậy nhưng thực tế đúng như báo chí đang phản ánh.

Tôi thấy, câu chuyện rạp chiếu phim đang giống hệt như câu chuyện hàng Việt đi vào siêu thị. Hàng hóa Việt muốn vào siêu thị phải chịu chiết khấu cao, khi vào rồi thì bị đẩy đi rất xa, thậm chí vào những nơi mà người tiêu dùng không thể nhìn thấy, trong khi hàng hóa của nước họ sản xuất thì được để khu trung tâm, dễ tìm.

Đây quả thật là một bài toán khó. Phim Việt vào được các rạp có đầu tư nước ngoài đã khó, chưa kể vào được rồi suất chiếu ít, thậm chí thưa, vào khung giờ ít người xem, vậy thì sao có doanh thu cao được. Trong khi, các bộ phim quốc tế thì được chiếu suất dày, kèm theo quảng cáo hấp dẫn.

Tôi đang lo, nếu không cẩn thận thì chúng ta sẽ thụ động, thua ngay trên sân nhà.

Từ khi có sự tham gia của các hãng phim tư nhân, thị trường phim ảnh Việt Nam đã đáp ứng được phần nào nhu cầu của khán giả Việt. Có quá ưu ái hay không khi cho rằng nhà làm phim Việt đang gánh thay trách nhiệm phục vụ người dân của phim Nhà nước?

Làm phim cho người dân, chịu sự o ép của hệ thống rạp (đã được giao cho nước ngoài đầu tư), chúng ta cần phải nhìn nhận thiệt thòi cho nhà làm phim Việt như thế nào? Liệu nhà quản lý có nên có sự tác động nhất định, để giữ lửa cho phim Việt hay không?

 - Tôi thấy chúng ta đã xã hội hóa (XHH) trong nhiều lĩnh vực, trong điện ảnh, trong thể dục thể thao, giáo dục, bệnh viện tư. Rõ ràng phải XHH vì nguồn lực nhà nước không đủ để đầu tư cho các lĩnh vực, trong đó có điện ảnh.

Các hãng phim tư nhân đầu tư, tự bỏ tiền sản xuất đó là điều rất tốt, thậm chí phải khuyến khích. Chúng ta phải có chính sách với các nhà làm phim Việt, thậm chí phải đầu tư, có đặt hàng với họ, nếu không có chính sách với các nhà sản xuất phim tư nhân, thì sẽ không ai giúp cho thị trường phim Việt phát triển.

Khi đó các phim nước ngoài sẽ lấn lướt, chúng ta sẽ ngày càng thụ động, từ sản xuất phim cho đến phát hành.

Tuy nhiên, cũng phải đặt ngược lại vấn đề, chất lượng nội dung, hàm lượng văn hóa của bộ phim ra sao. Tại sao hiện nay chúng ta chỉ nhập phim mà không hướng tới việc sản xuất và đưa ra thị trường nước ngoài?.

Chúng ta vẫn có những bộ phim tham gia Oscar, nhưng lại không có chính sách hỗ trợ nhà sản xuất thì mãi mãi chìm trong bóng tối. Vì thế, phải kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn, còn nhà nước thì hỗ trợ về cơ chế, chính sách quản lý, tiếp lửa cho các nhà sản xuất phim tư nhân, để họ tồn tại, thậm chí vươn ra các thị trường khác.

Một vấn đề khác cần cân nhắc là Nhà nước nên có chính sách với nền điện ảnh nội địa, hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu phim nước ngoài, phát triển phim trong nước; yêu cầu các đơn vị nhập khẩu phim đóng góp thuế, bù lại để phát triển điện ảnh trong nước; tìm cách tăng tỷ lệ rạp chiếu trong nước.

Giải pháp căn cốt

Trong vụ việc khiếu nại CGV mới đây, theo các chuyên gia, đã có thể thấy đường nét những miếng ghép của một vụ việc bóp nghẹt lợi nhuận (một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường đầu nguồn cung cấp dịch vụ rạp chiếu phim, đồng thời cạnh tranh trên thị trường cuối nguồn là thị trường phát hành phim với những nhà phát hành khác đang phải phụ thuộc vào hệ thống rạp chiếu của nó) vốn bị coi là phạm pháp ở đa số các quốc gia.

Tuy nhiên, Luật cạnh tranh của Việt Nam vẫn chưa tương thích với thông lệ quốc tế. Thưa ông, vấn đề này liệu có được đưa ra xem xét trong thời gian tới hay không bởi khi VN đã hội nhập sâu, những trường hợp tương tự CGV nhiều khả năng sẽ xảy ra nhiều hơn?

 - Luật cạnh tranh, Luật đầu tư, cũng như các Luật khác có liên quan đến yếu tố nhà đầu tư nước ngoài, còn bất cập thì phải tổng hợp lại, sau đó sửa và trình lên Quốc hội nhiệm kỳ tới để chỉnh sửa.

Mục tiêu đặt ra là trong các lĩnh vực có yếu tố đầu tư nước ngoài không được chèn ép doanh nghiệp Việt cũng như nhà sản xuất phim Việt, để không còn xuất hiện kiểu ăn chia không sòng phẳng, từ đó dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh.

Có vậy, mới tạo được động lực phát triển cho các doanh nghiệp Việt, nhà sản xuất phim Việt, đồng thời các doanh nghiệp, nhà sản xuất không bị o ép, bởi các nhà phân phối khổng lồ của các nước đầu tư ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo tôi, việc làm quan trọng nhất hiện nay là phải làm sao đầu tư để cho hàng hóa, phim ảnh, sản phẩm tiêu dùng cũng như sản phẩm văn hóa của Việt Nam có chất lượng cao để cạnh tranh được trên thị trường, không những thắng trên sân nhà phải hướng tới xuất khẩu sang các nước.

Đó mới là giải pháp căn cốt cho các vấn đề đặt ra hiện nay.

Theo Khả Ngân (Đất Việt)