Giải trí

Phim 'Thương nhớ ở ai' lại gây tranh cãi vì lời thoại nhạy cảm

Cảnh phim "bà cán bộ" và nhân vật Hơn trong "Thương nhớ ở ai" đang gây ồn ào trên mạng xã hội vì có nhiều ngôn từ nhạy cảm như "thây lẩy", "nếu cắt được thì con cũng cắt".

Cảnh phim gây ồn ào vì có ngôn từ nhạy cảm trong 'Thương nhớ ở ai' Cảnh phim "bà cán bộ" và nhân vật Hơn trong "Thương nhớ ở ai" đang gây ồn ào trên mạng xã hội vì có nhiều ngôn từ nhạy cảm như "thây lẩy", "nếu cắt được thì con cũng cắt".

Ngày 10/11, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam (VFC) đăng tải clip trích đoạn tập 1 và 2 đã lên sóng của phim Thương nhớ ở ai kèm lời giới thiệu "Ngay từ thời xưa phụ nữ đã đố kỵ nhau về nhan sắc rồi. Xinh quá cũng là một cái tội".

Nội dung của trích đoạn chủ yếu xoay cuộc hội thoại giữa nhân vật Hơn (Hồng Kim Hạnh đóng) và "bà cán bộ" Tí Hin (Trương Phương). Tí Hin là em gái của chủ tịch xã Đột, vốn có xuất thân là nông dân nhưng nay trở thành một trong những cán bộ xã.

Tí Hin không ngại tỏ thái độ căm ghét với nhân vật Hơn - vốn là con dâu trong một nhà địa chủ nhưng nay rơi vào cảnh không nhà cửa, không tài sản, chồng thì bị bắt giam ở đình. Tí Hin bắt Hơn phải gọi mình là "bà cán bộ" và không được gọi là "bà nông dân".

Phim 'Thương nhớ ở ai' lại gây tranh cãi vì lời thoại nhạy cảm
Hơn vốn là con dâu trong một gia đình địa chủ giàu có trước khi lâm vào cảnh không tài sản, chồng bị bắt giam.

Tí Hin cũng đố kỵ với nhan sắc của Hơn, nhất là khi Hơn lại đang ở cùng nhà với xã đội trưởng Vạn - người trong mộng của Tí Hin. Thấy Hơn mặc yếm rút rơm, Tí Hin tức giận và buông lời mắng mỏ.

"Từ bây giờ ăn mặc cho kín đáo vào, nghe chưa. Ai lại cứ áo yếm, nhà có ông xã đội về, cái ngực cứ thây lẩy như trêu tức người ta", Tí Hin nói. Đáp lại, nhân vật Hơn lễ phép "Con biết phải làm sao bây giờ, nếu cắt được thì con cũng cắt".

Nghe Hơn nói vậy, Tí Hin lườm nguýt "Cắt được thì cắt luôn đi" rồi quay mặt đi.

Cảnh phim gây ồn ào vì ngôn ngữ được cho là tương đối nhạy cảm như "thây lẩy", "cắt". Một khán giả bình luận "VTV giờ táo bạo quá" và bày tỏ khen ngợi cho sự cởi mở của đơn vị sản xuất cũng như nhà đài.

Tuy vậy cũng có ý kiến cho rằng đó là những ngôn ngữ nhạy cảm đối với phim truyền hình có nhiều đối tượng khán giả xem, trong đó có trẻ em. Đặc biệt là khi ngôn ngữ nhạy cảm đó lại kết hợp với việc diễn viên nữ trong phim đều mặc áo yếm mà không có áo ngực.

Phim 'Thương nhớ ở ai' lại gây tranh cãi vì lời thoại nhạy cảm - 1
Thương nhớ ở ai là bộ phim có bối cảnh năm 1954-1975.

Trước đó, Thương nhớ ở ai cũng đã gây ồn ào về việc đạo diễn yêu cầu diễn viên nữ trong phim không được mặc áo ngực để tạo sự chân thực đối với một bộ phim có bối cảnh 1954-1975.

Trao đổi Zing.vn, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết "Xưa các cụ mặc như nào thì mình mặc như thế". Đạo diễn Lưu Trọng Ninh xác nhận việc yêu cầu diễn viên mặc áo yếm và không mặc áo ngực. Nhưng anh cũng cho biết, quyết định này có sự thống nhất của người phụ trách phục trang và diễn viên.

Dù có những ý kiến khác nhau, đạo diễn Lưu Trọng Ninh cho biết anh không muốn dư luận quá chú ý hay tranh cãi về việc này.

Diễn viên Thanh Hương - người đóng vai Nương trong phim đặt ngược lại vấn đề rằng nếu dàn diễn viên nữ đều mặc áo ngực, có thể khán giả sẽ chê phim giả tạo.

"Nếu chúng tôi mặc áo ngực, nhiều khán giả, đặc biệt là khán giả lớn tuổi sẽ đặt câu hỏi rằng thời đó các cụ làm gì có áo ngực trong áo yếm. Làm phim có bối cảnh ngày xưa rất cần phải có sự chân thực với lịch sử", Thanh Hương nhấn mạnh.

Theo diễn viên Thanh Hương, khi đạo diễn và diễn viên để thống nhất với nhau tức là đã hiểu ý nhau. Việc dàn viên nữ không mặc áo ngực là lựa chọn tốt nhất trong hai lựa chọn, do vậy "không có gì phải lăn tăn".

Phim 'Thương nhớ ở ai' lại gây tranh cãi vì lời thoại nhạy cảm - 2
Thương nhớ ở ai do đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh thực hiện, chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng.

Thương nhớ ở ai do đạo diễn Lưu Trọng Ninh và Bùi Thọ Thịnh thực hiện, chuyển thể từ tiểu thuyết Bến không chồng. Bối cảnh tại làng Đông - một làng quê Bắc Bộ điển hình giai đoạn 1954-1975. Trải qua hai cuộc kháng chiến, ngôi làng vắng bóng đàn ông, chỉ còn những người đàn bà góa ngày ngày tụ tập ở bến nước đầu làng.

Phim khắc họa số phận bi kịch của những phụ nữ nông thôn thời hậu chiến. Họ không chỉ chịu nỗi đau mất mát người thân mà còn bị giam cầm, trói buộc bởi những định kiến, thủ tục hà khắc, phải đè nén, chôn giấu những khát khao hạnh phúc cá nhân.

Thương nhớ ở ai có sự tham gia của nhiều diễn viên nữ. Hai vai nữ chính của bộ phim được giao cho hai cái tên mới là Ngọc Anh và Hồng Kim Hạnh. Ngoài ra phim còn có sự góp mặt của các diễn viên như NSƯT Thanh Ngoan, Thanh Hương,...

Theo Bảo Ngọc (Tri Thức Trực Tuyến)