Giải trí

Phim "Lô tô" - tiếng khóc nghẹn về phận người chuyển giới

Phim mới do NSƯT Hữu Châu đóng chính thể hiện sự đồng cảm của đạo diễn và êkíp với những thân phận sống bên lề xã hội. 

Phim mới do NSƯT Hữu Châu đóng chính thể hiện sự đồng cảm của đạo diễn và êkíp với những thân phận sống bên lề xã hội. 

* Nhân vật Lệ Liễu trong phim "Lô tô"

Đực là một chàng trai miền Tây sớm nhận ra giới tính thật của mình qua những lần lén mẹ cha thoa son, mặc váy. Sau nhiều lần chịu đựng đòn roi, bị ép chung đụng với người khác giới, Đực bỏ nhà ra đi, tìm đến gánh lô tô Phù Hoa của ông bầu Lê Minh. Từ đây, anh thoát xác đàn ông, khoác chiếc váy sequin lấp lánh để trở thành cô đào Lệ Liễu (NSƯT Hữu Châu đóng). Sau lời tự bạch về quá khứ của Lệ Liễu, bộ phim xoáy vào cuộc mưu sinh bằng tiếng hát lô tô của bà và những nàng "Lệ": Lệ Phi Phi (Huỳnh Lập), Lệ Sa Sa (Hải Triều) và Lệ Tú Nhàn (Minh Dũng).
 

​* Những cảnh hài hước trong phim "Lô tô"

Đạo diễn Lô tô từng khẳng định nhiều lần bộ phim của anh không hẳn nói về người chuyển giới, mà trên hết là những kiếp sống trôi sông lạc chợ qua một nét văn hóa đặc trưng nơi tỉnh lẻ miền Tây. Tuy nhiên, phim từ đầu đã thể hiện góc nhìn rõ nét của đạo diễn về những người chuyển giới nam: thô ráp mà lộng lẫy, hài hước mà tủi nhục. 

Người xem dễ thấy dụng tâm của đạo diễn khi khắc họa những mảnh đời bị xem là gần dưới đáy xã hội. Họ chăm chút nhan sắc kỹ càng không kém cô đào gánh hát nổi tiếng nào: kẻ mắt, tô son, làm tóc chỉn chu - dù chỉ là tóc giả - trước khi lên sàn diễn... Họ gọi nhau là "bóng", "pê đê" như một cách tự trào pha chút đắng cay. Ở những pha đối đáp, thoại phim được thể hiện nhuần nhị, duyên dáng như trò chuyện giữa đời thường. 

Như nhiều gánh lô tô khác, đoàn Phù Hoa là nơi tập trung của nhiều số phận khác nhau nhưng chung mối tâm tư. Trong đó, Lệ Liễu đại diện cho những người chuyển giới nam đã ở dốc bên kia cuộc đời. Đây là vai chính đầu tiên của Hữu Châu trên màn ảnh rộng. Khác với những vai giả gái cường điệu để tạo tiếng cười trên sân khấu, vai diễn mới của nghệ sĩ có chiều sâu tâm lý của một người từng trải, chịu nhiều mất mát, va vấp trong đời. Hữu Châu chọn cho mình lối diễn tĩnh tại mà nhiều day dứt. Anh gây ấn tượng khi thể hiện nhân vật Lệ Liễu chau mày nhìn di ảnh người tình, trách ông sớm bỏ bà ở lại một mình chèo lái gánh hát. Cử chỉ khoan thai, từ tốn của nhân vật khi bước lên sân khấu, ôm micro hát về cuộc đời mình tạo lắng đọng trong phim.

* Cảnh nhân vật Thương bị cưỡng hiếp trong phim

Ở những phân cảnh bi, Hữu Châu cuốn người xem bằng biểu cảm diễn xuất đa dạng. Có đoạn, Lệ Liễu ngồi thụp xuống, khóc không ra nước mắt, nhìn rạp hát của mình bị phá tan tành bởi đám giang hồ. Ở một cảnh khác, khuôn mặt bà co rúm lại khi bị tình địch - một cô gái trẻ - chạm vào nỗi đau sâu kín nhất bằng lời mỉa mai: "Ông có gì để làm đàn bà?". Như nhiều người chuyển giới nam khác, Lệ Liễu cũng luôn bị giày vò trong mối tình không lối thoát với một "trai thẳng" - người bà cưu mang từ bé nhưng chỉ thương bà như ruột thịt.

Hoặc như phân cảnh Lệ Liễu gặp lại đứa con rơi - kết quả từ lần bà bị ép duyên với một cô gái, Hữu Châu thể hiện bản lĩnh nhập vai dày dạn. Cảnh Lệ Liễu chạy giữa bến xe, dáo dác tìm con gái, cúi đầu tạ tội trước người vợ cũ... gói ghém những uẩn ức lẫn ngọt bùi cay đắng của một người luôn bị số phận đẩy vào thế trớ trêu.

* Cảnh tâm sự của nhân vật Lệ Sa Sa

Hải Triều cũng tạo ấn tượng về một lối diễn thấm đượm cảm xúc, đặc biệt ở cảnh nhân vật Lệ Sa Sa của anh nhoẻn miệng cười buồn kể về nỗi nhớ nhà. Huỳnh Lập, Minh Dũng tròn vai khi có nhiều tiếng cười nhẹ nhàng được cài cắm giữa các phân đoạn "câu" nước mắt. Lần đầu chạm ngõ điện ảnh, người đẹp Nam Em đảm nhận vai Thương - cô gái quê đi tìm cha. Cô gây ấn tượng với tạo hình gần gũi, song ở những câu thoại đòi hỏi đài từ cảm xúc hơn, cô diễn còn hời hợt. Ở cuối phim, khi nhân vật Thương trò chuyện với cha ruột, Nam Em chưa thể hiện được tận cùng sự thấm thía trong câu thoại: "Dù dì có là ai đi nữa, dì vẫn là ba của con".

Âm nhạc tạo cảm giác day dứt buồn, góp phần đẩy tình tiết phim lên cao trào. Tuy nhiên, ở những phân cảnh nội tâm, phim có phần lạm dụng tiếng nhạc để làm mồi cảm xúc cho người xem. Thay vì một hơi thở khẽ run, một tiếng khóc nghẹn, phần nhạc tỏ ra lấn lướt nhằm gợi nỗi buồn nơi khán giả nhưng khó để lại điểm nhấn. 

Phim Lô tô công chiếu từ ngày 31/3.

Theo Mai Nhật (VnExpress.net)