Giải trí

Nhất Trung: "49 Ngày" không đạo phim Hàn Quốc

Đạo diễn phim "49 Ngày" chia sẻ về bộ phim đang gây chú ý cũng như xu thế các nhà làm phim trong nước học hỏi tác phẩm nước ngoài khi sáng tạo.

Đạo diễn phim "49 Ngày" chia sẻ về bộ phim đang gây chú ý cũng như xu thế các nhà làm phim trong nước học hỏi tác phẩm nước ngoài khi sáng tạo.

- 49 Ngày có cốt truyện về một người tự tử mà không chết, sau đó thấy được ma. Môtíp người gặp ma đã được các đạo diễn thế giới làm rất nhiều. Ở Mỹ có phim The Ghost, ở Hàn Quốc có Hello Ghost, ở Trung Quốc từng có phim Con mắt âm dương. Tôi rất thích phim nước ngoài nên các phim trên tôi đều đã xem rất kỹ và hiểu kịch bản của mình khác biệt với câu chuyện của họ.

Trong khi phim The Ghost đưa ra một câu chuyện riêng về tình yêu thì phim Hello Ghost kể một câu chuyện gia đình. Con mắt âm dương lại kể về sự quý giá của cuộc sống khi con người trải qua cái chết. Riêng 49 Ngày khác hoàn toàn với cốt truyện kể về số phận của ba con ma - ba câu chuyện cuộc đời và hoàn cảnh khác nhau trong xã hội Việt Nam hiện nay. Không có chuyện tương đồng hay sử dụng lại cốt truyện giữa 49 Ngày với các phim nước ngoài.

- Ngoài câu chuyện về người gặp ma, "49 Ngày" vẫn lồng trong đó chút “sến ngọt ngào” kiểu phim tình cảm Hàn. Anh thấy sao?

- Kịch bản ban đầu của tôi nặng về cảm xúc hơn rất nhiều bản dựng chiếu rạp. Là người miền Nam, tôi chắt lọc và học hỏi tinh thần kịch sân khấu, cải lương để làm phim. Tôi giữ sao cho cảm xúc trong phim chín tới và không quá bi lụy. Khán giả mỗi người một ý, chúng ta không thể bắt họ theo ý mình được. Tôi chỉ biết cố gắng làm hết sức, vừa tạo ra một câu chuyện có nhiều cảm xúc mà vẫn nhẹ nhàng, tươi vui và có ý nghĩa.
 

Đạo diễn Nhất Trung chia sẻ thẳng thắn về chuyện học hỏi và đạo phim trong điện ảnh Việt Nam hiện nay.

 
- Theo anh, đạo phim và học hỏi trong điện ảnh khác nhau thế nào?

- Bản chất của quá trình sáng tạo là học hỏi từ những người đi trước. Có không ít phim lấy cảm hứng từ một phim khác nhưng cuối cùng trở thành một tác phẩm độc lập so với phim được lấy cảm hứng.

Việc một tác giả đạo phim hay không cần xem xét quá trình sáng tác. Liệu họ có bị ảnh hưởng bởi các phim họ từng xem hay không? Nếu có ảnh hưởng, họ đã biến đổi, sáng tạo ra những gì mới mẻ giúp câu chuyện của mình thành khác biệt? Trên nguyên liệu đã có, khi nhà biên kịch tạo ra những tình huống, hoàn cảnh, nhân vật mới cũng như thông điệp mới thì bộ phim của anh ta là tác phẩm độc lập. Cùng ảnh hưởng từ một môtíp đã có, mỗi nhà làm phim ở mỗi quốc gia phát triển thành câu chuyện riêng với bối cảnh, tình huống, nhân vật và cấu trúc kịch bản khác nhau.

Không nên vội vàng quy chụp các đạo diễn Việt Nam lấy cắp ý tưởng phim ngoại. Điện ảnh đã phát triển hơn 100 năm rồi, trong khi phim Việt mới bắt đầu học hỏi và chịu ảnh hưởng từ quốc tế trong khoảng bảy năm trở lại đây. Tôi còn nhớ khi đạo diễn Victor Vũ về Việt Nam làm Giao lộ định mệnh hoặc Charlie Nguyễn làm phim Tèo Em đều bị chỉ trích là đạo phim. Nhưng cũng chính từ phim của các đạo diễn này, điện ảnh Việt bắt đầu có nhiều điểm sáng, học hỏi từ phim nước ngoài ở khung hình, cú máy, cốt truyện.

- Trong quá trình học hỏi, làm sao anh giữ được chất thuần Việt trong phim của mình?

- Phim của tôi khai thác từ chất liệu cuộc sống ở Việt Nam, phản ánh tư duy và lối sống của người Việt. Ví dụ 49 Ngày là câu chuyện về sự hiếm muộn của các cặp vợ chồng. Đây chính là từ một câu chuyện có thật mà tôi biết rõ. Người chồng luôn đổ lỗi cho vợ không có khả năng sinh con trong khi bản thân anh ta mới là người mắc lỗi. Câu chuyện về những đứa con bồng bột, chơi bời và khinh bỉ cha mẹ xuất thân nghèo khó trong khi không biết chính cha mẹ đang âm thầm hy sinh cho họ cũng dựa trên các sự kiện ngoài đời.

Ngoài ra, bối cảnh trong phim của tôi cũng rất Việt Nam. Chỉ ở TP HCM hay Đà Lạt mới có được những khung hình sôi động hoặc thơ mộng, khác với các bối cảnh trong phim nước ngoài và cho người xem thấy một vẻ đẹp hiếm có.
 

Đạo diễn Nhất Trung (phải) trên trường quay.

 
- Anh từng là "linh hồn" nhóm nhạc AXN đình đám, sau đó là ông bầu nhạc có tiếng. Làm thế nào anh bén duyên với điện ảnh để trở thành đạo diễn?

- Tôi sinh ra trong gia đình có một chút liên quan tới nghệ thuật. cha tôi là cử nhân âm nhạc, mẹ tôi là bác sĩ. Gia đình theo đạo Tin lành nên tôi được học đàn, học hát, làm quen với nhạc lý cơ bản trong Nhà thờ. Cùng lúc, cha mẹ cho tôi đọc nhiều sách vở nên âm nhạc và văn chương ngấm dần vào con người tôi.

Sau một thời gian đi hát và là ca sĩ của nhóm AXN, vào năm 2004, tôi chuyển sang làm sáng tác và quản lý vì thấy bản thân có khả năng làm được những điều đó. Tôi quản lý các ca sĩ của AXN rồi Lưu Chí Vỹ, Minh Hằng hay Tim. Hồi đó, các ca sĩ của tôi đi đóng phim cho các đạo diễn tên tuổi như Vũ Ngọc Đãng hay Nguyễn Quang Dũng nên tôi được tiếp xúc với điện ảnh. Lúc đi cùng ca sĩ đến trường quay và hợp tác với các đạo diễn để viết nhạc phim, tôi nhận ra mình rất thích cảm giác được ngồi ở phim trường và được làm việc như các đạo diễn.

Lần đầu thử sức làm đạo diễn với phim Hoán đổi thân xác năm 2011 và bị thất bại, tôi đi theo nhiều đoàn phim sau đó, làm sản xuất cho các phim như Nhà có năm nàng tiên hay Quý tử bất đắc dĩ, tự học viết kịch bản cho các phim như Thám tử Hên-ry để tự đào tạo bản thân.

- Rẽ ngang từ phòng thu sang trường quay, anh học được từ ai nhiều nhất?

- Tôi học nhiều từ những ngày làm ở phim trường cho Vũ Ngọc Đãng và Quang Dũng. Tôi học ở Vũ Ngọc Đãng khung hình đẹp và lãng mạn. Xuất thân là nhiếp ảnh gia, anh ấy rất chú trọng tới bố cục hình ảnh, thiết kế bối cảnh và màu sắc. Tôi nhớ hồi ghi hình Bỗng dưng muốn khóc, Vũ Ngọc Đãng yêu cầu bên thiết kế trồng một giàn hoa giấy từ ngõ chạy ra ngoài. Cả đoàn phải chờ một tháng để hoa nở thì mới được quay. Trong lúc chờ, anh ấy xếp bối cảnh khác quay trước và chấp nhận đợi cảnh này.

Nếu như sự chỉn chu ở khung hình, góc máy và ánh sáng của Vũ Ngọc Đãng làm tôi rất thích thì tôi học được cách đối xử với diễn viên cởi mở và vui vẻ từ nhiều lần làm việc với Nguyễn Quang Dũng. Anh ấy chưa bao giờ có một lời to tiếng, lúc bực mình nhất cũng chỉ im lặng ra một góc ngồi. Quang Dũng biết diễn xuất của diễn viên bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của đạo diễn. Khi làm phim của mình, tôi hiền khô tới mức các diễn viên còn thích chọc ghẹo tôi.

- Anh tận dụng kinh nghiệm làm nhạc ra sao khi chuyển sang làm phim?

- Viết nhạc với tôi không khó nên tôi tận dụng được thế mạnh đó khi làm phim. Tôi thường đầu tư âm nhạc rất công phu và kỹ lưỡng trong kịch bản tác phẩm điện ảnh để lấy được cảm xúc của khán giả. Lúc viết kịch bản, tôi cũng có tư duy viết nhạc luôn cho phim, để xem khoảnh khắc nào sẽ đặt bài nhạc nào, thể loại gì để dẫn dắt cảm xúc người xem.
 
>> Trường Giang cùng Nhã Phương vào khách sạn lúc 2h sáng
>>Trường Giang ôm hôn khi đưa Nhã Phương về nhà lúc nửa đêm

Theo Vũ Văn Việt (VnExpress.net)