Giải trí

Nhạc Việt 2017: Toàn 'Hóng hớt showbiz', âm nhạc còn ý nghĩa không?

Văn hóa "diss" (tiếng lóng của "disrespect" - thiếu tôn trọng) đang lan từ nhạc quốc tế đến nhạc Việt, để lại những bài hát với ca từ gây chú ý ngắn ngủi trong vài ngày thị phi.

Hóng hớt showbiz là tên một ca khúc của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa trong năm 2017, là tên một trang mạng chuyên buôn chuyện showbiz, cũng là cụm từ khái quát hóa lối ứng xử phổ biến trong giới giải trí và xã hội năm 2017: Tất thảy đều đồng lòng hóng hớt showbiz.

Khi Chi Pu từ các sân khấu nơi cô hát live thảm họa đi thẳng vào đề thi văn phổ thông, có thể thấy showbiz đã bao trùm xã hội.

Cuộc chiến ca từ 'Anh thì không' - 'Em thì không'

Khá bất ngờ, Mỹ Tâm cũng góp mặt trong làn sóng "diss" này với vai trò gián tiếp. Đó là vụ việc liên quan đến ca khúc Anh thì không (sau được đổi thành Em thì không) hồi đầu năm.

Mỹ Tâm - Em Thì Không ft. Karik (phiên bản mới) Mỹ Tâm chính thức tung ra phiên bản mới với phần lời Việt được sáng tác hoàn mới bởi nhạc sĩ Châu Đăng Khoa.

Sau khi tung ra MV Anh thì không hồi tháng 2, nữ ca sĩ bị nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tố sử dụng ca từ không xin phép (do ông soạn trên nền bài nhạc Pháp Toi Jamais). Mỹ Tâm xử lý bằng cách từ bỏ ca khúc, thay bằng Em thì không với ca từ mới hoàn toàn do Châu Đăng Khoa soạn cấp tốc.

Điều đáng bàn là sự khác biệt giữa ca từ của hai phiên bản. Điệp khúc Anh thì không như sau: "Thế gian, nghìn đàn ông giống nhau/ Trọn đời anh cũng như đàn ông khác/ Vì đã yêu thì dù anh thế nào/ Vạn lần em vẫn thứ tha cho người!".

Còn trong Em thì không: "Thế gian nhiều người gieo đớn đau/ Cần gì khi sống hơn thiệt vài câu/ Thì sống thôi cần gì phải thế nào/ Ngồi lại ta hát không vương âu sầu".

Sau khi Em thì không ra mắt, người hâm mộ Mỹ Tâm hả hê, cho rằng đây là màn nói kháy sâu cay, thâm thúy đối với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng (điều mà Châu Đăng Khoa đã phủ nhận): "Ông chú à, chẳng phải một mình ông chú viết lời được còn người khác thì không đâu nha".

Nhưng có một bình luận trên Zing.vn rất đáng chú ý: "Bài hát Anh thì không đã tồn tại và sẽ vẫn đưọc biết và nhớ đến rất lâu, vì ca từ bài hát rất hay và phù hợp với mọi lứa tuổi nghe nhạc. Còn bài Em thì không nghe như mì ăn liền thôi...". Độc giả Anh Campuhoi đặt vấn đề ca từ âm nhạc là để người nghe nhớ đến dài lâu chứ không phải để nói kháy nhau theo thời vụ.

Độc giả tên Cường cũng nhận xét về xu hướng ca từ của nhạc Việt: "Nếu đây là lời mới (Em thì không) mang tính châm biếm, trào phúng thì nó hay, nhưng mang đậm tính thị trường. Lời nhạc không mang tính nghệ thuật cao như các nhạc sĩ lão làng trước đây, trong đó có Vũ Xuân Hùng".

"Tôi đặc biệt rất thần tượng các nhạc sĩ viết lời Việt cho các ca khúc nổi tiếng nước ngoài mà đạt đến trình độ thần sầu như Lữ Liên, Phạm Duy hoặc sau này là Vũ Xuân Hùng. Bây giờ không kiếm ra", anh đánh giá.

Miu Lê đọc rap 'diss' Dương Cầm

"Em năm nay 18, nhưng em không thích chơi dương cầm, nhưng mà anh nào đọc rap em sẽ đổ cái rầm", Miu Lê đọc rap Em chưa 18 trong chương trình Sao đại chiến khi "cuộc chiến" phát ngôn trong đời thực giữa cô và nhạc sĩ Dương Cầm đang diễn ra.

Đến chữ "dương cầm", khán giả cười ồ và vỗ tay vì hiểu ẩn ý của Miu Lê. Máy quay hướng đến nhạc sĩ Dương Cầm, anh cũng đang cười và vỗ tay theo.

Nhạc Việt 2017: Toàn 'Hóng hớt showbiz', âm nhạc còn ý nghĩa không?
Màn rap Em chưa 18 của Miu Lê trong chương trình Sao đại chiến. Ảnh: BTC.

Màn biểu diễn của Miu Lê cũng kết lại với hình ảnh chiếc dương cầm bị gạch chéo. "Đáp trả nhau bằng âm nhạc là đỉnh cao của Sao đại chiến", MC Tùng Leo tuyên bố khi kết thúc tiết mục.

Nhưng qua năm 2018, khán giả nào còn có nhu cầu nghe lại bài rap về chuyện thị phi đã lỗi thời của năm 2017? Đây là thời thị phi được "refresh" mỗi ngày, khán giả rất nhanh quên.

Chỉ cần một tuần, tranh cãi Miu Lê - Dương Cầm đã đủ cũ rồi, nói gì đến sang năm? Và nếu câu trả lời là "không", vì sao âm nhạc lại hướng đến những giá trị chớp nhoáng như vậy? 

Nhìn ra quốc tế, suốt những năm đầu sự nghiệp, Taylor Swift - ngôi sao hàng đầu của âm nhạc thế giới - đã khẳng định chắc chắn tài năng của mình. Nhưng khi cô ra mắt Look What You Made Me Do, ca khúc hầu như chẳng có ý nghĩa nào khác ngoài "diss" những ai cô căm ghét, bài hát cũng bị chỉ trích là "vô nghĩa".

Chi Pu một mình nói kháy showbiz?

Hãy cùng nhìn lại một số thông điệp của Chi Pu: tự nhận mình là "Miss Showbiz" trong MV Em sai rồi anh xin lỗi em đi; tuyên ngôn "Từ hôm nay hãy gọi tôi là hoa hậu", tưởng như là một tuyên ngôn về giá trị bản thân nhưng lại đúng thời điểm các cuộc thi hoa hậu ở Việt Nam đang "loạn" và giảm chất lượng trầm trọng.

Mới đây nhất, trong teaser MV sắp ra mắt Talk To Me, hot girl lại đưa hình ảnh con gà với tấm băng "Miss Showbiz" quấn ngang. Khán giả lại đoán già đoán non con gà chính là Chi Pu vì cô... tuổi Gà, lại bị gắn hình ảnh gáy "Ò Ó O Ò" sau MV Từ hôm nay.

Teaser "Talk To Me" của Chi Pu với hình ảnh con gà "Miss Showbiz" Teaser này lặp lại hình tượng "Miss Showbiz" của Chi Pu trong teaser MV "Em sai rồi anh xin lỗi em đi".

Nhưng những thông điệp này, nếu là thật, cũng vặt vãnh đến khó tin. Người nghe không hiểu những thông điệp này hướng đến ai khác ngoài bản thân người hát, sẽ có ý nghĩa với ai và được ai nhớ đến.

Trên YouTube, ngay dưới teaser của Talk To Me, khán giả nhận xét Chi Pu "khinh thường dư luận", "bất chấp dư luận". cũng so sánh cách làm của Chi Pu với Taylor Swift: dư luận nói gì về mình đều đưa hết vào ca khúc, hoặc tự đưa tuyên ngôn giễu nhại mà mình muốn vào ca khúc.

Nhưng vấn đề mấu chốt Swift có tài năng âm nhạc và là nghệ sĩ đã thành danh. Cô thể hiện trình độ "diss" vượt bậc khi khai thác thành công hình tượng "con rắn" mà cô bị cư dân mạng gán cho với ý "thâm độc, thù dai".

Chất lượng âm nhạc của Swift luôn được giới chuyên môn đánh giá cao, được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng danh giá như Grammy.

Trong khi đó, những ẩn ý của Chi Pu mới dừng lại ở gọi tên hiện tượng, kết hợp với âm nhạc không mấy xuất sắc nên thông điệp càng nông. "Diss" không phải là lựa chọn tốt cho người mới khởi đầu và chưa được khán giả công nhận tài năng.

Châu Đăng Khoa tố nạn 'hóng hớt showbiz'

Trong năm qua, "Hóng hớt showbiz" từ tên một fanpage buôn chuyện thị phi cũng bước thẳng vào âm nhạc qua tay nhạc sĩ Châu Đăng Khoa vào tháng 11.

Nghe qua ca từ của ca khúc, những ai theo dõi showbiz sát sao sẽ nhận ra các sự việc được nhắc đến đều là những tranh cãi đang nóng ở thời điểm đó: Chi Pu đi hát nhưng bị chê là thảm họa, Hương Tràm phản đối "hot girl làm ca sĩ" (sau đó công khai chê Chi Pu). 

Ồn ào và thị phi hơn, Đào Bá Lộc lên báo kể hết về chuyện tình éo le với "một nam diễn viên hài kiêm MC nổi tiếng" và "từng có 14 người yêu".

Ca khúc "Hóng hớt showbiz" của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa "Hóng hớt showbiz xem nào/ Đám đông xôn xao/ Tin giật gân đầy trên mặt báo", ca khúc là nhac phim của "Biệt đội 1-0-2: Lật Mặt Showbiz"

Nhưng lợi thế của Hóng hớt showbiz cũng chính là bất lợi: Sau tháng 11/2017, chẳng còn mấy ai quan tâm đến những thị phi được nhắc đến trong bài hát. Ca khúc được cho là "lật mặt showbiz" cũng chỉ dừng ở điểm tên các sự việc thị phi.

Khá trái ngang, lời ca khúc khẳng định điều ngược lại: "Miệng đời cứ luyên thuyên, và càng nói nhiều thì ta đây càng cảm thấy chẳng phiền/ Nói chung cứ để ngoài tai bởi vì ta hướng về tương lai đâu cần có thị phi để tồn tại".

Nếu "để ngoài tai" được thì đã chẳng có ca khúc này.

Sau 'Thật bất ngờ', showbiz vẫn loạn?

Cần nhìn nhận công bằng, giễu nhại là một phong cách quen thuộc của âm nhạc và nghệ thuật. Nếu trào phúng, giễu nhại sâu cay và chỉ ra được bản chất của hiện tượng, âm nhạc thực sự có ý nghĩa và khiến người nghe nhớ lâu.

Một ví dụ điển hình là Thật bất ngờ, ca khúc xuất sắc vào năm 2015 của nhạc sĩ Mew Amazing và ca sĩ Trúc Nhân.

Với âm nhạc lôi cuốn cùng bản phối bắt tai, hiện đại, Thật bất ngờ có ca từ chạm sâu vào bản chất của showbiz: "Từng ngày vội vội vàng đi qua/ Câu chuyện ngày ngày càng đi xa/ Trên bản tin có lẽ anh hơi ngây ngô khi chia tay tôi, tôi không có lỗi/ Và màn hình ti vi, đêm ngày trồng trọt vào trong trí óc/ Về một thế giới, như mơ, như thơ, như ly kem bơ ôi thật bất ngờ!".

Thật bất ngờ có những câu hát thông minh, chạm đến các ngóc ngách trong showbiz chứ không chỉ trên bề mặt: "Tôi muốn những đám đông xôn xao đang hô hào/ Họ thì thầm về tôi, tôi muốn họ thì thầm về tôi/ Mơ ước được cuộc đời như tôi/ Đem gối đầu để nằm mơ mỗi tối".

Trúc Nhân cũng từng nói ca khúc đụng chạm đến nhiều người quen của anh trong giới giải trí nhưng anh vẫn phải hát lên những gì mình nghĩ. Và khán giả đã ủng hộ anh khi ca khúc được đón nhận sâu rộng.

Bài hát gây sốt Gangnam Style của Psy cũng là ví dụ về giễu nhại sâu cay trong âm nhạc, hướng đến giới giàu xổi ở khu nhà giàu Gangnam, Seoul.

Bài hát là sự phản ánh thú vị bằng âm nhạc về đời sống đô thị của Hàn Quốc, với những hình ảnh, chi tiết đắt giá. Psy cũng là nghệ sĩ chuyên về phong cách giễu nhại,  anh theo đuổi đề tài xã hội trong âm nhạc từ rất lâu.

Năm 2017 sắp qua đi. Âm nhạc vẫn cần những tiếng nói mạnh mẽ hơn để bớt chất "hóng hớt showbiz", có thêm nhiều ca khúc mang giá trị lâu dài. Chính trong chương trình đầy thị phi Sao đại chiến, vẫn có những nghệ sĩ muốn khán giả tập trung vào những sáng tạo âm nhạc của các cặp nhà sản xuất - ca sĩ qua từng bản phối.

Theo Mi Ly (Tri Thức Trực Tuyến)