Giải trí

Nhạc sỹ Trần Tiến: “Lam rất tài năng nhưng tôi lại không thích nghe Lam hát”

Nhạc sỹ Trần Tiến cho rằng, diva Thanh Lam là một người được đào tạo bài bản, có tài năng, luôn sáng tạo và cháy hết mình với nghề… Tuy nhiên, ông lại không thích nghe Thanh Lam hát, đơn giản vì ông không thích.

Mới đây, diva Thanh Lam có chia sẻ: “Không có ngành nghề nào không cần phải học cả. Vì khi không có trình độ thực sự thì không khai thác chiều sâu được, nó chỉ hớt váng được lúc đầu thôi”. Quan điểm này đang làm dấy lên nhiều ý kiến khác nhau. Với tư cách là một nhạc sỹ nắm bắt khá rõ dòng chảy âm nhạc hiện nay, ông có nhìn nhận gì về việc này?

Theo tôi, tài năng không quyết định bởi việc có học hay không học ở trường. Tài năng giống như năng khiếu thiên phú cộng với sự nỗ lực cá nhân và một chút may mắn. Tuy nhiên, để thành danh và có thể đi đường dài thì tất nhiên bên cạnh tài năng cộng với sự nỗ lực còn phải có sự học hành nữa. Học ở đây không nhất thiết phải theo trường lớp mà có thể là nghề dạy nghề. Tài năng con người có nhiều yếu tố lắm.

Nhạc sỹ Trần Tiến: “Lam rất tài năng nhưng tôi lại không thích nghe Lam hát”
Nhạc sỹ Trần Tiến.

Tôi không đi sâu vào những phát biểu của Thanh Lam nhưng theo cảm quan của tôi thì rõ ràng có học vẫn tốt hơn không được học. Nhưng không được học cũng không có nghĩa là không thành tài, không có nghĩa là người học chăm chỉ thì sẽ thành tài.

Có những người không được học ở đâu cả nhưng rất tài năng. Ví dụ điển hình nhất là một số nghệ sỹ ở phía Nam như: nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, danh ca Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan… Tất nhiên, việc học ở đây không chỉ luyện cho người ta cái nghề mà còn bồi đắp cho người ta cái đức, phông văn hoá. Nghệ sỹ hơn nhau ở phông văn hóa và cái đức làm nghề.

Ông nhìn nhận như thế nào về hiện tượng một số ca sỹ hiện nay không học hành hoặc không có tài năng mà vin vào truyền thông để nổi tiếng?

Hiện tượng đó không nói ra thì rõ ràng chúng ta đều nhìn thấy. Có những người có một thì thổi phồng lên mười để kiếm tiền. Nhưng đó là chuyện của họ, tôi không đề cập đến điều đó.

Tôi đã vào Sài Gòn từ trước năm 1975, tôi đã gặp rất nhiều người có tài mà nổi tiếng hoàn toàn bằng tài năng như: Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Lan, Trịnh Công Sơn… Có nhiều người học lắm chắc gì đã bằng họ.

Thanh Lam nói về việc của truyền thông cũng đúng thôi nhưng tôi chưa được nghe từ chính miệng Thanh Lam nói ra nên tôi không hiểu hết ý của cô ấy. Chuyện giữa Tùng Dương với Đàm Vĩnh Hưng mới đây là câu chuyện rất xấu trong nghệ sỹ. Cùng làm nghề với nhau thì không nên cãi nhau hoặc nói xấu nhau. Việc nói xấu một cá nhân nào đó là một việc không tốt gì của giới nghệ sỹ.

Tóm lại, chuyện của truyền thông là chuyện của truyền thông. Còn ở phía Nam có những người không hề học hành nhưng vẫn rất nổi tiếng nhờ tài năng. Ví dụ như những cái tên tôi đã nêu ở trên. Đó là những người gây cho tôi cảm xúc rất mãnh liệt về tri thức âm nhạc. Ngoài ra, còn có nhiều người khác mà tôi không thể nhắc hết được. Mà thời của họ ngày xưa làm gì đã có truyền thông.

Thời của Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Trần Thu Hà… cũng là thời đó đấy, toàn tự lực cánh sinh, làm gì có truyền thông nào đẩy họ lên. Tự mình có tài thì thành tài thôi.

Theo ông thì đường đi của 4 diva: Thanh Lam - Hồng Nhung - Mỹ Linh - Trần Thu Hà như thế nào?

Đó là 4 giọng ca đều đi lên bằng lực của bản thân vì họ đều tốt nghiệp từ nhạc viện ra cả. Thậm chí, Trần Thu Hà còn tốt nghiệp cao học thanh nhạc ra. Thời đó, muốn phát triển con đường âm nhạc của mình hầu như đều phải có học thanh nhạc từ nhạc viện.

Ở phía Nam cũng có một số ca sỹ học từ nhạc viện phía Nam. Nhưng những người không học cũng đều có tài cả. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh lại là có học vẫn tốt hơn, nó sẽ tạo cho ca sỹ một nền tảng vững chắc.

Nhạc sỹ Trần Tiến: “Lam rất tài năng nhưng tôi lại không thích nghe Lam hát” - 1
Nhạc sỹ Trần Tiến nhìn nhận diva Thanh Lam là một người rất tài năng, yêu nghề, luôn sáng tạo và được đào tạo bài bản.

Riêng diva Thanh Lam, ông nhìn nhận gì con đường âm nhạc của nữ nghệ sỹ này?

Lam là một người quá ư có học, được đào tạo cơ bản. Không phải bỗng dưng Lam được người ta xem là “Nữ hoàng nhạc nhẹ” của cuộc thi âm nhạc lớn thời đó. Lam là một người luôn luôn sáng tạo, luôn làm mới mình, luôn cháy hết mình với nghề và có tài năng thực sự. Phải nói, Thanh Lam là một tài năng lớn trong giới ca sỹ. Nhưng thích hay không lại là việc khác. Thú thật, cá nhân tôi không thích nghe Thanh Lam hát nhưng tôi biết Thanh Lam rất có tài, có văn hoá.

Nhiều người cho rằng, diva Thanh Lam cũng thẳng tính và bộc trực như nhạc sỹ Trần Tiến. Ông nghĩ sao về điều này?

Có thể là đúng. Lam thẳng tính là tốt nhưng đôi khi làm hại mình. Cũng giống như Tùng Dương, đôi khi thẳng tính quá lại dễ bị người ta hiểu lầm. Bởi vì không phải ai cũng nghe nói thật cả và không phải ai cũng thích góp ý đâu. Lần trước tôi đã mắng Tùng Dương rồi: “Tại sao con dại thế, trên trái đất này không có nhạc nào là nhạc dở cả. Nhạc nào cũng hay đối với một người nào đó, một số đông nào đó hoặc một nhóm người nào đó. Mỗi thứ âm nhạc đều có công chúng riêng và có cái thời của nó.

Vì vậy mà không thể so một loại nhạc nào của thời nào với thời nào cả. Người ca sỹ cùng nghề với nhau, mỗi người hát một kiểu thì phải để cho họ tự do. Nhạc bolero có cái kiểu của bolero, đó là tự sống với nhân dân. Dù nhân dân đó chỉ là một người hay hàng trăm triệu người thì cũng là nhân dân. Không được ví triệu người với mười người.

Có thể, khán phòng chỉ có mười người nghe nhạc thôi nhưng có thể thay bằng hàng tỷ người. Không bao giờ nên nói xấu thứ âm nhạc không phải của mình. Cái đó thuộc về những nhà chuyên môn, những nhà nghiên cứu. Đấy, tôi nói với Tùng Dương như thế”.

Cảm ơn ông đã chia sẻ thông tin.

Theo Mạnh Trường (Dân Trí)