Giải trí

Nhạc sĩ Vinh Sử “chê” Hoài Linh: Gameshow âm nhạc đang quá dễ dãi?

Sau khi những nghệ sĩ quen thuộc với khán giả như Ngọc Giàu, Hoài Linh bị nhạc sĩ Vinh Sử “chê” vì ngồi ghế giám khảo cuộc thi Bolero, dư luận dấy lên những tranh luận về thực trạng giám khảo của các gameshow truyền hình thực tế hiện nay.

Sau khi những nghệ sĩ quen thuộc với khán giả như Ngọc Giàu, Hoài Linh bị nhạc sĩ Vinh Sử “chê” vì ngồi ghế giám khảo cuộc thi Bolero, dư luận dấy lên những tranh luận về thực trạng giám khảo của các gameshow truyền hình thực tế hiện nay.

Nhạc sĩ Vinh Sử (phải) gây tranh cãi khi “chê” Hoài Linh. Ảnh: TL

Game show là nơi giám khảo “trình diễn”?

Mới đây, khi trả lời phỏng vấn trên một tờ báo điện tử, nhạc sĩ Vinh Sử - người được mệnh danh là “ông vua nhạc sến” đã thẳng thắn bày tỏ, nhiều chương trình truyền hình hiện nay và đặc biệt là các cuộc thi về dòng nhạc Bolero không hề chuyên nghiệp mà giống như một “nồi lẩu”. Vị nhạc sĩ gạo cội cũng nêu đích danh nghệ sĩ hài Hoài Linh và nói: “Hoài Linh thì biết gì về nhạc, về Bolero mà chấm trong khi Linh ca cũng chỉ bình thường”, hay nghệ sĩ Ngọc Giàu “vốn xuất thân từ bên cải lương thì chấm Bolero có kỳ không?”.

Phát ngôn của nhạc sĩ Vinh Sử đã dấy lên nhiều tranh luận từ những người trong nghề và khán giả, dù sau đó chính người phát ngôn đã lên tiếng khẳng định câu nói của mình bị tách ra khỏi ngữ cảnh và bản thân không có ý chê Hoài Linh. Trong khi câu chuyện riêng giữa nhạc sĩ Vinh Sử và nghệ sĩ Hoài Linh đã khép lại thì thực trạng dễ dãi của truyền hình thực tế, các cuộc thi Bolero vẫn đang tồn tại với nhiều bức xúc.

Nói đến truyền hình thực tế, một trong những yếu tố đầu tiên mà nhà sản xuất hướng đến là tăng rating, thu tiền quảng cáo, tạo sự chú ý với khán giả nên việc mời những gương mặt “ăn khách” đã không còn là điều gì quá khó hiểu. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, nếu một gameshow hài hoặc trò chơi vui nhộn mà lộn xộn, nhí nhố thì khán giả có thể dễ bỏ qua hơn là một sân chơi liên quan tới dòng nhạc Bolero hay các loại hình nghệ thuật cổ điển, truyền thống.

Trong chương trình “Thần tượng Bolero 2017” vừa khép lại, phản ứng của khán giả không chỉ ở kết quả cuộc thi với gương mặt đăng quang bị cho là không xứng đáng, mà đó còn là nỗi bức xúc bị dồn nén trong suốt quá trình diễn ra cuộc thi. Với dàn thí sinh không mấy nổi trội - nếu không muốn nói là mờ nhạt - thì nhiệm vụ tạo sức hút cho chương trình đã đặt lên bốn HLV. Vì thế, suốt cuộc thi, trên khắp các mặt báo chủ yếu nói về xung đột trong quan điểm giữa hai HLV Đàm Vĩnh Hưng và Quang Lê. Bản thân hai HLV này cũng chủ động gợi lại chuyện từng “tuyên chiến” với nhau trên mạng xã hội. Còn ca sĩ Ngọc Sơn khiến khán giả “giật mình” khi chuyển từ cách nhận xét mang tính chuyên môn ở những tập đầu sang những màn nhảy “chồm chồm” trên sân khấu.

Về phần thí sinh, dường như yếu tố “câu” rating đã ảnh hưởng đến họ một cách đáng kể. Thế mới có chuyện thí sinh Mai Hường hát “Nỗi buồn gác trọ” theo lối ồn ào, náo nhiệt; thí sinh Chu Hoàng Tuấn hát “Thành phố buồn” mà “ai cũng thấy vui”, HLV phấn khích, nhún nhảy; thí sinh Triều Quân hát “Về dưới mái nhà” phối theo cảm hứng trình diễn, giải trí, màu mè… Suốt mùa thi, đối lập với tính nhạt nhòa của thí sinh, các HLV là đối tượng gây tranh cãi nhiều nhất bởi khi thì tranh luận như cái “chợ”, lúc lại nhảy nhót, nằm dài trên sân khấu… Tóm lại, “Thần tượng Bolero 2017” nói riêng và nhiều game show nói chung đang gợi cho công chúng cảm giác như một “sân khấu” để những người nổi tiếng showbiz trình diễn chiêu trò chứ không phải chọn ra giọng ca, gương mặt tài năng, đủ tính thuyết phục.

Không nên đổ lỗi hết cho nghệ sĩ!

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội về phát ngôn của nhạc sĩ Vinh Sử, nhạc sĩ Phạm Phương bày tỏ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của nhạc sĩ Vinh Sử. Hầu hết ca sĩ đều không hiểu biết sâu về nhạc lý. Minh chứng là sau khi đưa một bản nhạc cho ca sĩ thì tôi khẳng định sẽ nhiều ca sĩ không “đọc” được. Hơn nữa, nhạc sĩ Vinh Sử là người đã quá thành công về nhạc Bolero. Không tự dưng mà ông được mệnh danh là “ông vua nhạc sến”. Chính những ca khúc Bolero đã làm nên tên tuổi của ông và rất nhiều ca sĩ hát thể loại nhạc này. Nếu có nhiều người lên tiếng bênh vực nghệ sĩ Hoài Linh trước ý kiến của nhạc sĩ Vinh Sử thì một là họ hiểu sai ý của nhạc sĩ Vinh Sử rằng ông đang chê theo cảm quan cá nhân, hai là “địa vị” của Hoài Linh bây giờ quá nổi tiếng nên được nhiều người “bênh” theo”.

Hoài Linh là một trong những nghệ sĩ đắt sô làm giám khảo, HLV của gameshow. Khách quan nhìn nhận, ở những vị trí này, nếu nói về sức hút với công chúng, cả năng khiếu khuấy động chương trình bằng sự hài hước, dí dỏm, phát ngôn tỉnh táo, thông minh thì nghệ sĩ hài Hoài Linh vượt trội hơn nhiều đồng nghiệp. Tuy nhiên, ở chương trình về Bolero, liệu sự góp mặt của anh có phù hợp? Và nếu nhà sản xuất đặt yếu tố “câu rating” đầu tiên với mọi chương trình game show thì nghệ sĩ tham gia có phải đối tượng duy nhất đáng bị chỉ trích?

Thực tế cho thấy, khi chất lượng chương trình truyền hình thực tế bị giảm sút khiến khán giả quay lưng, trước nguy cơ cạnh tranh khủng khiếp của nhiều nhà sản xuất, kênh truyền hình… thì để “trụ” lại được, nhiều nhà sản xuất chọn con đường hướng đến đội ngũ “cầm cân nảy mực”. Trước đây, nếu tiêu chí đầu tiên dành cho đối tượng này là trình độ chuyên môn, chuẩn mực ứng xử, truyền đạt thì hiện tại, dường như “khuôn mẫu” ấy đang dần phá vỡ. Thay vào đó, giám khảo, HLV bây giờ phải “câu kéo” được người xem bằng chiêu trò, phát ngôn, hành động…

Nhạc sĩ Phạm Phương chia sẻ: “Đấy là thực trạng chung của các chương trình truyền hình thực tế đang diễn ra ở Việt Nam. Tôi không nói riêng ai, ngay cả ca sĩ Mỹ Linh cũng được mời để chấm, nhận xét về dòng nhạc Bolero thì chúng ta đủ hiểu rằng các chương trình này muốn “câu rating” đến chừng nào. Tất nhiên, việc lựa chọn giám khảo chú trọng về chuyên môn hay rating là việc của đơn vị sản xuất, nhưng theo tôi, tốt nhất vẫn nên chọn những người có chuyên môn hẳn hoi về lĩnh vực đấy thì sẽ thuyết phục hơn”.

Trước câu hỏi: “Giả sử bây giờ anh được nhà sản xuất của một chương trình truyền hình mời làm giám khảo, anh có đồng ý không?”, nhạc sĩ Phạm Phương thẳng thắn nói: “Tôi có thể trả lời luôn là không bao giờ. Thứ nhất, tôi không có đủ sự nổi tiếng. Thứ hai, các tác phẩm âm nhạc của tôi cũng không được phổ biến rộng để được quá nhiều người biết đến. Nổi tiếng, nhiều fans gần như là một “barem” chung của hầu hết các gameshow hiện nay. Tôi nói không xa lạ gì, như Ngọc Trinh chẳng hạn - một người mẫu lâu nay gắn với cái mác “nội y” - cũng được mời làm giám khảo thì hẳn công chúng, người làm nghề, ai cũng rõ “như ban ngày” chiêu trò của những người làm chương trình thực dụng đến mức nào”.

Theo Thành Nam – N. Ánh (Giadinh.net.vn)