Giải trí

Nhạc sĩ Thanh Tùng - Trái tim ca hát lãng du

Âm nhạc Thanh Tùng là tiếng hát của những trái tim yêu đời, yêu người, với nỗi buồn nhẹ nhàng, trong sáng nhưng đầy day dứt.

Âm nhạc Thanh Tùng là tiếng hát của những trái tim yêu đời, yêu người, với nỗi buồn nhẹ nhàng, trong sáng nhưng đầy day dứt.

"Lối cũ ta về, vườn xưa có còn, hoàng hôn trong gió, thoảng hương ngọc lan..."

"Em đừng ngồi buồn và đừng nói những lời giận hờn, để bầu trời xanh ngát như màu xanh trong mắt em. Em hãy nhìn cuộc đời, trong một đời có những cuộc đời. Em hãy nhìn vào lòng người, trong lòng người có cả mọi người, có em và có tôi..."

"Em và tôi, xa nhau thấy nhớ gần nhau giận hờn. Em và tôi, những tiếng ca vui, những khúc nhạc buồn. Em và tôi, mỗi người một nửa cuộc đời..."
 

Dù ngồi xe lăn những năm cuối đời, nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn giữ vẻ phong lưu. Ảnh: Quý Đoàn.

 
Âm nhạc của Thanh Tùng dường như đã ở đó rất lâu trong trái tim mọi người. Những giai điệu dễ dàng cất lên từ tâm trí của bất kỳ ai như rất thân quen. Mỗi người đều có thể bắt gặp mình trong những bài hát của Thanh Tùng. Họ có thể rơi nước mắt, có thể mỉm cười nhẹ nhàng khi câu hát nào đó cất lên. Những ca khúc cũ mà luôn mới bởi âm nhạc của ông là nắng, mưa, hoa, gió, là buổi sớm mai, là buổi chiều tàn, là đời sống. Có chăng sự tinh tế của người nhạc sĩ đã biến những điều tự nhiên ấy trở nên đẹp đẽ, thấm đẫm chất thơ.

Những ca khúc của Thanh Tùng chứa đựng nỗi buồn, ám ảnh, day dứt nhưng là nỗi buồn trong sáng, lạc quan trước cuộc sống chứ không bi lụy: "Hát đi em, hát lên những lời trái tim. Để với tiếng ca bỗng như ta gần nhau thêm. Có tiếng hát ai như cơn gió mát, giọt lệ nào là dòng suối trong veo. Như là tôi đang ở trong em đó, như tim em nằm ngủ trong tim tôi. Cách xa đâu là lãng quên, để nhớ thương nhuộm hồng trái tim...".

Thanh Tùng sáng tác khoảng hơn 30 bài, chủ yếu là tình ca. Không phải một kho nhạc đồ sộ về dung lượng, đa dạng về đề tài nhưng ca khúc nào cũng nổi tiếng và dễ dàng đi vào lòng công chúng. Đó là Chuyện tình của biển, Chuyện cổ Nghi Tàm, Đếm lá ngoài sân, Em và tôi, Giọt nắng bên thềm, Giọt sương trên mi mắt, Hát với chú ve con, Hãy chôn tôi với cây đàn ghi ta, Hoa cúc vàng, Hoa tím ngoài sân, Hoàng hôn màu lá, Lối cũ ta về, Lời tỏ tình mùa xuân, Mưa ngâu, Một mình, Ngôi sao cô đơn, Phố biển, Trái tim không ngủ yên, Vĩnh biệt mùa hè, Một thoáng quê hương... Giai điệu các ca khúc thường nhẹ nhàng, tươi tắn, có chút lãng đãng đúng như tâm hồn lãng du của Thanh Tùng.
 

Hình ảnh vợ Thanh Tùng xuất hiện trên màn hình trong đêm nhạc "Lối cũ ta về" của ông năm 2011. Lúc này, sức khỏe vị nhạc sĩ đã yếu nên không thể có mặt trên sân khấu.

 
Sinh thời, Thanh Tùng nổi tiếng đào hoa, đa tình. Trước khi bị đột quỵ và phải ngồi xe lăn năm 2008, cuộc đời chàng nhạc sĩ hào hoa xứ biển Nha Trang là những tháng ngày rong ruổi hát ca. Người như ông khi còn trẻ biết bao cô gái si mê. Nhưng dù mang tâm hồn ca hát lãng du, trái tim ông lại chỉ dành cho duy nhất người vợ đã mất. Bà ra đi từ đầu những năm 1990, sau 18 năm bên ông. Người đàn ông đó đã có lúc yếu đuối và gửi lòng mình vào ca khúc Một mình.

"Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên. Mưa nhớ gì thì thầm ngoài hiên. Bao đêm tôi đã một mình nhớ em. Đêm nay tôi lại một mình..."

Người ta nói đàn ông thường khóc khô. Với Thanh Tùng, Một mình như một tiếng nấc dồn nén tất cả nhớ thương dành cho người vợ quá cố. "Nhớ em vội vàng trong nắng trưa. Áo phơi trời đổ cơn mưa. Băn khoăn khi con đang còn nhỏ. Tan ca bố có đón đưa...", "Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai. Gió sương mòn cả hai vai...". Cái hay của Thanh Tùng là khi nghe ca khúc của ông, mỗi người phụ nữ đều cảm thấy trong đó bóng dáng của mình, đều thấy như là viết cho mình.
 
Cách đây vài tháng, trên chiếc xe lăn tại nhà riêng ở Hà Nội, dù không còn nói được, khi được hỏi ông thương ai nhất, nhạc sĩ Thanh Tùng lấy hết sức nói gần tròn vành rõ chữ: "Bà". Con trai nhạc sĩ - anh Nguyễn Thanh Thông - cho biết các con cũng có lần hỏi bố về ý định đi bước nữa nhưng ông vẫn ở vậy làm gà trống nuôi con để ba người con hiện đều thành công trong cuộc sống.

Thanh Tùng mất nhưng âm nhạc của ông còn. Có lẽ, ông cũng chẳng đi đâu xa. Trái tim ca hát của ông vẫn lãng du đây đó như thường khi rồi về ngồi lặng bên thềm nhà. Ở nơi đó, thời gian qua như quy luật tự nhiên, cuộc sống trôi đi như vốn có, như những câu hát mà ông từng viết:

"...Hoa vẫn hồng trước sân nhà tôi
Chim vẫn hót sau vườn nhà tôi
Một sớm mai kia
Chợt thấy hư vô trong đời
Người vẫn đâu đây, người cũng đã như xa rồi
Chỉ là... thế thôi...".
 
>> Nhạc sĩ Thanh Tùng qua đời
 
Theo Anh Sa (VnExpress.net)