Giải trí

Nghệ sĩ trượt danh hiệu: Chờ "vé vớt" khi...qua đời?

Khi nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT mà không được nhân dân biết tới và chuyện nghệ sĩ chỉ được truy tặng danh hiệu khi đã qua đời...

Khi nghệ sĩ được trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT mà không được nhân dân biết tới và chuyện nghệ sĩ chỉ được truy tặng danh hiệu khi đã qua đời...

Là một ông giáo về hưu luôn quan tâm đến văn nghệ nước nhà, có thể nói tôi đã chứng kiến sự biến đổi, trưởng thành trong nghiệp diễn của khá nhiều nghệ sĩ Việt. Danh hiệu NSND và NSƯT là hai danh hiệu cao quý, có ý nghĩa thiêng liêng, là món quà tinh thần vô giá cho các anh chị em hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp. Có bốn tiêu chí được đưa ra trong quá trình xét tặng: Trung thành với đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, có đủ huy chương, được bạn nghề tôn trọng và được khán giả mến mộ. Thế nhưng, nghệ sĩ có đủ tiêu chí trên cũng khó vượt qua được vòng bỏ phiếu chuyên môn hết sức khó nhằn của bốn hội đồng xét duyệt, từ cơ sở cho tới hội đồng cấp quốc gia.

Chẳng hạn như nghệ sĩ Chí Trung, anh không thiếu huy chương ở các kỳ hội diễn (6 huy chương vàng, 8 huy chương bạc mà vẫn…"tạch" danh hiệu vì không đạt 90% số phiếu ủng hộ của hội đồng. Sau khi biết tin, Chí Trung có viết mấy dòng lên "phây búc", trong đó có đoạn:

"Công việc vẫn trôi, người vẫn đi

Vài ba danh hiệu, có đáng gì"

Thơ của Chí Trung làm tôi nhớ đến câu nói của cố nghệ sĩ Anh Dũng: “Chức tước chả quan trọng gì, chẳng qua tổ chức phân công thì tôi làm, và làm cũng là vì nghệ thuật. Còn nếu vì cái chức vụ mà gặp rắc rối, mất tình anh em đồng nghiệp, tôi sẽ rút lui, và cũng thấy bình thường thôi”. NSƯT Anh Dũng cũng có tên trong danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu mà Bộ vừa công bố. Cuối cùng thì ông cũng có cơ hội được phong tặng NSND, nhưng không ai biết được cảm nhận của Anh Dũng lúc này, bởi ông đã yên nghỉ nơi suối vàng từ hồi tháng 5 năm nay?!
 

Ảnh: Một số biểu mẫu trong Hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT

 
Trên thực tế, chuyện các nghệ sĩ được nhân dân yêu mến nhớ tên, nhớ mặt nhưng không có lấy một danh hiệu nào do Nhà nước công nhận đã là chuyện xưa như trái đất. Khi Nghệ sĩ Văn Hiệp, bác trưởng thôn vui tính với nụ cười hồn hậu qua đời năm 2013, ông mới được xét phong danh hiệu. Đáng buồn hơn nữa, danh hiệu đó còn không phải tấm vé vớt mà lãnh đạo trao tặng. Nếu không có lá đơn của NSND Khải Hưng, nếu không có những chữ ký của đông đảo nghệ sĩ trân trọng ông ký vào đó, liệu Hội đồng xét đặc cách truy tặng danh hiệu NSƯT cho ông có được lập ra? Tấm vé này thật đúng là…vớt của vớt!

Khi danh hiệu nghệ sĩ nhân dân được trao cho một nghệ sĩ không được nhân dân biết tới thì danh hiệu đó có còn thể hiện sự tri ân của nhà nước đối với quá trình nỗ lực cống hiến, đóng góp hết mình phục vụ nhân dân, phục vụ nghệ thuật của nghệ sĩ nữa hay không? Mặt khác, bản thân nghệ sĩ cũng rất sợ những thủ tục lằng nhằng khi làm hồ sơ xét tặng. Họ rất ngại khai huy chương, ngại viết tờ đơn “xin xét tuyển”, ngại đi ngược với giá trị cốt lõi của nghệ thuật.

Người nghệ sĩ chân chính tất nhiên sẽ coi trọng việc cảm hóa tâm hồn, chạm tới trái tim khán giả hơn việc theo đuổi những danh hiệu còn ở xa tít tắp. Nhưng một khi đã tồn tại, một khi do Nhà nước trao tặng thì các danh hiệu NSND, NSƯT buộc phải có giá trị. Nếu tình trạng nghệ sĩ tài năng, tâm huyết chỉ được trao tặng danh hiệu khi đã chết đi rồi vẫn tiếp diễn,chi bằng ta…loại bỏ danh hiệu đó đi. Lúc đó, lãnh đạo hội không phải đau đầu vì dư luận tranh cãi, nghệ sĩ cũng bớt phải một phen ngậm ngùi.
 
>> NSƯT Chí Trung lên tiếng về việc bị trượt danh hiệu NSND

Theo Nguoiduatin.vn