Giải trí

Nạn ăn cắp và chuyện kiện cáo tràn lan làng mốt

Sao chép tràn lan, copy rập khuôn, máy móc, không có ý thức tôn trọng bản gốc trở thành vấn nạn, đem lại nhiều hại hơn là lợi cho làng thời trang.

Sao chép tràn lan, copy rập khuôn, máy móc, không có ý thức tôn trọng bản gốc trở thành vấn nạn, đem lại nhiều hại hơn là lợi cho làng thời trang.

 
Bậc thầy làng thời trang Coco Chanel từng nói :”Sao chép là khoản tiền chuộc của sự thành công”. Mặc dù không hề tích cực nhưng bản chất của thời trang là sự sao chép lẫn nhau. Tuy nhiên, sự sao chép trong thời trang hoàn toàn vẫn có thể được tán dương khi nó có chất sáng tạo và mang tinh thần riêng biệt của mỗi nhà thiết kế.
 

Mẫu áo đầu hổ nổi bật của Kenzo bị nhái trắng trợn

 
Bên cạnh đó, sự ra đời của các xu hướng thời trang cũng là nguồn gốc của việc sao chép. Có thể giải thích đơn giản như sau, các nhà mốt lớn tung ra những bộ sưu tập tuyệt đẹp, nhưng đó vẫn không đủ để tạo thành xu hướng. Giá cả của chúng quá đắt khiến đại đa số người tiêu dùng không đủ khả năng để sở hữu. Nhờ các thương hiệu giá rẻ như Zara hay F21 copy lại các thiết kế đắt tiền và phổ biến hoá chúng ra thị trường, mốt mới được ra đời. Chỉ có sự đại trà các thiết kế xa xỉ mới khiến chúng ta hình dung, nắm, và cảm nhận được mốt.

Mặt khác, nạn sao chép tưởng chừng như giết chết sự sáng tạo nhưng kỳ thực, nhìn ở góc độ nào đó lạc quan hơn, nó còn kích thích sáng tạo. Nhiều nhà mốt không chấp nhận sản phẩm của mình bị đạo nhái dễ dàng sẽ có xu hướng muốn tạo ra những thứ phức tạp, cầu kỳ, thậm chí điên rồ hơn. Thế nhưng các thương hiệu bình dân vẫn có cách đối phó với điều này, họ nhặt nhạnh các chi tiết nhỏ dễ lấy từ tổng thể cầu kỳ vừa nói tới để phát triển vào sản phẩm của mình, sau đó việc còn lại là bán với giá bèo để thu hút khách hàng.

Mặc dù vậy, theo nhận định của các chuyên gia, sao chép tuy cũng có giá trị tích cực nhưng nếu đạo nhái tràn lan, copy rập khuôn, máy móc, không có ý thức tôn trọng bản gốc thì thực sự nó lại trở thành vấn nạn, đem lại nhiều hại hơn là lợi cho làng thời trang. 
 

Váy gợi cảm của Stella McCartney bị Asos copy

 
Những vụ kiện đạo nhái đình đám

Việc bỏ chất xám để tìm những cái mới hoặc đơn giản hơn là phát triển cái mới từ nền cũ rất tốn thời gian, tiền của và công sức. Bởi vậy, không ít thương hiệu đã chọn cách ăn sẵn, đạo nhái trắng trợn, ăn cắp không chút nể nang nguyên mẫu.

Phổ biến nhất là các nhãn bình dân cho thợ copy y nguyên xi thiết kế của các hãng lớn. Đại đa số các trường hợp này nhãn hiệu cao cấp thường bỏ qua cho các nhãn giá rẻ bởi họ hiểu thị phần khách hàng của mỗi bên khác hẳn nhau, vì thế sự đe dọa về lợi ích kinh tế không quá đáng ngại. Tuy vậy cũng có lắm trường hợp khổ chủ vì vấn đề danh dự đã đưa vụ việc ra toà để đòi giải quyết.
 
Thực tế là việc rạch ra ranh giới giữa đạo nhái phạm luật với học hỏi ý tưởng rất mong manh, bởi vậy phần nhiều các vụ kiện cáo kiểu này thường không đi tới đâu mà chỉ có tác dụng hạ nhục đối phương.
 
Thương hiệu bình dân Forever 21 đứng đầu bảng trong danh sách các thương hiệu từng bị kiện cáo vì đạo nhái với 50 lần. Tuy nhiên với chiêu "chối bay chối biến" và luôn khẳng định mình chỉ vay mượn ý tưởng, Forever 21 đã không ít lần thoát tội.
 
Đổi lại, trong con mắt của giới thiết kế thì Forever 21 là một tay đạo chích không hơn không kém dù thương hiệu này có giá trị tới 5 tỉ đô. Bất lực trước sự "mặt trơ trán bóng" của Forever 21, Chủ tịch của Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Mỹ (CFDA), bà Diane von Furstenberg, người từng 5 lần đâm đơn kiện nhãn hiệu bình dân này cho biết: “Thật hết sức buồn lòng khi thấy những người mang danh nhà thiết kế lại có thể thản nhiên ăn cắp sản phẩm sáng tạo của người khác như thế”.
 
Nạn đạo thiết kế phổ biến tới mức hãng giày nổi tiếng Coverse thực sự cảm thấy bất lực. Hãng này bức xúc tới mức đã kiện một loạt tới 31 nhãn hàng ăn cắp mẫu giày sneaker huyền thoại của Converse vào cuối năm 2014.
 
Trước đó, Converse đã rất cẩn trọng đi đăng ký bảo hộ kiểu dáng sản phẩm cho mẫu sneaker này. Dù thế nhưng có tới hàng trăm nhãn hiệu đã lấy lại kiểu dáng giày này để sản xuất. Cực chẳng đã, Coverse mới đưa 31 nhãn nổi tiếng ra toà, trong đó có Ralph Lauren, Tory Burch, Ed Hardy, Skechers, Wal-Mart... Cuộc đấu tranh của Converse vẫn chưa tới hồi ngã ngũ.
 

Kiểu giày huyền thoại của Converse bị nhiều hãng đạo nhái

 
Một chiêu đạo nhái khá thô thiển và trắng trợn từng được Guess sử dụng. Hãng này sản xuất ra một mẫu giày với màu sắc và họa tiết chữ G rất giống với kiểu giày huyền thoại của Gucci. Khi đâm đơn kiện ra toà, Gucci mới phát hiện ra bên trung gian sản xuất giày là công ty giày Fisher đã bán họa tiết độc quyền của Gucci cho Guess. Gucci được toà tuyên thắng kiện với mức bồi thường mà Guess phải trả lên tới 5 triệu đô. Fisher cũng phải bồi thường 500 ngàn đô liên đới.
 
Các nhà thiết kế lừng danh nhất cũng không tránh khỏi vòng tố đạo nhái. Marc Jacobs từng bị Adidas kiện vì sử dụng họa tiết 3 sọoc trứ danh. Hãng đồ thể thao Adidas cũng kiện Isabel Marant vì đã lấy mẫu giày Stan Smith của họ.
 

Thiết kế của Zara (phải) giống Givenchy tới 90%

 
Đến cả người đàn ông thủ cựu của làng mốt là Karl Lagerfeld cũng từng bị hãng đồ bình dân New Balance kiện vì bắt chước họ dùng họa tiết hình chữ K lên giày. Vụ kiện này gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới danh tiếng của một trong những nhân vật được trọng vọng nhất giới thời trang.

Chuyện kiện cáo không chỉ xảy ra giữa hãng nhỏ kiện hãng lớn hay hãng lớn kiện hãng nhỏ mà nó còn tạo nên bởi mâu thuẫn giữa hai thương hiệu thời trang cao cấp.

Vào năm 2011, hãng giày đế đỏ Louboutin đã đâm đơn kiện và đòi YSL bồi thường 1 triệu đô tiền đền bù thiệt hại do YSL tung ra thị trường mẫu giày phủ đỏ toàn thân.

Một vụ kiện tụng khác được xem là "huyền thoại" trong làng thiết kế giữa 2 thương hiệu lớn là Ralph Lauren và YSL. Năm 2006, thương hiệu Ralph Lauren đã từng bị kiện vì copy lại bộ tuxedo nữ đình đám do Yves Saint Laurent thiết kế. Vụ kiện kết thúc với mức phạt mà Ralph Lauren phải trả lên tới 400.000 đô la Mỹ tương đương với hơn hơn 8 tỉ đồng.
 

Giày của Gucci, giày của Chloe (hàng trên) và giày của Guess, Steven Maidden.

 
Lối đi nào giữa bão đạo nhái

Theo chuyên gia kinh tế Kal Raustiala, để hạn chế nạn ăn cắp thì buộc các nhà mốt lớn phải chịu chi tiền để đăng ký bảo hộ kiểu dáng độc quyền. Nhờ đó họ mới được luật pháp bảo vệ. Tuy nhiên khoản chi này sẽ không hề nhỏ. Chẳng hạn như Dolce &Gabbana đăng ký bảo hộ kiểu dáng cho đa số các mẫu váy có thiết kế đặc biệt của họ. Sau này, kể cả khi mẫu váy được đăng ký không còn xuất hiện trên thị trường nhưng Dolce&Gabbana vẫn kiện được bất cứ nhãn hiệu nào ăn cắp kiểu dáng mẫu váy đó.

Quay lại trường hợp vụ kiện giữa Louboutin và YSL. Louboutin có đăng ký mẫu đế đỏ độc quyền. Theo phán quyết của toà án vào năm 2013, mọi nhãn hiệu sản xuất giày có đế đỏ ngoài Louboutin đều vi phạm luật. Tuy nhiên trong vụ kiện đó, YSL thoát án phạt vì sơn màu đỏ lên toàn bộ giày.

Ngoài ra, các nhà thiết kế lớn cũng bắt đầu tìm cách bắt tay cùng các thương hiệu bình dân để sản xuất các bộ sưu tập mang tinh thần của họ nhưng giá cả mềm hơn rất nhiều. Bằng cách này họ phổ biến được tên tuổi và phong cách của mình tới lớp khách hàng bình dân. Đó là lối đi cộng tác giúp cả hai bên đều có lợi.
 
>> NTK Đỗ Mạnh Cường gọi người "tố" mình là... thú điên sắp chết đói
>> Váy bị chê "nhái" của Đỗ Mạnh Cường bán giá 5.000 USD

Theo Thu Hương (Dân Việt)