Giải trí

"Mái ấm kỳ lạ của cô Peregrine" - Phim dị nhân nhí kiểu Tim Burton

Phim chuyển thể từ tiểu thuyết 70 tuần ăn khách nhất trên New York Times là câu chuyện ma mị và trào phúng về nhóm dị nhân nhỏ tuổi.

Phim chuyển thể từ tiểu thuyết 70 tuần ăn khách nhất trên New York Times là câu chuyện ma mị và trào phúng về nhóm dị nhân nhỏ tuổi.

Cốt truyện mở màn bằng một cái chết. Ông nội nhân vật chính - cậu bé 16 tuổi Jacob Portman (Asa Butterfield) - qua đời. Theo lời chỉ bảo trước lúc ông trút hơi thở cuối cùng, Jacob tìm đến một hòn đảo ở xứ Wales và phát hiện ngôi nhà thần kỳ nơi ông nội từng sống trong Thế chiến thứ hai.

Tại đây, cô giáo Peregrine (Eva Green) nuôi dạy các đứa trẻ có những khả năng lạ lùng. Nhờ năng lực điều khiển vòng lặp thời gian của cô, họ mãi sống trong ngày 3 tháng 9 năm 1945 và không hề già đi. Jacob làm quen với Emma (Ella Purnell), thiếu nữ nhẹ hơn không khí, có thể lơ lửng trên mặt đất và là bạn gái cũ của ông mình. Đôi trai gái nhanh chóng phải lòng nhau. Cùng lúc, tai ương ập đến từ các Hồn rỗng và Thây ma dưới sự cầm đầu của ác nhân Barron (Samuel L. Jackson).

mai-am-ky-la-cua-co-peregrine-phim-di-nhan-nhi-kieu-tim-burton

Eva Green tái xuất làm cô gia sư kỳ lạ.

Nửa đầu phim có nhiều đoạn nên thơ để giới thiệu dàn dị nhân nhí.Các em gồm: Cô bé nhẹ hơn không khí, cặp song sinh vô diện, cô bé có thể phát ra lửa từ tay hay chàng trai có thể điều khiển đồ vật bằng cách lắp tim giả. Một cảnh ấn tượng là khi cô bé bồng bềnh như cánh diều trong bộ đầm xanh, được chàng trai níu giữ qua sợi dây. Một trích đoạn khác phô diễn khả năng kỳ lạ của cậu bé gắn chiếc kính vào mắt trong phòng tối, từ đó phóng ra giấc mơ như máy chiếu phim.

Trường đoạn cô Peregrine điều khiển dòng thời gian cũng bắt mắt. Lúc này, đám trẻ quây quần và đeo những chiếc mặt nạ chống độc, còn thời gian ngưng đọng quanh chúng. Trên trời, trái bom bất động được xem là biểu tượng của chiến tranh, của một thế giới hiện đại và tàn nhẫn. Gần sát mặt đất, những giọt mưa lơ lửng trước mắt lũ trẻ khiến chúng có thể khẽ khàng chạm vào. Các chi tiết đối lập trong cùng khung hình tạo sự tương phản đầy thi vị.

Tác phẩm mới cho thấy việc hãng Fox lựa chọn Tim Burton chuyển thể phiên bản văn học là quyết định hợp lý. Dù hướng đến đối tượng độc giả trẻ, tiểu thuyết gốc được lấy cảm hứng từ bộ ảnh cổ khá rùng rợn về các dị nhân. Phim không thiếu những yếu tố đen tối. Điều này hoàn toàn phù hợp với Tim Burton, người từng thành công với phong cách ma mị trongSweeney Todd, Frankenweenie hay Sleepy Hollow.

mai-am-ky-la-cua-co-peregrine-phim-di-nhan-nhi-kieu-tim-burton-1

Nữ dị nhân vị thành niên có khả năng thổi nước biển.

Trong khi nội dung phim Mái ấm kỳ lạ của cô Peregrine tương tự các phimX-Men, đạo diễn Tim Burton tạo ra sự khác biệt bằng cách trộn chất ma mị và trào phúng vào từng khung hình. Phần hình ảnh đậm chất gothic, pha lẫn giữa sắc rực rỡ và kinh dị khiến phim mang dáng vóc riêng so với những phim đương đại chuyển thể từ tiểu thuyết dành cho thiếu niên.

Ban đầu, bối cảnh xứ Wales hiện lên với dải đồng cỏ vắt vẻo, những gờ đá hiểm trở và bãi biển trải dài vô tận. Khi Jacob ở hiện tại, màu phim có phần u ám và lạnh lẽo. Song khi cậu đến ngôi nhà, màu phim lại chuyển sang tông sáng hơn. Sự chuyển đổi tông màu có chủ ý này giúp nhấn mạnh sự tươi sáng, hạnh phúc tại mái ấm của cô Peregrine. Đó là một không gian hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, một “thiên đường bé nhỏ” đúng như nhà văn Ransom Riggs mô tả.

Phong cách kinh dị được thể hiện rõ nét khi quân đoàn của ác nhân Barron lộ mặt. Với mác PG-13 (hạn chế trẻ dưới 13 tuổi), phim không có nhiều máu me. Nhưng Tim Burton khéo léo “lách luật” bằng những thủ pháp tạo hình quái vật hay cảnh ăn mắt người. Ở những đoạn này, ngoài sự ghê rợn, đạo diễn còn bổ sung thêm nét trào phúng đặc trưng của ông. Khán giả rùng mình khi thấy tạo hình của một tên Hồn rỗng, nhưng ngay sau đó lại bật cười khi hắn giao chiến với một quân đoàn xương. Sự đan xen giữa tiếng cười và nỗi sợ tương tự từng xuất hiện trong vài phim của Tim Burton như: Sleepy Hollow, Corpse Bride hay Frankenweenie. 

Thay vì chọn những diễn viên quen thuộc là Johnny Depp hay Helena Bonham Carter, đạo diễn chiêu mộ một Eva Green - từng đóng vai chính trong Dark Shadows. Giữa dàn diễn viên, cô nổi trội hơn cả dù gần như vắng bóng trong hồi ba. Minh tinh Pháp quyến rũ hơn tạo hình phiên bản gốc, song nhân vật vẫn giữ nguyên những nét đặc trưng với đôi mắt xanh, mái tóc đen, chiếc tẩu giống Sherlock Holmes và bộ váy Anh cổ điển. Phong cách nghiêm nghị, rắn rỏi của cô tạo được sức nặng cho câu chuyện, bù đắp cho dàn diễn viên trẻ Asa Butterfield hay Ella Purnell - có phần non kinh nghiệm.

mai-am-ky-la-cua-co-peregrine-phim-di-nhan-nhi-kieu-tim-burton-2

Một nhân vật quái vật.

So với những phim trước, tác phẩm chuyển thể mới chưa đưa Tim Burton quay lại đỉnh cao phong độ cách đây một thập kỷ. Kịch bản phim mang nhiều chi tiết giải thích mà ít phát triển tâm lý nên thiếu chiều sâu. Biên kịch của phim là Jane Goldman, người từng góp phần làm nên những tác phẩm xuất sắc như: X-Men First Class, Kingsman: The Secret Service. Điểm đặc trưng trong kịch bản của cô là luôn có những tình huống cao trào để làm bước ngoặt cho tâm lý nhân vật. Điều đó không được tái hiện ở tác phẩm mới. Các nhân vật khác nhau về năng lực song không ai có tính cách thật sự nổi bật. Còn tuyến phản diện chỉ xuất hiện nhạt nhòa trong thời lượng phim ít ỏi.

Năm năm trước, sách gốc của nhà văn Ransom Riggs trở thành hiện tượng trên văn đàn. Truyện nằm trong danh sách bán chạy nhất ở hạng mục thiếu nhi trên tờ New York Times suốt 70 tuần. Cả tiểu thuyết và phiên bản điện ảnh đều có bố cục giống nhau là hơn nửa đầu giới thiệu mái ấm, phần còn lại là cuộc chiến với bọn xấu.

Điểm khác biệt nằm ở chỗ, truyện kết thúc bằng một tình huống lửng lơ để dọn đường cho phần sau, còn phiên bản điện ảnh cố giải quyết mọi việc trong 127 phút. Điều này khiến hồi ba của phim tràn ngập các sự kiện và lời giải thích. Người xem bị ngộp trong những khái niệm về vòng thời gian và diễn biến quá nhanh của câu chuyện.

Mái ấm lạ kỳ của cô Peregrine ra mắt ở Việt Nam từ ngày 30/9.

Theo Ân Nguyễn (VnExpress.net)