Giải trí

Live show của Mr. Đàm: Bolero, Jazz và nhạc đám tang

Những ca khúc nhạc xưa trong live show Sài Gòn Bolero và Hưng không chỉ được hòa âm mới mà còn được “sáng tạo” bằng cách phối theo phong cách Jazz hoặc đưa nhạc đám ma vào làm nền.

Những ca khúc nhạc xưa trong live show Sài Gòn Bolero và Hưng không chỉ được hòa âm mới mà còn được “sáng tạo” bằng cách phối theo phong cách Jazz hoặc đưa nhạc đám ma vào làm nền.

Đêm nhạc kéo dài 3 tiếng (thay vì 2 tiếng 45 phút như chủ nhân live show tuyên bố) – một thời lượng tương đối dài – nhưng không mấy ai bỏ về vì Đàm Vĩnh Hưng luôn tạo bất ngờ theo cách riêng, và đủ “chiêu trò” để giữ chân khán giả, ngay cả những tấm vé mới.

Công bằng mà nói, Sài Gòn Bolero và Hưng sở hữu một sân khấu hoành tráng, chuyển động không ngừng; cách đặt để khách mời thông minh khiến live show có điểm nhấn. “Ông hoàng nhạc Việt” làm được điều mà không phải ai cũng làm được. Nhưng, về mặt âm nhạc, live show của Đàm Vĩnh Hưng chưa thể được coi là hoàn hảo.

Live show cua Mr. Dam: Bolero, Jazz va nhac dam tang hinh anh 1

Đàm Vĩnh Hưng thể hiện khoảng 30 ca khúc trong chương trình.

Mr. Đàm là ai giữa Sài Gòn và Bolero?

Thoạt đầu, khi nghe slogan “Sài Gòn cái gì cũng hay nhưng hay nhứt là Bolero”, nhiều người nghĩ rằng đêm nhạc của Đàm Vĩnh Hưng sẽ thuần Bolero. Nhưng thực tế không phải vậy. Chương trình của Mr. Đàm được chia làm 3 phần Sài Gòn, Bolero và Hưng với những sáng tác nổi tiếng trước năm 1975, không riêng gì Bolero.

Phần một – Sài Gòn là những ca khúc có tiết tấu nhanh, nội dung cũng tương đối vui nhộn nhằm phản ảnh một Sài Gòn đô hội phồn hoa và “ăn chơi” thuở nào. Phần hai – Bolero lại có màu sắc khác hẳn, đó là những sáng tác Bolero thuần, buồn đau và bi thương là chủ đạo.

Những ca khúc nhạc vàng được khoác một chiếc áo mới với bản hòa âm và phối khí khác hẳn. Qua cơn mê được phối theo phong cách nhạc Jazz, trong khi Dấu chân kỷ niệm có nhạc nền là nhạc đám tang. Đàm Vĩnh Hưng cho biết anh thể hiện ca khúc này để tưởng nhớ một người hâm mộ vừa qua đời.

Trong đêm nhạc, Đàm Vĩnh Hưng đôi chỗ hát sai lời. Giọng ca sinh năm 1970 tiếp tục khoe khả năng nhấn nhá “đặc sản” trong cách hát. Anh ngân giọng tương đối tốt, tuy vậy, đôi chỗ nam ca sĩ hát sai lời, xuống nốt trầm bị mờ và lên cao chưa ấn tượng.

Đàm Vĩnh Hưng hát live khoảng 30 ca khúc nhưng không bị hụt hơi, đuối sức, đó là điều đáng ghi nhận. Tuy vậy, xét về chất giọng Bolero, “ông hoàng nhạc Việt” chưa phải là một giọng ca có màu sắc đặc trưng của dòng nhạc này. Chính nam ca sĩ cũng thừa nhận anh hát Bolero không hay, chỉ được cái lạ.

Hai phần đầu, Đàm Vĩnh Hưng không để lạ nhiều ấn tượng về mặt giọng hát. Những tràng vỗ tay chưa nhiệt tình của khán giả là câu trả lời rõ nhất mà nam ca sĩ có thể chứng thực. Chính anh, ở phần đầu chương trình cũng phải thốt lên “Vỗ tay rời rạc quá!".

Điểm đáng khen nhất là phần 3 – Hưng với những ca khúc mà giọng caSay tình vừa xin cấp phép như Tình bơ vơ, Thương hận. Một Đàm Vĩnh Hưng đúng là Đàm Vĩnh Hưng nhất, không phải gồng mình trong chiếc áo to tát “Sài Gòn Bolero”. Không sai lời, không “đều đều”, “nhạt nhạt”, nam ca sĩ ăn điểm nhờ sự hòa quyện giữa bản phối, giọng hát và nội dung ca khúc.

Live show cua Mr. Dam: Bolero, Jazz va nhac dam tang hinh anh 2

Đàm Vĩnh Hưng có một tiết mục tưởng nhớ NSƯT Thanh Nga trên sân khấu.

Sân khấu vừa hoành tráng vừa lắng đọng

Trong mặt bằng sân khấu đêm nhạc hiện nay, Sài Gòn Bolero và Hưngxứng đáng nhận được những khen ngợi. Sân khấu trong live show của Đàm Vĩnh Hưng gây ấn tượng vì sự chuyển động không ngừng. Mỗi phần nội dung là một cách sắp xếp, đặt để sân khấu khác nhau.

Khán giả như được sống lại hình ảnh Sài Gòn xưa với hình ảnh đường phố, dãy nhà, rạp hát, thương xá Tax. Tất cả được tái dựng chân thật với kích thước lớn. Tất nhiên, Đàm Vĩnh Hưng cũng đã khéo lồng ghép tên những nhà tài trợ ở đường phố trên sân khấu. Hành động này không quá lố nhưng nếu đó là tên thật của những thương hiệu thuở xưa ở Sài Gòn sẽ hoài cảm hơn.

Mỗi lần màn nhung kéo xuống và kéo lên là một lần sân khấu được đổi khác. Thủ pháp này góp phần tạo sự bất ngờ cho khán giả. Có những phần thể hiện, mặt âm nhạc chưa thực sự thuyết phục nhưng khán giả vẫn không rời mắt vì một sân khấu “nghe – nhìn”.

Ở cuối phần 2 và toàn bộ phần ba, sân khấu trở nên lắng đọng hơn với những quả bóng dây tóc, kết thành những bông hoa ánh sáng làm nền cho ca sĩ cất tiếng hát. Từ phía dưới nhìn sân khấu tương tối giản dị nhưng lại rất phù hợp với ca từ của ca khúc.

Sài Gòn, Boleo và Hưng giống như một bữa tiệc về cảnh trí, thuyết phục được khán giả. Và Trần Vi My một lẫn nữa chứng tỏ được bàn tay của một người sáng tạo.

Live show cua Mr. Dam: Bolero, Jazz va nhac dam tang hinh anh 3

Hương Lan nhận được nhiều tràng pháo tay của khán giả với chất giọng Bolero thuần.

Hương Lan tỏa sáng, Dương Triệu Vũ lép vế

Live show của Đàm Vĩnh Hưng có tới 7 ca sĩ khách mời, bao gồm: Hương Lan, Lệ Quyện, Quang Lê, Hoài Lâm, Dương Triệu Vũ, Hà Thanh Xuân và Thu Hằng. Dàn khách mời cũng được giới thiệu bằng những cái tên kêu như chuông như "nữ hoàng phòng trà", "ca thần", "oanh vàng xứ Nghệ"...

Giữa nhưng danh xưng to tát đó, Hương Lan tỏa sáng hơn cả. Không chỉ gây ấn tượng ở những tiết mục solo, trong màn kết hợp với Đàm Vĩnh Hưng trong ca khúc Phận tơ tằm, nữ danh ca cũng để lại nhiều cảm xúc trong khán giả.

Không cần sự hỗ trợ của vũ đoàn, không cần cảnh trí hoành tráng, hai ca sĩ đứng hai bên sân khấu, bên cạnh những bóng đèn sáng lung linh và hát về tâm sự của người nghệ sĩ. Khi tấm vải lụa thả xuống giữa bục, hiện lên những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng trước 1975 là lúc khán giả cảm thấy đêm nhạc lắng đọng nhất.

Trong khi Hương Lan nhận được những tràng pháo tay không ngớt thì Quang Lê, Lệ Quyên thể hiện tròn vai; Hoài Lâm, Thu Hằng không để lại nhiều ấn tượng, còn Dương Triệu Vũ gần như lép vé. Phần thể hiện của em trai Hoài Linh không mang lại nhiều cảm xúc cho người nghe. Sự pha trộn giữa Pop hiện đại và nhạc xưa của nam ca sĩ không mang lại hiệu quả.

Live show Sài Gòn Bolero và Hưng kết thúc sau phần hòa giọng của ba giọng ca nam Đàm Vĩnh Hưng - Dương Triệu Vũ - Hoài Lâm. Công bằng mà nói, đây là một chương trình có nhiều sáng tạo, từ âm nhạc đến sân khấu. Nhưng cảm xúc của ca sĩ, của khán giả ngồi nghe thì vẫn chưa thể đong đầy dù đây là một đêm... nhạc xưa.

Theo Lê Quang Đức (Tri Thức Trực Tuyến)