Giải trí

Gia đình nhạc sĩ An Thuyên rút tác phẩm khỏi trung tâm tác quyền

Người thân cố tác giả cho rằng trung tâm chỉ dừng ở việc thu phí chứ chưa làm tròn nhiệm vụ quảng bá tác phẩm.

Chiều 12/4, gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên gồm: bà Huyền Lâm - vợ ông - cùng con gái là ca sĩ Bông Mai, con trai là nhạc sĩ An Hiếu họp báo tại Hà Nội. Họ tuyên bố từ ngày 17/1, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (viết tắt: VCPMC) đã không còn là đại diện pháp lý, khai thác quyền tác giả, quyền liên quan đối với các tác phẩm của cố nhạc sĩ. Thay vào đó, gia đình sẽ thực hiện điều này.

Bà Huyền Lâm kể khi nghe yêu cầu từ gia đình hồi đầu năm, VCPMC có thông báo họ phải chờ thêm sáu tháng để thanh lý hợp đồng. "Anh Phó Đức Phương - giám đốc trung tâm lúc ấy - nói với tôi phần thu tác quyền từ các chương trình biểu diễn thì gia đình làm, còn về phía các công ty, đơn vị thì để bên VCPMC giúp nhằm bớt thiếu sót, thiệt thòi cho gia đình. Tôi cảm ơn anh nhưng nói gia đình muốn tự làm. Sau đó, trung tâm không đả động lại việc này nữa", vợ cố nhạc sĩ cho biết.

Vợ con nhạc sĩ An Thuyên nói lý do rút mọi tác phẩm khỏi VCPMC

Ca sĩ Bông Mai khẳng định việc rút các tác phẩm khỏi VCPMC không phải vì vấn đề tiền bạc. Gia đình cố nhạc sĩ có hai ưu tiên hàng đầu lúc này mà VCPMC chưa làm được. Đó là quảng bá các tác phẩm tới công chúng sâu rộng hơn - một trong những cam kết trong hợp đồng - và theo dõi được chính xác, chi tiết và cụ thể về việc sử dụng sáng tác của cố nhạc sĩ từ các đơn vị, cá nhân.

Theo Bông Mai, VCPMC hiện mới chỉ dừng lại ở việc khai thác những bài hát đã được phát hành, các tác phẩm mới hơn thì vẫn bỏ ngỏ. Chị lấy ví dụ ca khúc Ca dao em và tôi vốn rất nhiều người nghe trong nhiều năm qua. Tuy vậy, VCPMC chỉ khai thác bản ghi âm của ca sĩ Quang Linh từ cách đây rất lâu với chất lượng âm thanh không còn phù hợp với thời đại, không mang tính cập nhật.

Gia đình nhạc sĩ An Thuyên rút tác phẩm khỏi trung tâm tác quyền
Ca sĩ Bông Mai. Ảnh: Hòa Nguyễn.

"Gia đình không coi phí tác quyền của ba là nguồn thu chính. Chúng tôi coi trọng những giá trị nghệ thuật mà ông đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Vì vậy, gia đình càng trân trọng những người đồng sáng tạo cùng ba trong các sản phẩm, từ nhạc sĩ phối khí đến ca sĩ, người phụ trách kỹ thuật phòng thu... Chúng tôi mong muốn có sự minh bạch với tất cả nghệ sĩ sáng tạo ra mỗi tác phẩm âm nhạc", chị tâm sự.

Để quảng bá các tác phẩm của nhạc sĩ An Thuyên cùng đồng nghiệp tới đông đảo khán giả, ca sĩ Bông Mai cùng anh trai đã xây dựng dự án kênh âm nhạc dành cho thiếu nhi Sing Channel. Với phương châm "Để trẻ em Việt được hát bài hát Việt", dự án giới thiệu tới công chúng các ca khúc thiếu nhi qua nhiều hình thức như MV, bản ghi âm hay sự kiện âm nhạc cộng đồng. Mỗi sản phẩm âm nhạc đều được thực hiện theo phong cách khác nhau, có sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ như: Bảo Trâm, Nguyễn Trần Trung Quân, Nhật Minh The Voice Kids, Ngọc Linh... Toàn bộ tác phẩm được sử dụng trích từ cuốn Tổng tập các bài hát thiếu nhi Việt Nam gồm 3.000 ca khúc do cố nhạc sĩ An Thuyên làm chủ biên.

Bông Mai hát ca khúc "Chỉ có một trên đời 

Có mặt ở họp báo, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường - Phó chủ tịch thường trực của Hội nhạc sĩ Việt Nam - ủng hộ quyết định của gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên. "Chúng tôi rất biết ơn trung tâm tác quyền bởi nếu không có họ, giới nhạc sĩ sẽ bị thiệt thòi nhiều. Nhưng tôi nghĩ bây giờ là thời buổi cơ chế thị trường. Cái gì anh làm tốt người ta theo, còn không tốt thì sẽ rời bỏ", ông nói thêm.

Ông Lân Cường cũng gặp vấn đề tương tự như gia đình cố nhạc sĩ An Thuyên. Nhạc sĩ có nhiều ca khúc thiếu nhi tâm đắc, trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải cao tại các cuộc thi uy tín trong nước. Tuy vậy, khi ông Cường ký hợp đồng với VCPMC, những tác phẩm này vẫn không được tiếp cận rộng rãi với công chúng như kỳ vọng, chỉ giải quyết được vấn đề về phí tác quyền. Khi nghe gia đình nhạc sĩ An Thuyên trình bày ý tưởng rút các tác phẩm khỏi VCPMC để tự quảng bá, ông Nguyễn Lân Cường cũng có động thái tương tự.

Nhạc sĩ An Thuyên là tác giả của những ca khúc gắn bó với nhiều người Việt như Ca dao em và tôi, Hà Tĩnh mình thương, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác... Ông sinh ngày 15/8/1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, nguyên là Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa 5. Năm 2015, nhạc sĩ qua đời do nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 66 tuổi.

Theo Đức Trí (VnExpress.net)