Giải trí

Điện ảnh Việt và cuộc chiến giành miếng bánh trăm triệu USD

Khi thị trường điện ảnh Việt Nam chính thức cán mốc 100 triệu USD, việc chiếm thị phần cũng trở nên khốc liệt hơn, đặc biệt ở phân khúc rạp chiếu và phát hành. 

Khi thị trường điện ảnh Việt Nam chính thức cán mốc 100 triệu USD, việc chiếm thị phần cũng trở nên khốc liệt hơn, đặc biệt ở phân khúc rạp chiếu và phát hành. 

Điều này khiến cho thị trường điện ảnh Việt trở thành "miếng bánh ngon", đặc biệt là với các nhà đầu tư nước ngoài. Riêng ở phân khúc rạp phim, hai tập đoàn đến từ Hàn Quốc gồm CGV và Lotte đang chiếm thế thượng phong.

Đứng đầu là CGV với 32 cụm rạp, tiếp đó là Lotte Cinema 25 cụm, BHD 6 cụm, Galaxy 6 cụm, Platinum Cineplex (sở hữu của Tập đoàn Multivision từ Indonesia) với 5 cụm rạp... Nếu tính đổ đồng tiền vé rạp, việc CGV chiếm 40% số phòng chiếu ở Việt Nam thì có thể chiếm đến 40% về mặt doanh thu. Đây là một con số rất lớn. 

Điều dễ dàng nhận thấy ở các rạp chiếu phim chiếm ưu thế thường là những cụm rạp có nguồn vốn đầu tư lớn. Đặc biệt, hệ thống CGV luôn có được lượng khán giả rất đông, vì nơi đây mỗi năm, lượng phim "bom tấn" nhập về không hề nhỏ. 

Việc này cũng dễ lý giải khi thị trường trong nước nói riêng và quốc tế nói chung được chi phối bởi 6 studio lớn (MPA) của Hiệp hội điện ảnh Mỹ. Các studio này là đại diện phát hành phim cho gần như toàn bộ thị trường thế giới. Phim các hãng lớn của Hollywood như: Disney, Sony, Paramount… đều thuộc quyền phát hành của 6 MPA này.

dien-anh-viet-va-cuoc-chien-gianh-mieng-banh-tram-trieu-usd

Hệ thống rạp kiêm nhà phát hành phim CGV bị khiếu nại áp đặt tỷ lệ ăn chia phim Việt không hợp lý với các đơn vị sản xuất, phát hành Việt Nam.

Do ưu thế là người tiên phong mở thị trường, hiện CGV đã đặt quan hệ và làm việc gần như độc quyền với 5 studio, và hiện tại là đơn vị được hai hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là 90% phim Hollywood được nhập về Việt Nam thông qua họ. Sau khi được CGV mua lại, họ lại độc quyền nhập thêm những phim do CJE phát hành, những bộ phim có chất lượng tốt ở Hàn Quốc.

Trong số các hãng phim nội, chỉ Galaxy có thời gian tham gia thị trường tương đối lâu, may mắn sở hữu quan hệ với 1, 2 studio. Còn các nhà phát hành phim khác đều phải tìm kiếm nguồn phim từ những đơn vị ngoài MPA. Như vậy, sự chênh lệch của thị trường phát hành phim là rất lớn. CGV gần như thao túng việc phát hành phim ở Việt Nam.

Với lợi thế được độc quyền phát hành những bộ phim bom tấn, CGV tạo sức ảnh hưởng lớn lên tất cả các rạp phim còn lại, dù ít dù nhiều nó vẫn mang đến những lợi thế nhất định và các rạp khác nếu không muốn bị hất văng ra khỏi cuộc chơi khắc nghiệt phải chấp nhận thỏa thuận.

Nếu như ở thị trường thế giới, nhà phát hành phải là những đơn vị hoàn toàn độc lập so với những doanh nghiệp kinh doanh cụm rạp chiếu phim thì ở Việt Nam, do lịch sử hình thành, điều này không được phân biệt rõ ràng dẫn đến việc “ông vua rạp chiếu” cũng chính là “nữ hoàng phát hành”. Bởi, có cụm rạp là có lợi thế rất lớn trong cạnh tranh.

Do vậy, mới đây 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đã cùng gửi đơn khiếu nại đến Hội điện ảnh, khẳng định họ đang bị hệ thống rạp CGV chèn ép thông qua tỷ lệ ăn chia doanh thu phòng vé và hình thức chiếu phim ở rạp. Tám đơn vị gồm BHD, Galaxy, Skyline, Golden Media, Saigon Media, MVP, Early Risers và Công ty VAA. 

Đơn khiếu nại chung khẳng định: "Dựa vào tỷ lệ áp đảo thị trường về hệ thống cụm rạp, CGV đã và đang áp đặt tỷ lệ ăn chia bất hợp lý tại hệ thống rạp của mình. Phim Việt Nam do CGV phát hành tại hệ thống rạp khác có tỷ lệ ăn chia là 55/45 (CGV hưởng 55%). Còn với phim Việt Nam do các doanh nghiệp trong nước phát hành tại hệ thống CGV, tỉ lệ vẫn là 45/55 (nghĩa là nhà phát hành chỉ được hưởng 45%, CGV hưởng 55% doanh thu chiếu phim trong tuần đầu tiên, tỷ lệ hạ dần theo tuần)".

Cũng theo thư khiếu nại, sự chênh lệch này bất hợp lý và chưa từng xảy ra trên thế giới khi mà hệ thống rạp chiếu lại nhận được tỷ lệ ăn chia lớn hơn nhà sản xuất và phát hành phim.

Các doanh nghiệp điện ảnh khiếu nại cũng cáo buộc CGV có xu hướng chiếu các phim nước ngoài, đặc biệt là các phim do chính nước họ sản xuất với số lượng nhiều hơn, thời gian vào các khung giờ vàng lâu hơn... nên bày tỏ lo ngại CGV sẽ dần củng cố vai trò, tiến tới điều tiết và làm chủ thị trường điện ảnh Việt Nam.

Đáp lại những phản ứng này, CGV cho rằng thực tế phụ thuộc vào chất lượng phim, số lượng rạp và số lượng phòng chiếu của đơn vị phát hành mà CGV và bên liên quan cùng nhau xây dựng và thống nhất áp dụng tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé với từng đơn vị phát hành. CGV hoàn toàn không có sự phân biệt đối xử hoặc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bất kỳ công ty phát hành nào. Đơn vị chiếu phim có số lượng rạp và phòng chiếu cao hơn, giá vé cao hơn sẽ mang về lợi nhuận cao hơn cho nhà sản xuất mặc dù tỷ lệ phân chia có thể chênh lệch 5-10%. Bên cạnh đó, khi chiếu phim của các đơn vị phát hành khác tại rạp của CGV thì cũng luôn được hỗ trợ tiếp thị tích cực cho các bộ phim tại rạp của mình.

Ngoài ra, CGV còn lý giải rằng, họ đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ nhiều hơn gấp 4-5 lần so với lợi nhuận đạt được tại thị trường Việt Nam. Không chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn, đơn vị này còn tập trung phát triển hệ thống rạp tại các tỉnh, thành khác trong cả nước nhằm giới thiệu phim Việt tới nhiều hơn nữa khán giả ở các khu vực này.

Ông Lý Quốc Oai, Giám đốc hãng phim Nghiệp Thắng cho biết, trung bình, doanh thu mỗi phim công chiếu dao động trong khoảng tỉ lệ 50%. Với những phim bom tấn, con số cho đơn vị phát hành có thể lên đến 65% nhưng cũng có những phim chỉ đạt 45%.

Tuy nhiên, ông Oai cho biết thêm, đơn vị phát hành không được hưởng toàn bộ phần trăm của mình. Như trường hợp của Nghiệp Thắng, phải chia lại thêm 10 đến 12% trên tỷ lệ mình nhận được cho nhà phát hành phim của đơn vị sở hữu cụm rạp chiếu, xem như hình thức đồng phát hành mới có thể đưa phim mình vào các cụm rạp đấy.

"Ở đây phải xác định, phim của Nghiệp Thắng chiếu trên CGV, đơn vị này lấy danh nghĩa đồng phát hành nhưng thực chất không làm gì cả ngoài việc công chiếu. Bù lại, khi vào được những cụm rạp lớn thì doanh thu cũng được đảm bảo hơn", ông nói.

Trao đổi với VnExpress về vấn đề này, một chuyên gia trong ngành điện ảnh cho rằng, các nhà sản xuất và phát hành phim ở Việt Nam có thể đang bị chèn ép trên sân nhà, nhưng cũng phải chấp nhận vì cơ chế thị trường. "Họ có nhiều rạp, có lợi thế về nhập phim bom tấn... nên họ có quyền", ông nói và cũng nhìn nhận rằng, hiện nhiều phim Việt chất lượng vẫn còn yếu nên khó yêu cầu CGV chiếu trong khung giờ vàng.

Theo ông, cái cốt lõi là bản thân các doanh nghiệp nội phải tăng tiềm lực tài chính để hiện đại các rạp, nhà sản xuất thì cho ra những bộ phim giá trị. Song song đó, cần có các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. 

Theo H.Thu (VnExpress.net)