Giải trí

Dân mạng phản đối 2 phút cuối kệch cỡm trong phim 'Điệp vụ Biển đỏ'

Mới đây, CGV đã chính thức ngưng chiếu "Điệp vụ Biển đỏ", bộ phim được cho là phô diễn sức mạnh quân đội Trung Quốc và tinh thần Đại Hán.

Ra mắt tại Trung Quốc vào đúng dịp Tết Nguyên đán 2018, Operation Red Sea (Điệp vụ Biển Đỏ) - tác phẩm mới nhất của đạo diễn Lâm Siêu Hiền - lập tức trở thành cú hit lớn. Doanh thu của bộ phim lên tới gần 550 triệu USD, chỉ thua Chiến lang 2. Thành công tại thị trường nội địa nhưng khi đến Việt Nam, Điệp vụ Biển đỏ không được đánh giá cao vì phần lớn khán giả cho rằng bộ phim đề cao thái quá sức mạnh quân đội Trung Quốc.

Dân mạng phản đối 2 phút cuối kệch cỡm trong phim 'Điệp vụ Biển đỏ'
Các nhân vật trong phim "Biệt đội biển đỏ".

Mới đây, nhà phát hành CGV quyết định ngưng chiếu phim "Điệp vụ Biển Đỏ" trên toàn quốc sau 10 ngày ra rạp. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Giám đốc phát hành phim của CGV Việt Nam, phim bị rút khỏi rạp là vì đã qua 10 ngày chiếu, không còn khán giả xem. Một phim có "vòng đời" khoảng 2 tuần, nếu thu hút khán giả, phía phát hành cân nhắc bố trí thêm rạp để chiếu. Tuy nhiên, thời điểm này, phim "bom tấn" Hollywood về thị trường Việt Nam nhiều nên CGV quyết định ngưng chiếu "Điệp vụ Biển Đỏ" khi phim này đạt doanh thu thấp.

Cũng theo ông Hải, Cục Điện ảnh là đơn vị cấp giấy phép duyệt phim chưa có động thái gì đối với tác phẩm của đạo diễn Lâm Siêu Hiền.

Dân mạng phản đối 2 phút cuối kệch cỡm trong phim 'Điệp vụ Biển đỏ' - 1

Dân mạng phản đối 2 phút cuối kệch cỡm trong phim 'Điệp vụ Biển đỏ' - 2
Hai phút cuối của bộ phim "Biệt đội biển đỏ" gây tranh cãi.

Điều đáng nói là trong bộ phim, nằm ở 2 phút cuối có một cảnh quay có "vấn đề" phô diễn một vùng biển rộng lớn. Nhiều chiếc tàu chiến tối tân của Trung Quốc xuất hiện, bao vây tàu nước ngoài, tuyên bố chủ quyền và đề nghị tàu này rời khỏi trong khi khu vực vùng biển này vẫn đang tranh chấp chủ quyền giữa các nước. Trong đó, Trung Quốc gọi vùng biển này là "Nam Trung Hoa" (Nam Hải) còn Việt Nam gọi là Biển Đông. 

Phía quốc gia tỷ dân dùng loa thông báo rằng đây là hải phận của Trung Quốc, và yêu cầu con tàu phía trước ngay lập tức rút lui khỏi vùng biển. Đoạn phim này hoàn toàn lạc điệu, không liên quan tới nội dung chính tác phẩm.

Chính vì chi tiết này, nhiều khán giả sau khi xem phim đã lên tiếng chỉ trích CGV vì mang một bộ phim có chi tiết tuyên truyền khiên cưỡng, kệch cỡm đến mức khó chấp nhận về Việt Nam.

Facebooker H.T.H chia sẻ: "Hôm nọ mình có nói về phim này chỉ với ý chê CGV thiếu nhạy cảm với tâm lý khán giả Việt Nam! Giờ mới biết là cuối phim nhà sản xuất lại còn nhét thêm một đoạn hình ảnh tàu chiến Trung Quốc cưỡng bức đuổi tàu nước khác ra khỏi biển Đông (mà Trung Quốc gọi là Nam Hải). Thế này thì phải nói là khả năng duyệt phim quá kém".

Nhiều ý kiến khác chỉ trích về mặt kiểm duyệt nội dung của bộ phim: "Ở đây, tôi thấy có 2 vấn đề mà chỉ kiểm duyệt là rõ nhất: 1 - Năng lực yếu kém nên không phát hiện ra. 2 - Là biết nhưng lại phớt lờ. Kết luận: chúng ta nên sáng suốt tẩy chay những bộ phim mang tính tuyên truyền xâm lấn chủ quyền như thế này!"; "Không hiểu sao, các đoạn phim tuyên truyền đầy chủ đích này lại lọt qua các khâu kiểm duyệt của Việt Nam? Cơ quan chức năng cần làm rỏ lý do và ai có thể cố ý hoặc vô ý không kiểm duyệt. Thật không hiểu nổi!"; "Đây chỉ là 1 sản phẩm tuyên truyền không hơn không kém!"...

Dân mạng phản đối 2 phút cuối kệch cỡm trong phim 'Điệp vụ Biển đỏ' - 3
Chiến lang 2 không được cấp phép chiếu tại Việt Nam.

Trước đó, tương tự "Điệp vụ biển đỏ", bộ phim "Chiến lang 2" của Trung Quốc cũng đã được ra mắt với chung nội dung quảng bá tinh thần dân tộc, phô diễn độ ảnh hưởng của lực lượng quân sự Trung Quốc mang tầm quốc tế. "Chiến lang 2" đã không được trình chiếu tại Việt Nam.

Được biết, phóng viên báo chí đã liên lạc với Cục Điện ảnh về vụ việc phim Điệp vụ Biển đỏ. Theo quy trình Phòng Phổ biến và Phát hành phim của Cục sẽ tiếp nhận thông tin này và gửi cho Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Hội đồng nói trên sẽ có trách nhiệm xem xét hoặc thẩm định lại phim. Lãnh đạo của Cục Điện ảnh và lãnh đạo của Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện cho biết họ đã tiếp nhận thông tin. Sau khi thẩm định thông tin, họ sẽ có câu trả lời chính thức với báo chí.

Theo Hà My (Dân Việt)