Giải trí

"Đàm Vĩnh Hưng hát 1 đêm chỉ có 80.000 đồng còn tôi đi tỉnh được 120.000 đồng"

"Thời đó, Đàm Vĩnh Hưng chưa nổi tiếng. Tôi nhớ không nhầm thì Đàm Vĩnh Hưng hát 1 đêm chỉ có 80.000 đồng còn tôi được 120.000", ca sĩ Vương Bảo Tuấn nói.

"Thời đó, Đàm Vĩnh Hưng chưa nổi tiếng. Tôi nhớ không nhầm thì Đàm Vĩnh Hưng hát 1 đêm chỉ có 80.000 đồng còn tôi được 120.000", ca sĩ Vương Bảo Tuấn nói.

Mồ côi cha mẹ từ năm 12 tuổi

Vương Bảo Tuấn sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng sau cơn biến động lịch sử, gia đình anh mất hết tài sản. Mẹ của Vương Bảo Tuấn mất khi anh mới 7 tuổi. Cha vì quá đau buồn về sự khánh kiệt cũng qua đời sau đó 5 năm.

Vương Bảo Tuấn cùng chị gái ở với bà nội. Bà nội làm đủ thứ việc để kiếm tiền nuôi hai chị em Vương Bảo Tuấn ăn học nhưng một năm sau bà nội cũng qua đời. Chị gái phải đi làm thêm còn  Bảo Tuấn cũng vừa học vừa làm. Đó là một cú sốc lớn trong đời anh.

Vương Bảo Tuấn nhớ lại: "Tôi là người rất thẳng thắn. Tôi nghĩ cho dù cay đắng phũ phàng thì sự thật vẫn là sự thật. Tuổi thơ của tôi thực sự rất khổ.

Bà nội mất năm tôi 13 tuổi. Cái chết của bà nội mới thực sự khiến tôi suy sụp. Vì dẫu cha mẹ chết sớm nhưng còn bà nội, bà bán lá lo cho hai chị em. Khi nội mất thì hai chị em mới rơi vào khó khăn, cơ cực. Bà nội là người thương tôi nhất nhà và là nguồn động viên lớn nhất cho tôi.

Chị gái tôi phải đi làm thuê. Bản thân tôi cũng vừa học vừa làm. Tôi làm đủ thứ việc, từ phụ quán làm tóc gội đầu để có tiền ăn cơm đến phụ bán hủ tíu gõ. Cũng có nhiều người trong xóm thấy tôi dễ thương hiền lành nên chỉ cho làm dán dép...

 Đàm Vĩnh Hưng hát 1 đêm chỉ có 80.000 đồng còn tôi đi tỉnh được 120.000 đồng - Ảnh 1.
 

Nhưng miệng đời cay nghiệt, lòng người không ai lường được. Họ thấy chị em tôi mồ côi, đã không thương tiếc còn dụ dỗ, tính lấy luôn căn nhà do cha mẹ và bà nội để lại. Đó là một căn nhà lớn, nằm ngay sau mặt tiền ở quận 4. Họ nghĩ rằng, chị em tôi mồ côi thì không biết gì, không ai lo cho.

Hồi nhỏ, tôi tròn mập rất dễ thương nhưng khi trổ giò thành thanh niên thì người gầy nhong và rất cao. Năm đó tôi 16 tuổi.

Lúc bấy giờ, quận 4 đang rộ lên tệ nạn ma túy nên hàng xóm có người bảo "chắc nó hút hàng trắng", có người lại nói "bà nội nó chết, không có cơm ăn nên ốm nhom". Rất may là hai chị em tôi được bà nội và cha mẹ nuôi dạy kỹ càng nên tuy mồ côi sớm mà hiểu chuyện.

Nghe những lời cay nghiệt ấy, tôi chỉ biết mỉm cười. Chị em tôi dắt díu nuôi nhau lớn. Tôi trải qua một tuổi thơ rất buồn với nhiều cung bậc cảm xúc nên điều đó ảnh hưởng khá nhiều tới hành trình sau này".

Nhưng cũng vì hoàn cảnh như vậy nên hai chị em Vương Bảo Tuấn rất thương yêu nhau. Ngay cả khi chị gái lấy chồng, chính anh rể là người đưa đón Vương Bảo Tuấn đi học.

Trở thành ca sĩ nhờ mê tiếng hát Bảo Yến

Vương Bảo Tuấn mê tiếng hát Bảo Yến từ năm 10 tuổi. Anh kể: "Tôi mặc cảm mình là con nhà nghèo lại thiếu vắng tình yêu thương của cha mẹ nên gần như không dám chơi với ai. 

Niềm vui, niềm hạnh phúc duy nhất của tôi khi đó là tiếng hát của danh ca Bảo Yến. Sáng nào tôi cũng nghe. Đêm nào tôi cũng nghe.

Đàm Vĩnh Hưng hát một đêm cát xê 80.000 còn tôi 120.000 đồng

Vì không chơi với ai nên có những hôm đi học về, tôi cứ ôm cặp táp đi theo những chiếc xe kẹo kéo chỉ để nghe chị Bảo Yến hát "Em hát đi dù mây hạ về".

Tiền ăn sáng bà nội cho hàng ngày, tôi không ăn mà để dành mua băng cassette của chị Bảo Yến. Thời đó, băng cassette giá 12.000 đồng. Mỗi ngày đi học, bà nội cho mấy trăm đồng. 

Ngày nào bà nội cũng hỏi "cháu ăn sáng chưa". Bụng thì đói meo nhưng lúc nào tôi cũng bảo "cháu ăn rồi", còn tiền để dành dưới đít cặp để khi nào đủ thì mua băng cassette của chị Bảo Yến về nghe.

Cứ như thế, đến giờ tôi có một gia tài khổng lồ, không dưới 100 băng cassette với hơn 1000 bài của chị Bảo Yến".

Cũng theo lời kể của Vương Bảo Tuấn, anh và Lâm Khánh Chi (khi đó là Lâm Chí Khanh) học chung trường phổ thông cơ sở Khánh Hội A, quận 4. 

Vương Bảo Tuấn học trên Lâm Khánh Chi 3 lớp, anh được thầy giáo đặt cho biệt danh "chim sơn ca của trường". Cứ thứ hai đầu tuần, sau khi chào cờ xong, Vương Bảo Tuấn lại lên cột cờ hát nhạc Bảo Yến.

Lâm Khánh Chi cũng rất thích tiếng hát Bảo Yến. Hai người cùng sinh hoạt ở nhà văn hóa quận 4. Lâm Khánh Chi rất thích chơi với Vương Bảo Tuấn, thường xuyên rủ anh đi ăn, đi chơi nhưng vì mặc cảm nhà nghèo, mồ côi cha mẹ nên lần nào Vương Bảo Tuấn cũng né tránh.

Nhắc lại chuyện này, Vương Bảo Tuấn nói: "Lâm Khánh Chi là con nhà giàu, đi học được đưa đón bằng xe hơi, cha mẹ lại yêu thương hết mực. Còn Vương Bảo Tuấn thì hoàn cảnh trái ngược nên mặc cảm, tự ti".

Phải mãi tới sau này, khi cả Vương Bảo Tuấn và Lâm Khánh Chi đều đi hát thì hai anh em mới chơi thân với nhau.

 Đàm Vĩnh Hưng hát 1 đêm chỉ có 80.000 đồng còn tôi đi tỉnh được 120.000 đồng - Ảnh 3.
 

Đàm Vĩnh Hưng hát một đêm cát xê 80.000 còn tôi 120.000 đồng

Vương Bảo Tuấn nhận mình không phải là người may mắn cả trong đời và trong nghệ thuật. Nếu Lâm Khánh Chi trở thành ngôi sao ngay sau liveshow đầu tiên, sau một đêm thức dậy thì con đường nghề của Vương Bảo Tuấn cũng rất gian nan.

Học xong phổ thông, vừa bước vào tuổi 18, dù được bầu show lớn như Duy Ngọc, Ba Quới mời hát nhưng vì mặc cảm, thấy mình thua thiệt nhiều thứ nên Vương Bảo Tuấn chọn con đường đi show ở các tỉnh miền Trung.

Anh nhớ lại: "Một lần ca sĩ Quốc Minh được mời ra hát tăng cường cho đoàn tôi đang hát. Gặp tôi, anh Quốc Minh bảo "Em hát hay quá. Hát giống chị Bảo Yến quá. Em mà về Sài Gòn chắc chắn sẽ nổi tiếng". Tôi kể cho anh Quốc Minh nghe chuyện mình mê tiếng hát Bảo Yến như thế nào.

Anh Quốc Minh về Sài Gòn, đem chuyện kể lại cho chị Bảo Yến nghe. Chị Bảo Yến dặn "Em ra đoàn hát đó, kêu thằng bé đó về Sài Gòn gặp chị".

Trong một chuyến về thăm nhà, tôi ghé thăm chị Bảo Yến. Chị dẫn tôi tới gặp bầu show Duy Ngọc gửi gắm nhưng lúc đó, tôi chưa có ý định về Sài Gòn hát. Bởi vì hát ở tỉnh có điều kiện kiếm tiền tốt hơn.

Nếu tôi nhớ không nhầm, thời đó Đàm Vĩnh Hưng hát 1 đêm chỉ có 80.000 đồng còn Vương Bảo Tuấn đi tỉnh thì được tới 120.000 đồng. Lúc đó Đàm Vĩnh Hưng còn chưa nổi tiếng".

Và mãi lâu sau, Vương Bảo Tuấn mới quyết định về Sài Gòn đi hát. Nhưng trước khi về Sài Gòn trong vai trò ca sĩ, Vương Bảo Tuấn từng làm MC cho nhiều chương trình như Sắc màu tình yêu, Ấm mãi trái tim của Đài Tây Ninh, đài Đồng Nai và đặc biệt dẫn chương trình truyền hình trực tiếp trên sóng VTV.

Sau này, Vương Bảo Tuấn còn lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh trong vai trò diễn viên. Anh được biết tới trong các phim "Tình yêu trong sáng", "Lời thề đất mũi"... Và điều đặc biệt là cái cơ duyên ấy hết sức ngẫu nhiên và thú vị.

 Đàm Vĩnh Hưng hát 1 đêm chỉ có 80.000 đồng còn tôi đi tỉnh được 120.000 đồng - Ảnh 4.
 

Kể về cơ duyên bước vào điện ảnh, Vương Bảo Tuấn nói: "Tôi rất rành về nhạc bolero. Sau khi kết thân với chị Bảo Yến, tôi được chị mời làm quản lý. Tôi từng biên tập 5 chương trình CD cho chị.

Một lần, mang đĩa của chị Bảo Yến tới hãng phim Trẻ để bán. Tôi gặp chị Phương. Tình cờ nghe chị Phương nói chuyện đang tìm diễn viên cho phim của anh Trần Cảnh Đôn – ảnh rể chị Phương. Vai này ban đầu nhắm cho Quang Linh. Đó là một vai hài xấu xấu.

Nghe thế, tôi bảo "Chị làm phim sao không mời em đóng"? Chị Phương hỏi "Em đóng được không"? Tôi chưa từng đóng phim bao giờ nhưng cũng làm gan trả lời: "Em đóng được, đóng có duyên nữa".

Vậy là hôm sau, tôi được gặp anh Chu Thiện, đạo diễn của phim. Vừa nhìn thấy tôi, anh Chu Thiện gật đầu đồng ý ngay. Vậy là ký hợp đồng. 

Vai diễn này hơn 100 phân đoạn. Và để phù hợp với nhân dáng của tôi, đạo diễn cho sửa lại kịch bản là nhân vật hài nhưng đẹp trai tên Thức Tỉnh".

Theo Cao Thanh Hương (Soha/Trí Thức Trẻ)