Giải trí

Cục Điện ảnh: "Quỹ hỗ trợ là giải pháp phát triển lâu dài"

Đại diện Cục nói về khó khăn và kế hoạch phát triển điện ảnh nước nhà khi Hãng phim truyện đang đứng trước biến chuyển lớn.

Đại diện Cục nói về khó khăn và kế hoạch phát triển điện ảnh nước nhà khi Hãng phim truyện đang đứng trước biến chuyển lớn.

Nhiều năm qua, điện ảnh nhà nước rơi vào tình trạng khó khăn. Các tác phẩm của đơn vị nòng cốt là Hãng Phim truyện Việt Nam thường xuyên ế ẩm, như  Sống cùng lịch sử (2014) có kinh phí 21 tỷ đồng nhưng chỉ bán được vài vé. Cả về nghệ thuật, các phim do nhà nước đặt hàng cũng không còn được đánh giá cao như thời Đời cát (1999), Thung lũng hoang vắng (2001)  - là các tác phẩm gây chú ý ở liên hoan quốc tế.

Sau nhiều năm thua lỗ, Hãng Phim truyện Việt Nam tiến hành cổ phần hóa và diễn ra nhiều lùm xùm, bất đồng giữa ban lãnh đạo mới cùng các nghệ sĩ. Trong buổi giao thời, ngoài vấn đề riêng của một đơn vị, dư luận đặt ra câu hỏi về hướng đi lâu dài của điện ảnh Việt, cũng như vai trò điều phối của cơ quan Nhà nước mà đại diện là Cục Điện ảnh.

Một trong những điều được các nghệ sĩ quan tâm là việc thành lập quỹ điện ảnh - mô hình phổ biến trên thế giới nhưng Việt Nam chưa có. Khi đưa vào hoạt động, quỹ này có nhiệm vụ hỗ trợ việc thực hiện các tác phẩm có giá trị cao, các phim thể nghiệm nghệ thuật, sáng tác kịch bản, cũng như các hoạt động điện ảnh khác.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam băn khoăn: "Các nghệ sĩ mong mỏi thành lập quỹ từ lâu lắm rồi. Lúc mới nhận chức Cục trưởng, bà Ngô Phương Lan rất quan tâm đến việc triển khai thủ tục để quỹ hoạt động, nhưng đến nay đã gần hết nhiệm kỳ mà vẫn chưa đạt mong muốn. Những người đứng đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhiều lần lên tiếng ủng hộ quỹ, gần chục năm nay Cục Điện ảnh cũng cố gắng xin ý kiến phê duyệt mà không hiểu sao vẫn chưa có kết quả. Các nghệ sĩ chẳng biết tắc ở khâu nào mà lâu và khó triển khai thế?".

Ông Đỗ Duy Anh - Cục phó Cục Điện ảnh - khẳng định quỹ điện ảnh là giải pháp lâu dài cho điện ảnh Việt Nam. Trên thực tế, việc thành lập quỹ được đưa ra trong luật Điện ảnh ban hành từ năm 2007, nhưng suốt 10 năm qua chưa thể thực hiện.

Theo Cục phó, khâu tiến hành còn vướng mắc hành lang pháp lý. Ông cho biết: "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hai lần có tờ trình đề án thành lập quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh lên Chính phủ vào các năm 2010, 2012 nhưng chưa được ký bởi chưa xác định được nguồn thu. Đề án dự định trích một tỷ lệ % bán vé xem phim chuyển vào quỹ. Điều này phù hợp với xu thế chung của thế giới mà Việt Nam có thể tham khảo và vận dụng cho phù hợp. Tuy nhiên, chưa có văn bản pháp quy nào cho phép việc trích tỷ lệ".

cuc-dien-anh-quy-ho-tro-la-giai-phap-phat-trien-lau-dai

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát.

"Hướng giải quyết là phải sửa đổi luật điện ảnh, luật ngân sách. Đến năm 2018-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch xây dựng đề án sửa đổi luật", ông nói.

Bà Hồng Ngát bày tỏ: "Giá quỹ hoạt động từ mười năm trước thì chắc chắn đã thúc đẩy được nhiều sáng tạo mới của các nghệ sĩ trẻ hơn. Dù sao thì muộn cũng còn hơn không. Mong các cấp ngành tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính hay thủ tục nào khác để quỹ phát triển điện ảnh sớm trở thành hiện thực".

Một vấn đề cũng gây chú ý là nguồn vốn Nhà nước cấp cho ngành điện ảnh để đặt hàng sản xuất phim. Bà Lý Phương Dung - Trưởng phòng Nghệ thuật Cục Điện ảnh - nói: "Đây là chuyện không đơn giản. Từ năm 2015 đến quý ba năm 2017, ngân sách cấp cho ngành điện ảnh chỉ mới được bố trí sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Kinh phí này cũng chỉ được cấp để làm phim thực hiện nhiệm vụ chính trị".

Theo ông Đỗ Duy Anh, một mô hình được Cục Điện ảnh khuyến khích là kết hợp nhà nước và tư nhân. Cục phó nói: "Năm 2015, phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ đi theo hướng này và thành công cả về chất lượng lẫn doanh thu. Nhà nước đặt hàng phim nhưng hãng tư nhân sản xuất để nâng cao chất lượng nghệ thuật và quảng bá tốt hơn".

"Đây là xu hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường và định hướng phát triển. Tuy nhiên, mô hình hợp tác cũng có khó khăn nhất định bởi nguồn vốn xã hội hóa từ cơ sở sản xuất phim tư nhân không phải lúc nào cũng có được", bà Phương Dung chia sẻ.

cuc-dien-anh-quy-ho-tro-la-giai-phap-phat-trien-lau-dai-1

"Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là ví dụ thành công cho mô hình kết hợp Nhà nước và tư nhân

Trước ý kiến cho rằng có những kịch bản do Cục Điện ảnh ấn định cho Hãng Phim truyện Việt Nam, dẫn đến việc ra đời những bộ phim cứng nhắc, ế khách, bà Phương Dung nêu kịch bản do các cơ sở sản xuất phim (trong đó có Hãng Phim truyện Việt Nam) tự lựa chọn và gửi Cục Điện ảnh. Cục sẽ gửi kịch bản đến các thành viên trong Hội đồng Trung ương thẩm định kịch bản phim truyện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xin ý kiến nhận xét. Thành viên của Hội đồng gồm các nhà biên kịch, nhà quản lý, đạo diễn có chuyên môn, có những người đã được nhà nước phong tặng danh hiệu, giải thưởng. Hội đồng sẽ thẩm định chất lượng kịch bản và trả lời cơ sở trình kịch bản.

"Đạo diễn và các thành phần sáng tác bộ phim là do cơ sở sản xuất tự lựa chọn và quyết định. Cơ quan quản lý nhà nước không thể 'bắt' cơ sở sản xuất phải làm một bộ phim khi mà họ không muốn. Không ai có thể 'bắt' nghệ sĩ làm phim, làm đạo diễn khi mà người nghệ sĩ không hứng thú. Tôi nghĩ từ chối là quyền của nghệ sĩ nếu họ không thích một kịch bản nào đó. Một bộ phim hay có thể là do cá nhân, tập thể người nghệ sĩ làm hay. Vậy một bộ phim không hay thì không thể chỉ đổ lỗi cho cơ chế", bà Phương Dung nói.

cuc-dien-anh-quy-ho-tro-la-giai-phap-phat-trien-lau-dai-2

Ông Đỗ Duy Anh bày tỏ: "Chúng tôi luôn đứng về phía nghệ sĩ. Nếu họ làm phim tốt, chúng tôi cũng thấy tự hào khi đưa phim đi dự các liên hoan quốc tế.

Thừa nhận kịch bản làm phim gần đây chưa hay, ông Đỗ Duy Anh vẫn cho rằng chuyện một phim phải giữ vai trò tuyên truyền là bình thường, ngay cả phim Âu Mỹ cũng gửi đi thông điệp về quốc gia, con người họ. "Phim do Nhà nước đặt hàng phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, nhưng không nên quá cứng nhắc, khẩu hiệu. Thời trước, điện ảnh Việt Nam có nhiều kịch bản tốt, từ đó làm ra những bộ phim chất lượng như Cánh đồng hoang hay Bao giờ cho đến tháng Mười", ông Duy Anh nói.

Các phim Nhà nước đặt hàng dù không hút khách ở phòng vé nhưng vẫn có vai trò trong văn hóa nghe nhìn, nhất là với khán giả ở tỉnh. Theo Cục Điện ảnh, ở nông thôn, các vùng đồng bào dân tộc, miền núi, khán giả rất thích xem phim Việt Nam. Hàng năm các hệ thống chiếu phim lưu động phục vụ cho khoảng 10-11 triệu khán giả. Trong số các phim được trình chiếu, phim Nhà nước đặt hàng chiếm đa số.

Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật. Trong quá khứ, đơn vị có nhiều phim gây tiếng vang như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội, Bao giờ cho đến tháng Mười... Tuy nhiên, 20 năm gần đây nhiều dự án của hãng liên tục thua lỗ.

Năm 2016, hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, tổng công ty vận tải thủy Vivaso hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình trạng chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới. Ngày 13/10, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn công bố quyết định thanh tra Hãng Phim truyện Việt Nam, yêu cầu báo cáo kết quả trước ngày 1/12.

Theo Ân Nguyễn (VnExpress.net)