Giải trí

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa: Giải bài toán ngăn ngừa xung đột

Ngày 19/9, tại Hà Nội, UBND TP Hà Nội phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội”.

Hội thảo có 31 tham luận của các vị nguyên lãnh đạo, lãnh đạo và các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Cùng với những giá trị, tiềm năng, các di sản cũng đang đối diện với tình trạng xuống cấp, bị xâm phạm. Việc thực thi pháp luật về di sản chưa được coi trọng dẫn đến việc vi phạm di tích, vi phạm luật đã tạo nên làn sóng dư luận không tốt. 

Theo báo cáo của Sở VHTT Hà Nội, tuy việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn Thủ đô đã đạt được những kết quả khả quan, nhưng vẫn có trên 50% di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích; chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử văn hóa.

Trong khi đó Quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ lâu. Hà Nội đã cố gắng tối đa trong việc huy động các nguồn lực cho việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng được. Hiện có 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 507 di tích xuống cấp nặng, 901 di tích xuống cấp trung bình. Đặc biệt, có tới 166 di tích bị xâm phạm. 

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa: Giải bài toán ngăn ngừa xung đột
Hoàng thành Thăng Long.

GS.TSKH Lưu Trần Tiêu cho rằng ở nước ta sự “xung đột” giữa bảo tồn và phát triển là việc không phải là hiếm. Việc khai quật ở Hoàng thành Thăng Long, Đàn Xã Tắc, giải quyết nút giao thông trên đường Văn Cao, Đào Tấn… cho thấy vẫn có những giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế.

Để chủ động ngừa trước sự “xung đột” có thể xảy ra, trong quá trình chuẩn bị và triển khai xây dựng các đồ án quy hoạch các ngành có liên quan như xây dựng, giao thông vận tải, điện lực… cần phải chủ động phối hợp với ngành văn hóa nghiên cứu sự phân bổ của các loại các loại hình di tích trong khu vực lập quy hoạch. 

Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Văn Bài- Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng: Việc bảo tồn văn hóa đang đặt ra yêu cầu phải đổi mới quan điểm và phương pháp tiếp cận cũng như cách thức ứng xử. Theo quan điểm hiện đại về bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, ta không thể duy trì các bộ phận cấu trúc dưới dạng “đông cứng” không phát triển và thiếu sức sống. Di sản văn hóa được coi là “Cây cầu vững chắc” nối quá khứ  - hiện tại - tương lai.

Tuy nhiên, cuộc sống sôi động trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, người ta chỉ chú trọng tới lợi ích thiển cận trước mắt mà quên đi quá khứ và bỏ qua như cầu của thế hệ tương lai. Đó là một lý do làm cho cấu trúc đô thị truyền thống của Hà Nội bị biến đổi khá nhiều, co hẹp lại và một số bộ phận có nguy cơ bị xóa sổ. Nên nhớ, kinh tế và vật chất chỉ có khả năng duy trì phần sinh học - thể xác, còn văn hóa và di sản văn hóa lại có sứ mệnh cao cả là dung dưỡng và nâng cao tinh thần - phần tâm hồn cho cả nhân loại… 

“Tôi nghĩ, chính quyền thành phố nên thiết lập một danh mục các di sản văn hóa tiêu biểu với tư cách là những biểu tượng văn hóa của Thăng Long - Hà Nội để có cơ chế đặc thù cho việc bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị làm mô hình tham khảo cho các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hà Nội cần thay đổi nhận thức và tư duy mang tính đột phá trong phương thức bảo tồn một đô thị di sản như Thủ đô Hà Nội. Vấn đề đó chỉ có thể được xử lý thỏa đáng trong quy hoạch tổng thể phát triển đô thị và kiến trúc. Quy hoạch đó thể hiện tầm nhìn của chúng ta về bảo tồn và phát triển”- PGS Đặng Văn Bài góp ý.  

*Hà Nội có nhiều cố gắng huy động các nguồn lực cho việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di tích, nhưng so với yêu cầu vẫn chưa đáp ứng. Hiện có 220 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 507 di tích xuống cấp nặng, 901 di tích xuống cấp trung bình. Đặc biệt, có tới 166 di tích bị xâm phạm. 

   Hoàng Minh (Daidoanket.vn)