Gia đình

Vì sao đàn ông không muốn giao “tay hòm chìa khóa” cho vợ?

Việc phụ nữ giữ “tay hòm chìa khóa” là một truyền thống của người Việt nhưng câu chuyện đó dường như đã trở thành dĩ vãng trong xã hội hiện nay, khi mà ngày càng nhiều ông chồng tìm cách thủ thế, có quỹ riêng, thậm chí tệ hại hơn là mặc kệ vợ với gánh nặng chi tiêu gia đình…

Việc phụ nữ giữ “tay hòm chìa khóa” là một truyền thống của người Việt nhưng câu chuyện đó dường như đã trở thành dĩ vãng trong xã hội hiện nay, khi mà ngày càng nhiều ông chồng tìm cách thủ thế, có quỹ riêng, thậm chí tệ hại hơn là mặc kệ vợ với gánh nặng chi tiêu gia đình…

Có một thực tế hiện nay là, nhiều bà vợ kêu ca phàn nàn về việc thiếu trách nhiệm tài chính của chồng. Ngược lại, không ít đàn ông lại cảm thấy khó thở vì bị vợ quản thúc tài chính, giữ sạch tiền lương của mình.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tình trạng các bà vợ kêu ca phàn nàn về việc thiếu trách nhiệm tài chính của người chồng, chúng tôi đã làm một vệt bài cách đây không lâu. Hiện tượng chồng không chịu đưa tiền chi tiêu gia đình, nuôi dạy con cái cho vợ đã khiến cho nhiều bà vợ rơi vào cảnh khó khăn, bế tắc khi một lúc phải gánh cả hai vai, một vai nội trợ và một vai trụ cột chi tiêu trong nhà. Hiện tượng một số bà vợ quản thúc quá chặt tiền lương của chồng khiến cho người chồng phải khóc dở mếu dở mỗi khi ra đường lại phải ngửa tay xin vợ tiền. Đây là hai hiện tượng trái ngược nhau nhưng đều có xu hướng tiêu cực khiến cho các cặp vợ chồng không tìm thấy tiếng nói chung trong hôn nhân. Tình yêu, hạnh phúc gia đình vì thế mà ngày trở nên mai một.

Ở những gia đình mà người chồng thường mặc kệ cho vợ tự lo chi tiêu, gánh nặng về tài chính không chỉ làm khổ người phụ nữ mà nó còn làm cho gia đình đó trở nên chông chênh, con cái không được đảm bảo phát triển tốt cả về sức khỏe lẫn tinh thần. Còn đối với những gia đình mà người vợ “giữ tay hòm chìa khóa”, tức là người chồng làm được bao nhiêu tiền vợ giữ hết thì nỗi khổ thường chỉ rơi vào một mình ông chồng, còn vợ con và gia đình đó đều ổn. Cách đây không lâu, bà Lê Thu Hiền, nguyên Giám đốc Trung Tâm tư vấn Người bạn Tri Kỷ đúc rút một kinh nghiệm trong hôn nhân rằng: “Gia đình nào người vợ làm chủ thì gia đình đó ổn. Ngược lại, gia đình nào mà “chồng bắt nạt” vợ thì gia đình đó chông chênh”. Điều bà Hiền nói thực tế rất đúng với xã hội hiện đại ngày nay, khi mà các khuôn mẫu truyền thống trong gia đình bị xem nhẹ.

Trên thế giới cũng có một câu nói nổi tiếng có nội dung rằng: Một người vợ hạnh phúc giáo dục con tốt hơn việc đọc một trăm cuốn sách nuôi dạy trẻ. Thực tế đã cho thấy, rất rõ điều đó. Những gia đình nào mà người vợ hạnh phúc, con cái thường sẽ vui vẻ hạnh phúc và phát triển tốt hơn cả về mặt thể chất, nhân cách và trí tuệ. Nguyên nhân là bởi, dù xã hội hiện đại tới đâu thì người mẹ vẫn là người tác động đến đứa con nhiều nhất vì họ chính là người dành thời gian cho con chứ không phải người chồng. Bởi vậy trong hai hiện tượng tiêu cực về tài chính được nêu ở trên thì hiện tượng các ông chồng vô trách nhiệm tài chính có sự tác động tiêu cực lớn hơn hiện tượng họ bị vợ giám sát tiền lương.

Sự hiểu lầm giữa “quỹ riêng” và “quỹ chung”

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến cho một số ông chồng hiện nay không muốn đóng góp tài chính cho vợ là bởi họ bị hiểu sai giữa quyền có “quỹ riêng” đồng nghĩa với việc không có trách nhiệm với gia đình, con cái. Họ thấy luật pháp ở các nước tiên tiến không cho phép vợ giữ tiền của chồng nên nghĩ rằng lâu nay mình bị vợ “bóc lột” thông qua cái gọi là văn hóa người vợ “giữ tay hòm chìa khóa”… Đó là lý do dẫn đến việc một số người làm luật đề nghị đưa vấn đề xử phạt vi phạm hành chính vào Dự thảo luật phòng, chống bạo lực gia đình đối với hiện tượng người chồng hoặc người vợ bị bạn đời kiểm soát tài chính. Nội dung được hiểu cụ thể là: Nếu người vợ kiểm soát tiền lương của chồng có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo dự thảo hành vi bạo hành về kinh tế sẽ bị phạt tiền 500.000 - 2.000.000 đồng, bao gồm: Không cho thành viên gia đình sử dụng tài sản chung vào mục đích chính đáng, kiểm soát chặt chẽ nguồn tài chính của thành viên gia đình hoặc nguồn tài chính chung nhằm tạo sự phụ thuộc về tài chính, buộc đóng góp tài chính vượt quá khả năng của họ... dự thảo đến lần thứ 3 Bộ Công an vẫn đưa vấn đề này vào, nhưng do phản ứng của dư luận và không khả thi nên cuối cùng điều luật này bị bãi bỏ.

Theo GS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Gia đình&giới cho rằng, sở dĩ có sự đề xuất đó là bởi có sự hiểu lầm trong suy nghĩ của các ông chồng hiện đại. Họ hiểu lầm rằng, mình đang bị vợ “bóc lột” tiền lương khi “giữ tay hòm chìa khóa” gia đình.

Theo GS Lê Thị Quý, thực chất của việc phụ nữ giữ “tay hòm chìa khóa” là một truyền thống tốt đẹp của người Việt nhưng hiện nay vấn đề này đang được đưa ra để xem xét lại. Lý do là bởi lối sống của phụ nữ hiện nay đã có nhiều thay đổi. Đức tính hy sinh hết cho chồng con không được giữ nguyên vẹn. Nhiều chị em có tư tưởng sống cho mình, yêu bản thân chứ không “hy sinh hết cho chồng con” như phụ nữ xưa. Chính vì lẽ đó nên người chồng vì thế cũng không có ý định muốn “giao tay hòm chìa khóa” bởi lo sợ người vợ có thể chi dùng cho bản thân quá đà. Khi người vợ đòi giữ hết tiền lương của chồng thì người chồng cảm thấy họ như đang bị “bóc lột”. Chính suy nghĩ đó đã khiến cho nhiều đàn ông hiện nay thủ thế, có quỹ riêng, thậm chí tệ hại hơn là mặc kệ vợ với gánh nặng chi tiêu gia đình, không làm tròn trách nhiệm của người đàn ông là trụ cột kinh tế trong gia đình. Thực tế, người chồng thủ thế riêng theo cách phủi gánh nặng kiếm tiền để lo trang trải chi tiêu cho gia đình là một thực tế đáng báo động, bởi điều đó sẽ gây hại cho chính gia đình của anh ta.

Nguyên nhân của việc các ông chồng hiện nay đang có sự hiểu biết khá lệch lạc giữa “quyền” và nghĩa vụ. Họ bị nhầm lẫn giữa quyền bình đẳng, tức là được phép có “quỹ riêng” với việc không cần thực hiện trách nhiệm tài chính trong việc trang trải mọi chi tiêu trong gia đình và nuôi dạy con cái. Các ông chồng nghĩ lâu nay họ bị phụ nữ “bóc lột” bởi nhiều nước trên thế giới trong đó có Hàn Quốc, luật pháp không cho phép người vợ giữ tiền của chồng và ngược lại. Họ quy định như vậy là để tránh tình trạng bị người bạn đời bị bóc lột kinh tế. Tuy nhiên các ông chồng không hiểu một điều rằng, bên cạnh quy định đó thì ở những nước tiến bộ như vậy, họ cũng quy định rất rõ trách nhiệm tài chính gia đình cũng như trách nhiệm làm cha làm mẹ. Khi người chồng không đóng góp tài chính, nếu bị vợ kiện thì họ sẽ bị xử phạt. Việc xử phạt nhằm mục đích ràng buộc trách nhiệm của người chồng cũng như người vợ trong gia đình.

GS Lê Thị Quý

Theo Ngân Khánh (Giadinh.net.vn)