Gia đình

Vì sao bệnh nhân Mỹ ho ra máu đông hình cây phế quản?

Hình ảnh cục máu đông có bề ngang dài tới 15cm và hình thù giống hệt "cây phế quản" bên phải của bệnh nhân người Mỹ đã lan truyền như bão sau khi xuất hiện lần đầu trên tạp chí y khoa uy tín.

Theo Đài ABC (Úc), hình ảnh kỳ lạ của cục máu đông xuất hiện lần đầu ngày 4-12 trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine đã được chia sẻ rộng rãi bởi đặc điểm vừa kỳ lạ, vừa gây kinh ngạc của nó với người xem. 

Cùng với hình ảnh đó là những phản ứng khác nhau của dư luận. Rất nhiều người đã không tin điều này, báo Boston Globe nhấn mạnh.

Trước hết phải nói thêm về tiền sử bệnh của bệnh nhân 36 tuổi người Mỹ (không nêu tên) đã ho ra cục máu đông có hình thù kỳ lạ này. 

Vì sao bệnh nhân Mỹ ho ra máu đông hình cây phế quản?

Hình ảnh cục máu đông có hình thù kỳ lạ đang gây bão trên mạng - Ảnh: NEW ENGLAND JOURNAL OF MEDICINE

Anh này bị bệnh tim đã nhiều năm, lượng máu bơm qua tim luôn chỉ bằng 1/3 so với nhu cầu cơ thể do bị hẹp động mạch vành. Gần đây, anh phải nhập viện do biến chứng cấp của căn bệnh tim.

Tại bệnh viện, anh đã phải được hỗ trợ thở oxy và dùng các thuốc giúp làm loãng máu nhằm giúp mạch máu được lưu thông và phòng ngừa nghẽn mạch máu.

Tuy nhiên, bất kể những biện pháp chăm sóc tích cực, rốt cuộc máu vẫn chui vào vùng phổi của anh. Sau nhiều ngày ho ra những cục máu nhỏ hơn, người bệnh đã thổ ra cục máu có hình dáng như "cây phế quản" theo ngôn ngữ y học.

Các chuyên gia y khoa nêu giả thuyết sở dĩ cục máu đông có thể giữ hình dạng nguyên vẹn của nhánh phế quản bên phải (là nơi cục máu đông bị tích tụ lại) là vì mức độ tập trung cao hơn bình thường của một loại thành phần protein trong huyết tương do tình trạng nhiễm trùng của người bệnh.

Theo giả thuyết của các chuyên gia y khoa, rất có thể chính vì nồng độ quá cao của loại protein đó đã khiến máu trong các đường dẫn khí của nhánh phế quản trở nên tăng độ kết dính, đàn hồi một cách bất thường.

Tuy nhiên, theo tạp chí The Atlantic, ngay chính các bác sĩ điều trị cho người bệnh 36 tuổi cũng không chắc chắn về nguyên nhân vì sao cục máu đông có thể thổ ra ngoài theo cơn ho của người bệnh mà không bị vỡ như bình thường.

Ông Georg Wieselthaler, bác sĩ phẫu thuật phổi tại Bệnh viện California tại San Francisco, cũng là người điều trị cho người bệnh 36 tuổi, cho biết ban đầu anh được nhập viện tại khoa chăm sóc tích cực do biến chứng cấp giai đoạn cuối của bệnh tim.

Tiếp nhận xử lý trường hợp này, bác sĩ Wieselthaler đã mau chóng nối máy trợ tim, bơm thêm máu cho cơ thể người bệnh. Tuy nhiên, loại thiết bị hỗ trợ tâm thất cũng có những nguy cơ riêng có thể tạo ra những cục máu đông bên trong.

Trong trường hợp bệnh nhân của ông Wieselthaler, rốt cuộc máu đã xâm nhập vào phế quản của người bệnh, đi vào phần dưới phổi phải và tiến thẳng tới cây phế quản.

Theo đó, sau nhiều ngày ho ra các cục máu đông nhỏ hơn, người bệnh của ông Wieselthaler có những cơn ho dài hơn, nặng hơn và rốt cuộc thổ ra cục máu lớn có hình thù cây phế quản.

Sau khi ông Wieselthaler và nhóm cộng sự cẩn thận gỡ cục máu đông này ra, trải rộng trên mặt phẳng, họ nhận thấy cấu trúc của các đường dẫn khí (airway) đã được giữ nguyên trạng, hoàn hảo tới mức họ có thể xác định ngay d9ó là cây phế quản bên phải khi chỉ cần dựa vào số nhánh cũng như cách sắp xếp của cách nhánh đó.

The New England Journal of Medicine (NEJM) là tạp chí y khoa ra hàng tuần do Hiệp hội y khoa Massachusetts xuất bản.

Theo báo New York Times, NEJM là một trong những tạp chí y khoa danh giá nhất và cũng là tạp chí được xuất bản liên tục lâu đời nhất trên thế giới (đã hơn 200 năm kể từ số đầu tiên ra tháng 1-1812).

Tại Việt Nam, tháng 6-2018 Trường ĐH Y dược TP.HCM đã quyết định khen thưởng cho TS. BS Vương Thị Ngọc Lan, phó chủ nhiệm bộ môn phụ sản của khoa y, tác giả chính bài báo khoa học có tên "IVF transfer of Fresh or Frozen embryos in women without polycystic Ovaries" đăng ngày 11-1 trên tạp chí y khoa The New England Journal. Với số tiền thưởng kỷ lục 289.624.000 đồng, giải thưởng cho TS. BS Vương Thị Ngọc Lan cũng là mức thưởng cao nhất cho tới nay tại Việt Nam với một bài báo công bố quốc tế của một trường ĐH ở Việt Nam.

Theo D.Kim Thoa (Tuổi Trẻ)