Gia đình

Tưởng cưới được chồng ga lăng hóa vớ phải 'chúa chổm'

Sau đêm tân hôn, Hằng bật dậy như lò xo khi chồng nói sẽ bán ba cây vàng hồi môn của vợ để trả bớt khoản anh vay.

"Tuần trăng mật biến thành nỗi thất vọng cùng cực với tôi. Sau cưới, với đứa con đang mang trong bụng, tôi gánh thêm cả số nợ từ trên trời rơi xuống của chồng và mang cảm giác như bị lừa", cô gái 27 tuổi bộc bạch.

Hằng và chồng yêu nhau 8 tháng trước khi cưới. Trong thời gian đó, cô lễ tân một công ty truyền thông tại Đống Đa, Hà Nội rất hãnh diện về chàng người yêu cao ráo, lịch thiệp, thường xuyên quan tâm, mua đồ cho bạn gái.

Sau khi cưới, Hằng mới phát hiện chồng đang nợ ngân hàng 400 triệu, mỗi tháng phải trả cả gốc lẫn lãi 6 triệu. Lương anh 10 triệu mỗi tháng nên sau khi trả nợ thì giữ lại tiêu vặt, không còn xu nào đưa vợ. Hằng gặng hỏi số nợ này từ đâu thì chồng cô nói rằng do trước đây anh thua lỗ chơi chứng khoán cộng với khoản sắm xe ga và chuẩn bị tiệc cưới hoành tráng. 

"Tôi vô cùng hụt hẫng bởi luôn nghĩ sau cưới hai vợ chồng sẽ phấn đấu tự mua căn nhà riêng. Nhưng với tình cảnh này thì đó chỉ là giấc mơ. Vừa cưới mà nhìn thấy chồng tôi đã thấy ngao ngán", Hằng thổ lộ. 

Tưởng cưới được chồng ga lăng hóa vớ phải 'chúa chổm'
Ảnh minh họa: US News Money.

Cũng rơi vào cảnh cưới xong mới biết mình phải gánh nợ, Minh Tuyết (Gia Lâm, Hà Nội) còn xây xẩm mặt mày khi nghe tin này không phải từ chính chồng. 

Tuyết kể, chồng cô là con trai út trong gia đình 3 anh em trai, bố mẹ đều làm nông. Hồi về quê chồng ở ngoại thành Hà Nội ra mắt, cô đứng nhìn trân trân trước chiếc cổng đồ sộ của nhà anh. Ngôi nhà 3 tầng cũng có tới 7 phòng dù chỉ hai ông bà và gia đình người anh cả đang ở đó. 

Cô mát mặt mỗi lần đi ăn uống với bạn bè thì người yêu luôn giành phần trả tiền. Khi cô đi tìm việc, anh còn hỏi han liệu cô có thích vào cơ quan nhà nước, anh sẵn sàng chi tiền và nhờ mối quan hệ để xin cho. Đã thi đỗ vào một tập đoàn lớn nên cô từ chối nhưng trong lòng cũng cảm kích. Bố mẹ Tuyết khá quý chàng rể tương lai khi lần nào về thăm nhà anh cũng có quà đầy đủ cho người lớn trẻ nhỏ. 

Sau cưới hai tháng, ngày về quê ăn giỗ, Tuyết ù tai khi nghe bố chồng thông báo, ngôi nhà này xây năm ngoái hết 800 triệu, anh cả đóng 400 triệu, còn lại hai cặp góp 200 triệu vì ai cũng có phần trong đó. Việc này cả nhà đều thống nhất từ trước, Tuyết mới về chưa biết nên ông nói lại. Hiện tại, số tiền này đang đi vay ngân hàng nên nếu vợ chồng Tuyết chưa có tiền đóng luôn thì hằng tháng phải đưa tiền trả lãi. 

"Mình ngồi đơ như khúc gỗ. Hai đứa vừa đi làm vài năm, đang phải thuê nhà ở Hà Nội, đào đâu ra ngần ấy tiền. Vấn đề lớn hơn nữa là sao chồng không hé răng", Tuyết thở dài. 

Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, Viện tâm lý và giáo dục pháp luật (TP HCM), khi yêu, nhiều cô gái trẻ chỉ nhìn vẻ bề ngoài, cảm thấy được chiều chuộng và yên tâm khi bạn trai tiêu xài phóng khoáng, hay tặng quà cho mình và gia đình. Họ quên tìm hiểu những điều cốt lõi hơn về giá trị sống, quan điểm với tiền bạc, cách tiêu dùng, tiết kiệm... của người đàn ông. Và khi kết hôn, phải đối mặt hằng ngày với bài toán cơm áo gạo tiền thì nhiều đôi mới nảy sinh mâu thuẫn bởi anh chồng có thói quen dùng tiền để thể hiện ra bên ngoài chứ ít có trách nhiệm với vợ con. Tệ hơn, vì thói quen thích thể hiện này, anh ta có thể rơi vào nợ nần và cố che giấu thời yêu.

Bà Minh Hoa cho rằng, để hiểu rõ thói quen chi tiêu, khả năng tài chính thực sự của một người đàn ông, các bạn gái cần có thời gian tìm hiểu đủ lâu, đồng thời hãy trò chuyện thẳng thắn, quan sát lối sống hằng ngày của người yêu. Hãy xem cách họ đối xử với người xung quanh, từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tới người phục vụ trong quán..., chứ không chỉ nhìn cách anh ta quan tâm tới mình. Đừng ngại đưa ra các vấn đề, tình huống giả định để "kiểm tra" chàng. Hãy phân biệt rõ giữa việc anh ta dùng tiền để thể hiện bản thân với sự chu đáo, quan tâm thật sự tới bạn.  

Theo nhà tâm lý, tiền bạc có ảnh hưởng rất lớn tới hạnh phúc hôn nhân. Vì thế, nếu xác định mối quan hệ nghiêm túc, cần thẳng thắn với nhau về chuyện thu nhập, quan điểm chi tiêu, định hướng cho tương lai. 

Đa số các trường hợp lấy nhau về mới vỡ lở chuyện nợ nần do cả hai chưa thẳng thắn trao đổi hoặc một bên cố tình giấu giếm. Nhiều cô gái thời nay vẫn còn ngại ngần khi bàn về vấn đề kinh tế với bạn trai và sợ bị đánh giá là thực dụng. Tuy nhiên, cũng có khi, vì việc vay nợ liên quan đến những tính xấu, nhược điểm của mình hay gia đình như cá độ, cờ bạc, tiêu xài hoang phí... nên người trong cuộc tìm cách che đậy. 

Theo Bảo Ngọc (VnExpress.net)