Gia đình

Thót tim chữa bệnh bằng lửa

Những ngày gần đây, nhiều người thót tim khi xem video, hình ảnh chữa bệnh bằng lửa trên mạng xã hội. Theo quảng cáo từ các cơ sở làm đẹp, phương pháp này chữa bách bệnh.

Thực hư ra sao?

Đắp khăn, đổ cồn, châm lửa, ấn vuốt...

Trên nhiều trang mạng, một số người tự xưng là bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề không ngại chia sẻ những hình ảnh, video chữa bệnh bằng lửa, kèm theo đó là vô vàn công dụng được liệt kê trên mỗi video.

Sợ nhất mới đây là video kéo dài gần 7 phút ghi lại toàn bộ quá trình chữa bệnh bằng lửa từ cơ sở làm đẹp V (TP.HCM). Theo quan sát của chúng tôi, video quay người nằm im thin thít được chắn bằng những tấm khăn từ đầu đến nửa thân người là ngọn lửa cháy phừng phực, dai dẳng và lan rộng.

Thót tim chữa bệnh bằng lửa
Quy trình hỏa trị liệu từ một cơ sở làm đẹp - Ảnh: cắt từ video clip

Vài phút sau, một phụ nữ tự cho là kỹ thuật viên lấy thêm một chiếc khăn đắp lên người bệnh. Nhanh chóng, một nam thanh niên xuất hiện và dùng túi nilông quấn vào tay nhằm hạn chế sức nóng của lửa rồi ấn vuốt thật mạnh vào những vị trí trên cơ thể người bệnh.

Đáng chú ý, những người tham gia chữa bệnh trong video lại mặc quần áo bình thường và không gian chữa bệnh được tiến hành trong phòng khá kín.

Cũng trong video, nhiều thắc mắc từ người nhà bệnh nhân đặt ra, kỹ thuật viên trên đáp lại: "Chữa bệnh cách này đương nhiên là phải nóng hơn bình thường rồi...".

Liên hệ với một spa có gói chữa bệnh từ phương pháp hỏa trị liệu (quận Tân Bình, TP.HCM), được biết chi phí mỗi lần đốt có giá dao động từ 200.000 - 250.00 đồng.

Coi chừng "dẫn hỏa thiêu thân"!

Các bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền cảnh báo hỏa trị liệu là một phương pháp dùng sức nóng từ lửa nhằm phòng và chữa bệnh, vì thế tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy bỏng nếu được thực hiện tại các cơ sở chưa được Bộ Y tế cấp phép.

Đồng thời, không phải ai cũng áp dụng được phương pháp hỏa trị liệu để chữa bệnh. Đối với phụ nữ mang thai, bệnh nhân có kim loại trong cơ thể (do quá trình phẫu thuật đặt vào), silicon hay có bệnh lý tim mạch, biến chứng tiểu đường, thậm chí đang trong trạng thái không bình thường như sợ hãi, tức giận hoặc quá mệt, quá đói... tuyệt đối không áp dụng phương pháp hỏa trị liệu chữa bệnh.

"Có nhiều phương pháp làm đẹp nhưng không phải tất cả đều phù hợp với bản thân mỗi người. Đồng thời không phải bất cứ cơ sở nào cũng được thực hiện hợp pháp các kỹ thuật làm đẹp. Vì vậy, trước khi áp dụng phương pháp, kỹ thuật nào lên cơ thể để chữa bệnh, làm đẹp, người dân cần đến cơ sở có uy tín, được cấp phép.

Đừng vì kém hiểu biết mà dẫn hỏa thiêu thân" - TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, nhấn mạnh.

Theo TS.BS Ngọc Lan, hiện mới có Bệnh viện Châm cứu trung ương được Bộ Y tế cho phép triển khai thí điểm phương pháp hỏa trị liệu.

Riêng TP.HCM, Viện Y dược học dân tộc TP có 53 bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng mới được tập huấn từ Bệnh viện Châm cứu trung ương về phương pháp hỏa trị liệu này.

Hiện viện cũng chỉ đang trong giai đoạn thực hiện thí điểm 200 trường hợp, sau đó tổng kết hiệu quả điều trị nộp lên Sở Y tế TP.HCM.

Tuy nhiên, bên ngoài dù chưa được cấp phép cũng có rất nhiều cơ sở làm đẹp tự do quảng cáo cơ sở mình điều trị bách bệnh bằng phương pháp hỏa trị liệu.

Theo quy định của ngành y tế, muốn triển khai một phương pháp mới tại một đơn vị chữa bệnh phải đáp ứng 3 điều kiện: nhân sự được tập huấn, cơ sở vật chất phù hợp với kỹ thuật và được sở y tế cấp phép.

Riêng cơ sở vật chất khi triển khai phương pháp hỏa trị liệu thì cần đảm bảo các điều kiện như phòng phải thoáng khí để giúp bay mùi cồn khi thực hiện thao tác, đồng thời để cung cấp đủ oxy, tránh ngộp cho bệnh nhân và người thực hiện thủ thuật.

Hiểu đúng về hỏa trị liệu

TS.BS Trương Thị Ngọc Lan - viện phó Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - cho biết phương pháp hỏa trị liệu giúp phòng và điều trị các chứng bệnh về thần kinh (đau đầu, mất ngủ, đau lưng, đau vai gáy, đau thần kinh tọa, di chứng tai biến mạch máu não), tiêu hóa (đầy bụng, viêm đại tràng mãn tính, viêm dạ dày), hỗ trợ điều trị béo phì, làm đẹp...

Da là cơ quan có diện tích lớn nhất trên cơ thể con người, hỏa trị liệu được tiến hành trên bề mặt da, từ đó sẽ ngấm vào các bộ phận trong cơ thể. Có thể tăng cường khả năng tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Phương pháp hỏa trị liệu là dùng sức nóng để đả thông kinh mạch làm lưu thông khí huyết, ra mồ hôi.

Vì vậy, trước và sau khi hỏa trị liệu người bệnh còn phải thực hiện một số điều kiện nhằm tăng hiệu quả của đợt trị liệu và hạn chế tối đa các phản ứng không mong muốn:

1. Không được nhịn ăn hoặc ăn quá no khi làm hỏa trị liệu. Tốt nhất là ăn nhẹ, vừa phải trước khi làm hỏa trị liệu. Không được uống rượu, bia, các chất kích thích có alcohol.

2. Trước và sau hỏa trị liệu nên uống nhiều nước ấm, nếu uống nước orezol ấm càng tốt. Sau khi làm xong không được ăn thức ăn lạnh và uống nước lạnh.

3. Sau khi làm hỏa trị liệu xong, người bệnh phải nằm trên giường 45 phút, ở tư thế nằm ngửa đầu và thân thẳng, chân, tay duỗi thẳng theo thân người.

4. Tuyệt đối không được tắm trước 6 tiếng đồng hồ (kể cả tắm nước ấm hoặc nước lạnh) sau khi làm xong hỏa trị liệu.

Theo Xuân Mai (Tuổi Trẻ)