Gia đình

Sự thật về những miếng dán bàn chân giúp hút hết chất độc trong cơ thể

"Độc tố" là một khái niệm khá ước lệ và trừu tượng, chúng ta không thể "hút" một thứ không hiện hữu bằng miếng dán ở bàn chân.

Sự thật về những miếng dán bàn chân giúp hút hết chất độc trong cơ thể

Không có chuyện miếng dán "hút" độc tố trong cơ thể người

Với người Việt Nam, việc sử dụng các giải pháp bảo vệ sức khỏe có nguồn gốc từ thảo dược "bôi, xoa, uống, dán" luôn được ưu tiên vì mặc nhiên những phương pháp này được xem như "ít có hại", rất là "Thuận tự nhiên".

Lướt một vòng trên mạng xã hội Facebook, chúng ta dễ dàng bắt gặp các sản phẩm "miếng hút giải độc" được rao bán tràn lan với công năng kỳ diệu.

Loại miếng dán này được người bán hướng dẫn dán thẳng vào lòng bàn chân rồi yên tâm đi ngủ, sáng mai lột ra thấy đen thui và dịch nhớt bám trên miếng dán chính là "độc tố" được hút ra… Giá cả, xuất xứ của loại này thì miễn bàn luôn.

Thực tế, trong Y học cổ truyền cũng có day, ấn huyệt khá hay nhưng các phương pháp này cũng chỉ dừng ở mức trợ giúp tác động lên hệ thống dây thần kinh dẫn đến các cơ quan, bộ phận tương ứng và giúp cải thiện tình trạng bệnh. Tất nhiên, việc dán miếng dán thần kỳ kia cũng không thể hút được bất cứ thứ gì ra khỏi cơ thể - trừ mồ hôi.

Cách nói "độc tố" trong cơ thể thực ra rất mơ hồ, tạm hiểu "độc tố" chính là tình trạng mệt mỏi, suy kiệt của một số bộ phận nội tạng (thận suy, gan viêm, dạ dày loét…) và phải điều trị bằng các phương pháp cụ thể dù là Đông hay Tây y đi chăng nữa.

"Độc tố" là một khái niệm khá ước lệ và trừu tượng, chúng ta không thể "hút" một thứ không hiện hữu. Cũng cần nói thêm, Y học cổ truyền cũng có loại miếng dán để đắp vào mụn, nhọt nhằm hút cách dịch ra – tuy nhiên về cơ chế khác hoàn toàn với miếng dán thải độc đang được quảng cáo rầm rộ.

Sự thật về những miếng dán bàn chân giúp hút hết chất độc trong cơ thể - 1
(Ảnh minh họa)

Vậy vì sao miếng dán "đổi trắng thay đen"?

Đơn giản đó là phản ứng hóa học của miếng dán khi gặp độ ẩm. Thực tế, chỉ cần nhỏ vài giọt nước vào miếng dán – kết quả miếng dán sẽ chuyển thành màu đen. Thậm chí, miếng dán lột ra để lâu không sử dụng vẫn chuyển màu đen vì nó gặp độ ẩm trong không khí. Chẳng lẽ, các bạn tin rằng không khí có độc?

Xem trên bao bì sản phẩm sẽ thấy thành phần miếng dán được ghi là: giấm gỗ, dextrin, chitosan, tourmaline, bột ngọc trai, silica và axit glycolic.

Thực tế, silica là cát đấy, tourmaline, bột ngọc trai thì chất lượng vô thưởng vô phạt; dextrin và chitosan chính là chất biến thành nhớt nhớt sền sệt khi lột ra do độ ẩm từ mồ hôi.

Riêng axit glycolic là loại axit mạnh có độ hòa tan cao thường xuất hiện trong các sản phẩm tẩy da chết với liều lượng nghiêm ngặt. Đây là chất cực kỳ độc hại nếu quá liều lượng, đặc biệt là đối với da người.

Do đó, một số bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp dùng dán miếng này bị lột luôn miếng da chân, nhẹ hơn thì bỏng, phồng rộp, dị ứng… hậu quả đau đớn vô cùng và rất khó khăn trong điều trị.

Chính vì sự tranh cãi trong tác dụng và nguy hiểm trong lạm dụng, Bộ Y tế chưa hề cấp phép cho bất kỳ sản phẩm miếng dán giải độc nào. Đồng nghĩa với việc, bất kỳ ai cũng không nên dùng hàng trôi nổi và không rõ nguồn gốc cho dù nó được quảng cáo là hàng "xách tay"… hãy cẩn trọng khi sử dụng nó cho chính mình và người thân.

Theo Nguyễn Khánh (Soha/Trí Thức Trẻ)