Gia đình

Rùng mình, bác sĩ thả 400 con giòi vào chân để ăn thịt chữa bệnh

Bàn chân người đàn ông 46 tuổi bị mục ruỗng dần sau khi bị côn trùng cắn, buộc bác sĩ phải thả giòi vào để làm lành vết thương.

Matthew Blurton, 46 tuổi làm nghề thiết kế, không may bị côn trùng cắn vào mu bàn chân phải khi đi tình nguyện ở Gambia, Châu Phi vào tháng 12/2017. Ngay sau đó, Matthew bị sốt cao gần 40 độ C kèm theo vết phồng rộp ở chân.

Tình trạng bệnh diễn tiến ngày càng nặng khiến toàn bộ chân phải của anh sưng to, dần thối rữa sâu vào xương không thể cứu vãn, không thể đi lại.

Rùng mình, bác sĩ thả 400 con giòi vào chân để ăn thịt chữa bệnh
Từ vết cắn ở mu bàn chân, vết loét dần nhiễm trùng, hoại tử lan sâu trên chân Matthew 

Khi đến bệnh viện tại Gambia, bác sĩ chẩn đoán Matthew bị nhiễm trùng huyết và viêm mô tế bào. Họ nói anh là người may mắn khi vẫn còn sống sót. Sau 10 ngày điều trị kháng sinh liều cao, tình trạng của Matthew vẫn không mấy cải thiện, sau đó anh cùng bạn gái quyết định trở về Anh để điều trị.

Dù giữ được mạng sống nhưng việc điều trị vết thương không hề dễ dàng. Sau khi cân nhắc nhiều phương án, bác sĩ quyết định cấy hơn 400 con giòi (dòi) vào vết thương ở chân của Matthew. Đây là những con giòi đã được nuôi cấy đặc biệt, có nhiệm vụ "ăn" các phần thịt thối rữa ở vết thương.

“Tôi cảm nhận chúng đang bò lúc nhúc dưới chân mình. Có một chút ngứa và nhột. Tôi có thể cảm thấy chúng đang ăn xung quanh tĩnh mạch chân của mình, đôi khi như chạm xuống tận xương", Matthew kể lại.

Do số giòi hoạt động quá năng suất, sau 2 ngày, các y tá đã phải gắp bỏ đi 1/2 số lượng. Quá trình gắp giòi khỏi vết thương khiến Matthew rất đau đớn vì một số con đã ăn vào phần thịt lành lặn. Thậm chí, y tá buộc phải để lại chừng 20 con do chúng ăn quá sâu, không thể lôi ra. 

Rùng mình, bác sĩ thả 400 con giòi vào chân để ăn thịt chữa bệnh - 1
Bàn chân của Matthew trước (trái) và sau khi được thả giòi "ăn" thịt thối 

Sau quá trình trị liệu, toàn bộ phần thịt thối rữa ở chân Matthew đã được “ăn” sạch, để lại khoảng trống ở mu bàn chân dài 15cm, sâu hơn 2cm. Bác sĩ đặt tạm tấm màng nhân tạo lên vết hở trước khi phẫu thuật ghép da.

Sử dụng vi sinh vật trong y khoa là một liệu pháp không mới, trong y văn đã có rất nhiều trường hợp sử dụng đỉa và muỗi để điều trị vết thương. Tuy nhiên, dùng giòi ít phổ biến hơn, nhất là từ khi kháng sinh ra đời. Do đó, rất nhiều y tá đã tò mò đến xem liệu pháp này.

Việc dùng giòi để “ăn” thịt thối lần đầu được biết đến trong cuộc nội chiến tại Mỹ vào thế kỷ 19. Các bác sĩ nhận thấy, thả giòi sẽ giúp vết thương ít nhiễm trùng và mau lành hơn, nguy cơ tử vong thấp hơn.

Gần đây, khi cuộc chiến kháng kháng sinh ngày càng nghiêm trọng, việc dùng giòi bắt đầu xuất hiện trở lại.

Thực tế, giòi không trực tiếp ăn mô tổn thương mà tiết ra nước bọt chứa enzyme phá vỡ vi khuẩn và các tế bào chết. Những enzyme này cũng làm tăng hệ thống miễn dịch của cơ thể, giúp tiêu diệt vi khuẩn.

Từ năm 2004, cơ quan FDA của Hoa Kỳ đã phê chuẩn, cho phép dùng giòi như một phương pháp điều trị đối với các vết thương mãn tính hoặc khó lành. Tại Anh, cơ quan y tế quốc gia cũng đã đồng ý liệu pháp này.

Thông thường, những con giòi dùng trong y tế sẽ được nhân giống đặc biệt trong phòng thí nghiệm để đảm bảo vô khuẩn, tránh làm nhiễm trùng nặng thêm vết thương. Sau khi thả giòi vào vết thương, bác sĩ sẽ dùng gạc băng lại và giòi thường được gắp rau sau 2-4 ngày hoặc lâu hơn, tùy tình trạng vết thương.

Theo Minh Anh (VietNamNet)