Gia đình

Nổi tiếng ăn chơi, thiếu gia phố cổ ứng xử tệ bạc ngày ra tòa ly hôn vợ

'Nhìn anh Huy mặc đồ hiệu, đi xe sang, tôi không nghĩ anh có thể đối xử với vợ con như vậy', vị cựu thẩm phán nhớ lại vụ ly hôn của nàng dâu phố cổ.

Ông Nguyễn Ngọc Liên (SN 1948 - Hà Nội) - cựu thẩm phán tòa án cho rằng, phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng được bảo vệ.

'Mỗi cuộc hôn nhân tan vỡ, dù thế nào, phụ nữ cũng thiệt thòi hơn. Nếu như người chồng có thể nhanh chóng đi tìm đối tượng mới thì phụ nữ thường đắm đuối vì con, khó mở lòng với ai', ông Liên nói.

Trên cương vị thẩm phán nhiều năm, thụ lý hàng nghìn vụ án ly hôn, ông Liên chứng kiến không ít cảnh người vợ bị đẩy ra khỏi nhà chồng giàu có với hai bàn tay trắng.

Nổi tiếng ăn chơi, thiếu gia phố cổ ứng xử tệ bạc ngày ra tòa ly hôn vợ
Cựu thẩm phán tòa án Nguyễn Ngọc Liên

Như vụ án ly hôn của vợ chồng anh Nguyễn Tiến Huy ở khu phố cổ (Hà Nội) ông từng thụ lý. Gia đình anh kinh doanh vàng bạc, bố mẹ sở hữu nhiều cửa tiệm lớn.

Thời sinh viên, Huy quen biết Chinh (Nam Định) - cô bạn cùng khóa. Gia cảnh nhà Chinh nghèo, bố mẹ đều làm ruộng.

Xuất thân nông thôn, hoàn cảnh không khá giả nên Chinh chịu khó học hành, tự kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí ở đất thủ đô. Tính cách cô cũng có phần giản đơn, không đua đòi như bạn bè cùng phòng kí túc.

Khi biết con trai yêu Chinh, mẹ anh kịch liệt phản đối. Nhưng bất chấp sự ngăn cản của mẹ, anh Huy quyết tâm lấy Chinh. Trong mắt anh lúc đó, Chinh là mẫu phụ nữ tốt, phù hợp làm vợ.

Vượt qua sóng gió, hai người hạnh phúc tổ chức đám cưới. Chinh trúng tuyển vào ngân hàng làm việc, Huy trở thành cán bộ nhà nước.

Cuộc sống làm dâu của Chinh với mẹ chồng khó tính không hề dễ dàng. Vốn có ác cảm với cô ngay từ đầu, bà thường xuyên gây sự, mâu thuẫn với con dâu.

Ban đầu, Huy còn bênh vực vợ nhưng sau này anh cho rằng, vợ cư xử hỗn láo mới khiến mẹ phải phản ứng bất mãn như vậy.

Anh vốn là con nhà giàu, nổi tiếng ăn chơi đất Hà Nội. Trong khi Chinh hiền lành, chân chất. Nếu chồng rủ cô tụ tập, ăn nhậu cô sẽ khước từ, chọn ở nhà với con. Ra ngoài, nhìn vợ bạn nhan sắc ngời ngời, váy áo lộng lẫy, Huy càng ngày càng cảm thấy chán ghét cô vợ quê mùa ở nhà.

Hình mẫu phụ nữ lý tưởng anh thấy ở Chinh thuở nào giờ trở nên cục mịch, xấu xí. Huy chê vợ không khéo giao tiếp, mỗi lần ngoại giao, cần sự xuất hiện của vợ, anh cảm thấy xấu hổ vì cô không biết ăn mặc, nhan sắc mờ nhạt…

Anh yêu cầu vợ đi học trang điểm, nhảy đầm, học uống rượu… để tháp tùng chồng đến các bữa tiệc sang trọng. Thậm chí người chồng này còn 'ép' vợ lên quán bar, sàn nhảy đến 2, 3 giờ sáng, hòa vào các thú vui của mình. Tuy nhiên, Chinh đến được nửa tiếng là bỏ về vì không thể chịu nổi tiếng nhạc xập xình đó.

Anh Huy cho rằng vợ làm mất thể diện của mình nên không tiếc lời nhiếc móc cô.

Sống cảnh bị mẹ chồng đè nén, chồng dày vò, một lần bị anh xúc phạm, Chinh đã phản ứng lại và bị chồng đánh đập thậm tệ.

Con gái 22 tháng tuổi, Huy đòi ly hôn. Chồng bạc tình là vậy nhưng ngày ra tòa hòa giải Chinh vẫn tha thiết xin chồng cho cơ hội hàn gắn, cùng nuôi dạy con cái. Dẫu vậy, anh chồng vẫn giữ nguyên ý định.

Về tài sản, hai vợ chồng ở nhà bố mẹ chồng nên không có tài sản chung. Tuy nhiên, khi xây lại nhà, Chinh có đóng góp khoản tiền 200 triệu, Huy tuyên bố sẽ hoàn trả lại cho vợ một nửa, do cô cũng ở đây vài năm, việc đóng góp xây dựng là đương nhiên.

Trước thái độ của Huy, Chinh khẳng định không cần lấy lại số tiền đó mà chỉ cần quyền nuôi con.

Giọng chậm rãi, ông Liên cho biết, 'Người chồng cũng nằng nặc đòi quyền nuôi con vì vợ anh không có nhà cửa. Mẹ chồng Chinh còn đến gặp riêng tôi, đề nghị đưa ra một khoản cảm ơn nếu tôi xử cho con trai bà nuôi cháu. Thế nhưng, tôi từ chối, mời bà ra về.


Quan điểm của tôi là xử theo đúng trình tự pháp luật. Bố mẹ ly hôn, cháu bé dưới 36 tháng tuổi cần có sự chăm sóc của người mẹ. Mẹ cháu dù không có nhà riêng nhưng vẫn có công ăn việc làm ổn định, đủ điều kiện kinh tế nuôi con'.

Vẫn theo lời vị thẩm phán, bên cạnh vấn đề kinh tế, ông cũng đánh giá về vấn đề tâm sinh lý khi phân định quyền nuôi con trong án ly hôn. 'Cháu bé là con gái, sau này nhiều giai đoạn phát triển, phụ nữ thường đủ tinh tế để trò chuyện, dạy dỗ con hơn nam giới. Vì vậy thường con gái tôi giao cho mẹ, con trai giao cho bố nuôi dưỡng', ông Liên chia sẻ.

Cuối cùng, tòa án quyết định cho Chinh nuôi con, Huy có trách nhiệm cấp dưỡng hàng tháng đến năm cháu đủ 18 tuổi. Người đàn ông này lấy lý do lương thấp, phụ thuộc kinh tế bố mẹ nên chỉ cấp dưỡng cho con 1 triệu đồng/ tháng.

'Nhìn anh Huy mặc đồ hiệu, đi xe sang, tôi không nghĩ anh có thể đối xử với vợ con như vậy', ông Liên nói tiếp.

Ngày nhận quyết định ly hôn, mẹ Huy cũng có mặt. Nhìn cảnh Chinh đến tòa với dáng vẻ mệt mỏi, đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, ông Liên đã gọi mẹ Huy lại trò chuyện sau buổi trao quyết định.

Bằng lời lẽ chân thành và sự hiểu biết của mình, ông khuyên mẹ Huy, nếu điều kiện vật chất dư dả, nhiều nhà cửa, bà nên cho mẹ con Chinh một căn nhà hoặc số tiền đủ mua căn nhà nhỏ. Dẫu sao, cháu bà cũng cần một cuộc sống mới ổn định.

'Tôi không nói cho con dâu mà nói cho cháu để đánh vào tâm lý của bà mẹ chồng.

Sau này gặp Chinh ngoài đường, cô kể, ly hôn tròn 5 tháng, mẹ chồng tự sang tên cho mẹ con Chinh một căn hộ tập thể rộng 20 m2. Hành động của bà mẹ chồng dù muộn nhưng ít ra cũng an ủi phần nào cho cô con dâu đáng thương', ông thở dài nói.

Theo Huy Hùng - Minh Anh (VietNamNet)