Gia đình

Người đàn ông bị liên cầu khuẩn từ lợn xâm nhập qua vết xước trên tay

6 ngày sau khi giết mổ lợn, người đàn ông 60 tuổi ở Nam Định bị sốt do nhiễm liên cầu khuẩn, nổi ban hoại tử trên da, suy thận.

Điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng máu, suy thận do nhiễm liên cầu khuẩn. Ông không ăn tiết canh nhưng tay có nhiều vết xước.

Người nhà cho biết, bệnh nhân làm xây dựng bị dị ứng xi măng nên ngứa gãi gây vết xước ở tay. Cách đây 10 ngày, ông giúp mổ lợn cho nhà hàng xóm. Sáu ngày sau ông bắt đầu sốt, nổi ban hoại tử trên da, được bệnh viện tuyến dưới chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai rồi sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Người đàn ông bị liên cầu khuẩn từ lợn xâm nhập qua vết xước trên tay
Hiện tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng. Ảnh: P.T.

Bác sĩ đang nỗ lực điều trị nội khoa hy vọng phục hồi thận cho bệnh nhân song tình trạng suy thận không cải thiện. Bệnh nhân cần được lọc máu, tuy nhiên chi phí điều trị sẽ rất lớn trong khi không có bảo hiểm y tế.

Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận 9 bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn, trong đó có 5 người nhiễm trùng huyết. Trong số này, một trường hợp quá nặng nên người nhà xin về.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, phần lớn bệnh nhân nhập viện có tiền sử nghiện rượu, phủ tạng đã bị ảnh hưởng khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn. Bệnh nhân tử vong do nhiễm độc tố vi khuẩn gây sốc. Có bệnh nhân chỉ ba ngày ốm đã bị sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng, tùy vào cơ địa. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể tái phát.

Năm 2017 cả nước ghi nhận 171 ca mắc bệnh liên cầu lợn, trong đó 14 người tử vong. Bệnh lây từ lợn sang người gồm ba thể: nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu cư trú trong đường hô hấp, đường tiêu hóa... của lợn. Vì thế để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt lợn sống với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến. Không ăn lợn bệnh, thịt sống, tiết canh, nội tạng chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy, nên có các phương tiện phòng hộ.

Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến ba ngày. Khi người bệnh sốt cao (40-41 độ C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong.

Theo Phương Trang (VnExpress.net)