Gia đình

Ly hôn, ai mới là người tổn thương nhiều nhất?

Bố mẹ tôi ly hôn năm tôi đang học tiểu học. Những năm đầu sau ly hôn, tôi vẫn đạp xe qua nhà ông bà nội chơi mỗi khi đi học về. Vài năm sau đó, mẹ tôi cấm tiệt việc tôi còn vương vấn với nhà nội. Tôi không liên hệ với ông bà nội và bố kể từ ngày ấy.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cô bé học sinh tiểu học ngày nào giờ đã vào lớp 10. Nhờ những trải nghiệm và va chạm từ bé, tôi bắt đầu có những suy nghĩ và nhận định riêng về hoàn cảnh gia đình mình, mối quan hệ của bố mẹ giờ đã khác nhưng rõ ràng mối quan hệ giữa tôi và bố thì mãi mãi vẫn là như vậy. Ông ấy là bố đẻ tôi và sự thực không thể thay đổi dù có thế nào đi chăng nữa.

Thỉnh thoảng, tôi giấu mẹ ra thăm ông bà và hỏi tin tức về bố. Nhưng mỗi lần phát hiện ra, mẹ tôi đều phản ứng rất tiêu cực.

Tôi đã tìm cách trấn an và thuyết phục bà rằng: "Mẹ là người sinh ra con, nuôi con khôn lớn, công ơn của mẹ con sẽ không bao giờ quên nhưng ông ấy là bố đẻ con, dù có là tội phạm, nghiện hút hay trộm cướp gì thì điều đó cũng không thể thay đổi".

Nhưng, tất cả những luận điểm tôi đưa ra, mẹ tôi đều gạt phăng đi và cho rằng tôi láo. Rằng số mẹ khổ nên nuôi ong tay áo! Biết sớm tôi thế này, mẹ đã không sinh tôi ra để bà phải chịu nhiều tổn thương đến thế.

Ly hôn, ai mới là người tổn thương nhiều nhất?


 Chẳng biết phải làm sao để bà có thể hiểu và thông cảm cho mình, có những khi uất quá, tôi chỉ biết gửi tâm sự vào những trang nhật ký. Tôi biết, bố đẻ tôi đối với bà quá vô tình vô nghĩa. Ông bỏ vợ và đứa con thơ vào nam lập nghiệp rồi lập gia đình với 1 người đàn bà khác. Suốt những năm tháng tuổi thanh xuân, mẹ tôi chỉ dành để đợi ông trở về. Tôi biết, mẹ đã đau khổ đến nhường nào, cô đơn đến nhường nào để rồi ôm nỗi uất hận suốt nửa đời còn lại.

Nhưng, tôi là phận con, lại đứng ở giữa. Nỗi đau của mẹ, tôi hiểu hơn ai hết. Tôi thương bà vô cùng vô tận. Nhưng quá khứ đã qua rồi, tôi chẳng còn lý do gì để mà phải ôm mãi trong lòng mối hận thù, chán ghét của người đời. Tôi thực sự mỏi mệt với việc phải thù hằn một ai đó. Chưa kể đến ông ấy là bố mình. Bỏ qua tất cả là những gì mà tôi đã chọn nhưng, mẹ tôi thì không như vậy.

Đã có lần tôi và bà to tiếng với nhau khi bà cho rằng tôi chẳng khác gì bố mình, đều là những kẻ vô ơn bạc nghĩa. Tôi đã uất ức mà hét lên rằng:

"Sao mẹ ích kỷ vậy? Mẹ luôn muốn người khác phải hiểu cho nỗi khổ của mẹ, phải đứng về phía mẹ. Còn con thì sao? Mẹ có hiểu con không? Tại sao mẹ cứ dằn vặt con mãi thế? Con đã có lỗi gì với mẹ? Mẹ nói rằng giá như mẹ đã bóp chết con ngay từ khi mới lọt lòng. Vậy mẹ có biết rằng con cũng đã ước mình chưa từng được sinh ra không?".

Suốt cả tháng sau đó, tôi và bà chẳng nói câu nào với nhau. Có thể ai đó sẽ cho rằng tôi láo. Nhưng chỉ là họ chưa hiểu hết tất cả những gì tôi đã trải qua trong tuổi thơ của mình. Một tuổi thơ khốn khó và thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Cảm xúc của tôi luôn phải lệ thuộc vào tâm trạng của mẹ. Mẹ vui thì tôi mừng mà mẹ căng thẳng thì tôi sợ sệt!

Người ta thường dễ dàng bỏ qua những suy nghĩ của một đứa trẻ vì nghĩ rằng nó chỉ là những lời nói ngu ngơ, ngốc nghếch nhưng lại không biết rằng những lời nói đó xuất phát từ trái tim của nó. Trẻ con vốn dĩ không biết nói dối!

Tôi thực sự bị tổn thương bởi chính bố mẹ mình. Họ hóa ra chỉ xem tôi như một thứ vũ khí để triệt hạ nhau, tấn công nhau mà không hề để ý tới cảm xúc của tôi.

Từ những nỗi đau trong quá khứ, tôi đã tự hứa với lòng mình. Sau này, dù lập gia đình, sinh con đẻ cái và vì một sự đáng tiếc nào đó mà vợ chồng phải chia tay, tôi cũng không bao giờ nói xấu chồng cũ trước mặt các con dù chỉ một tiếng. Hãy để hình ảnh của bố chúng trong trẻo như chúng vốn hình dung. Ấy là tốt cho chúng.

Thay vì thù hận bố, ghét bỏ bố thì luôn kính trọng, yêu thương và tự hào về bố mình chẳng phải là sẽ tốt hơn cho chúng sao? Có mấy ai sẽ cảm thấy vui vẻ khi còn bận mang trong mình những nỗi oán thán?

Và thêm nữa, tôi cũng rất mong, nếu gia đình nào đó mà không may rơi vào tình cảnh của gia đình tôi trước kia, bố mẹ hãy biết vì con mà bỏ qua những đau khổ đã gieo rắc cho nhau. Đừng cấm đoán chúng không được gặp gỡ hoặc bố hoặc mẹ. Làm thế, tức là ta đã đẩy chúng vào tình thế khó xử. Khiến chúng bị ràng buộc vào mớ dây rợ rối ren của tình cảm mà chúng vốn là những kẻ vô tội!

Theo Lê Thanh Ngân (Nguoiduatin.vn)