Gia đình

Hơn 50 nghìn người ở Việt Nam có thể nhiễm HIV mà chưa biết

Theo Bộ Y tế, ước tính Việt Nam hiện có khoảng 250 nghìn người nhiễm HIV còn sống, trong đó có khoảng hơn 50 nghìn người có thể nhiễm HIV mà chưa biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Họ có thể sẽ "vô tình" là nguồn lây nhiễm HIV cho cộng đồng.

Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm phát động trong cả nước Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 từ ngày 10/11 đến ngày 10/12/2018.

Năm 2018, Bộ Y tế lựa chọn Chủ đề Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS là "Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020!". 

Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã phát động mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình. 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus. 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác) ở cấp độ toàn cầu để tiến tới kết thúc dịc AIDS vào năm 2030.

Hơn 50 nghìn người ở Việt Nam có thể nhiễm HIV mà chưa biết
Cán bộ y tế tư vấn cho người dân về lợi ích của tham gia xét nghiệm HIV tự nguyện. Ảnh minh họa: Thúy Duy

Mặc dù các mục tiêu này đã được Việt Nam cam kết thực hiện từ 2014, tuy nhiên các mục tiêu: 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình và 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus hiện đạt được còn thấp, trong khi thời gian còn lại để thực hiện mục tiêu không nhiều.

Nhiều khó khăn, thách thức đang tồn tại: Dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát vì vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt là ở khu vực miền núi, vùng sâu, trong khi tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại; việc lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là trong nhóm MSM trẻ tuổi; sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp; sự thay đổi về tổ chức và sự cắt giảm các nguồn lực viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Hơn 50 nghìn người ở Việt Nam có thể nhiễm HIV mà chưa biết - 1
Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Nam tổ chức các hoạt động tuyên truyền lưu động. Ảnh: T.C

Trong Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2018 sẽ có các sự kiện như:

- Sự kiện K = K (Không phát hiện = Không lây truyền): Sáng 28/11/2018 tại Hà Nội.

- Cuộc thi truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho các câu lạc bộ và mạng lưới cộng đồng: Tối 28/11/2018 tại TPHCM.

- Giải băng đỏ lần thứ 4: Tối 30/11/2018 tại TPHCM, để ghi nhận, tôn vinh những người sống với HIV, tuân thủ điều trị, có cuộc sống khỏe mạnh và đóng góp hữu ích cho xã hội.

- Mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS: Sáng 1/12/2018 tại Công viên Văn Lang, quận 5, TPHCM.

- Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone: dự kiến trong tháng 11/2018 tại Hà Nội.

Theo Khánh Linh (Phunuvietnam