Gia đình

Hết vắcxin Quinvaxem, nhiều trẻ em bị gián đoạn lịch tiêm ngừa

Từ đầu tháng 9 các cơ sở y tế đã hết sạch vắcxin Quinvaxem 5 trong 1 do chờ hàng thay thế từ Ấn Độ.

Những ngày qua nhiều phụ huynh ở TP HCM, Hà Nội... đưa con đến trạm y tế phường, xã để tiêm vắcxin 5 trong 1 Quinvaxem (phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, viêm gan B, Hib) đều nhận được thông báo đã hết. Hàng trăm nghìn em bé tuổi 2-3-4 tháng bị gián đoạn lịch tiêm chủng.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết dù nỗ lực điều phối giữa các tuyến nhưng số vắcxin Quinvaxem tại thành phố chỉ đủ sử dụng trong tháng 8. Từ tháng 9, các trạm y tế, cơ sở tiêm chủng mở rộng không có vắcxin này để sử dụng. Hiện mỗi năm thành phố cần khoảng hơn 200.000 liều vắcxin Quinvaxem để chích ngừa cho trẻ.

Đại diện Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, giải thích vắcxin Quinvaxem 5 trong 1 lâu nay sử dụng ở Việt Nam được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Loại vắcxin này được Hàn Quốc thông báo ngừng sản xuất  từ năm 2016 và ngừng cung ứng trên toàn cầu từ năm 2018. Bộ Y tế đã có kế hoạch đổi sang vắcxin ComBE Five của Ấn Độ, tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh. 

Ngày 8/6, Việt Nam đã nhập 3 lô vắcxin ComBE Five để kiểm định trước khi đưa vào sử dụng, tuy nhiên kết quả chất lượng chưa như mong muốn. Bộ Y tế yêu cầu nhà sản xuất tiếp tục cung cấp lô vắcxin mới để kiểm định. Ngày 10/9, kết quả kiểm định lô vắcxin mới này đạt yêu cầu. Sự chậm trễ này khiến vắcxin Quinvaxem hết sạch trên thị trường đến nay. 

Ngày 11/9, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tiến hành thủ tục mua sắm để đưa vắcxin ComBE Five vào chương trình tiêm chủng. 

Hết vắcxin Quinvaxem, nhiều trẻ em bị gián đoạn lịch tiêm ngừa
Văcxin Quinvaxem được tiêm miễn phí cho trẻ trong chương trình Tiêm chủng mở rộng. Ảnh: H.H.

Trong thời gian chờ vắcxin ComBE Five, Bộ Y tế và Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM khuyến cáo phụ huynh có trẻ nhỏ 2, 3, 4 tháng tuổi thực hiện theo các hướng dẫn:

- Vẫn đưa trẻ ra trạm y tế để được uống vắcxin ngừa bệnh bại liệt.

- Tuân thủ theo lịch hẹn tiêm chủng lần sau của trạm y tế.

- Khi cho trẻ đi tiêm chủng cần cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên hệ, đặc biệt là địa chỉ, số điện thoại. Điều này giúp trạm y tế có thể thông báo cho phụ huynh về lịch tiêm bù vắcxin ngay khi có hàng trở lại, đảm bảo trẻ không bị mất mũi tiêm chủng quan trọng.

- Để bảo vệ trẻ không bị lây bệnh khi chưa được tiêm vắcxin, phụ huynh áp dụng biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng nước và xà bông trước khi chăm sóc, tiếp xúc trẻ. Không để trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh truyền nhiễm hoặc có các triệu chứng bệnh hô hấp, sốt chưa rõ nguyên nhân.

- Nếu gia đình có điều kiện thì cho trẻ tiêm vắcxin dịch vụ thay thế vắcxin của chương trình tiêm chủng mở rộng như loại 6 trong 1. Việc hoán đổi này không gây ra nguy hiểm cho em bé.

Vắcxin Quinvaxem được tiêm miễn phí cho trẻ em lúc 2, 3, 4 tháng tuổi trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Theo các chuyên gia, mũi tiêm đầu tiên là lần đầu tạo cho cơ thể kháng thể có khả năng ngừa 5 bệnh. Liều vắcxin thứ 2 và 3 gợi lại “bộ nhớ” của hệ miễn dịch sản xuất thêm kháng thể. Bé không được tiêm đúng như lịch trình, mũi sau cách mũi trước nhiều tháng, về cơ bản không ảnh hưởng tới miễn dịch của trẻ cũng như khả năng bảo vệ của vắcxin. Tuy nhiên nếu trẻ không được tiêm nhắc thì cơ thể sẽ không tạo đủ kháng thể để chống lại 5 bệnh này. Vì vậy phụ huynh nhớ đưa con đi tiêm đủ 3 mũi.

Văcxin Quinvaxem do Hàn Quốc sản xuất và được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam từ tháng 6/2010 theo diện viện trợ. Năm 2013, văcxin Quinvaxem bị tạm dừng sử dụng để đánh giá lại do có 43 em bé bị phản ứng nặng sau tiêm. Kết quả đánh giá độc lập của WHO sau đó cho thấy, trong số các bé bị phản ứng có 27 ca tử vong không liên quan đến tiêm chủng, 9 trường hợp có thể coi là có liên quan đến tiêm văcxin nhưng đều hồi phục. Các ca còn lại không liên quan đến tiêm chủng và chất lượng văcxin. Đến tháng 11/2013, văcxin này được tiếp tục tiêm cho trẻ đến nay. Tháng 12/2016, nhà sản xuất đã ngừng sản xuất Quinvaxem.

Văcxin ComBE Five cũng nằm trong hệ thống cung ứng của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, hiện đã được sử dụng trên 400 triệu liều trên 43 quốc gia và dùng ở Ấn Độ hơn 5 năm qua. Trong đó, 337 triệu liều được cung ứng qua UNICEF trong các năm 2013-2017 để sử dụng trong tiêm chủng mở rộng ở các nước. Loại văcxin này cũng trúng thầu để sử dụng trong tiêm chủng mở rộng tại Ấn Độ.

Theo Lê Phương (VnExpress.net)