Gia đình

Dùng thực dưỡng chữa ung thư: Đừng chết vì thiếu hiểu biết

Trước những tranh cãi về thực dưỡng chữa ung thư, chúng tôi đã được lắng nghe một số bệnh nhân ung thư từng coi phương pháp này là một “cứu cánh”.

Chị Nguyễn Lê Hải (Hà Nội) kể, chị bị ung thư 2 năm, trước đó chị có theo phương pháp thực dưỡng một thời gian, nhưng chỉ thấy người nhẹ nhõm hơn chứ không hề chữa được ung thư.

“Trước khi phát hiện mình bị ung thư, tôi có đi kiểm tra ở bệnh viện tư nhân. Họ kết luận tôi bị u xơ lành có vôi hóa. Lúc đó tôi bận nhiều việc nên chuyển sang ăn thực dưỡng một năm.

Tôi ăn ngũ cốc, các loại rau củ, không ăn thịt động vật và hạn chế tối đa ăn đường. Thời điểm đấy tôi thấy da đẹp, dáng đẹp, tính tình ôn hoà hơn, sau nửa năm ăn thực dưỡng tính tình của tôi điềm đạm, nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

Nhưng một năm sau, khi tôi có thời gian đi kiểm tra để cắt u xơ đó thì bác sĩ kết luận tôi đã ung thư di căn vào gan và xương.

Bản thân tôi ăn thực dưỡng từ khi bác sĩ bảo u xơ mà một năm nó còn phát triển thành ung thư giai đoạn cuối. Với tôi thực dưỡng không chữa được ung thư”, chị Hải chia sẻ.

Từ ngày phát hiện ra mình bị ung thư, chị Hải phải truyền hóa chất và ăn theo đúng chế độ bác sĩ đã căn dặn. Giờ chị không tin vào phương pháp thực dưỡng, chị hóa trị theo bệnh viện và lấy tinh thần để chiến thắng tất cả.

Dùng thực dưỡng chữa ung thư: Đừng chết vì thiếu hiểu biết
Theo các bác sĩ, dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phải đầy đủ các chất, đặc biệt có nhiều rau quả. Không thể ăn thực dưỡng, nhịn ăn. (Ảnh minh họa).

Một bệnh nhân nữa đã từng chữa ung thư theo phương pháp thực dưỡng mà chúng tôi tiếp xúc là chị Phạm Thị Huế (21 tuổi, Quỳnh Phụ, Thái Bình). Chị Huế mắc căn bệnh ung thư gan suốt 5 năm và cô gái này cũng thử áp dụng phương pháp thực dưỡng nhưng được 1 tháng sau đó cô đã phải từ bỏ.

“Trước đây, tôi ăn thực dưỡng theo phương pháp số 7 là gạo lứt, muối mè. Sau đó tôi ăn thêm đỗ đen nấu với bí đỏ, gạo lứt và vừng. Ăn gạo lứt thì không được ăn nhiều cơm, 1 miếng cơm gạo lứt phải nhai 20 lần mới được nuốt.

Họ nói ăn như vậy tế bào ung thư sẽ không phát triển nhưng thực hiện phương pháp này chưa đầy một tháng tôi đã sụt cân, không có sức để điều trị ung thư. Ngay lập tức tôi phải dừng phương pháp này lại, nếu tiếp tục theo, ung thư chưa bị đánh bại mà mình đã khụy vì thiếu chất”, chị Huế tâm sự.

Chia sẻ về chế độ ăn thực dưỡng PGS.TS. Lê Đình Roanh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát hiện sớm ung thư cho hay, điều trị ung thư bằng chế độ ăn thực dưỡng là phản khoa học. Các bệnh nhân ung thư không nên áp dụng chế độ ăn thực dưỡng, bởi việc ăn uống thiếu chất sẽ làm cho cơ thể suy kiệt, đề kháng giảm. Có thể nói rằng, chế độ ăn kiêng, nhịn ăn sẽ dẫn tới tình trạng bệnh nhân chưa chết vì bệnh ung thư thì đã chết vì cơ thể suy kiệt.

TS. Lê Đình Roanh nhấn mạnh, hiện nay, chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu và nói rằng, chế độ ăn thực dưỡng có thể chống lại ung thư, triệt tiêu u xơ.

“Bệnh nhân ung thư nên tuân thủ phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ. Nên ăn thêm chất đạm, kiêng mỡ và hạn chế thịt đỏ. Nếu bệnh nhân mù quáng tin vào chế độ ăn thực dưỡng, bỏ qua lời khuyên của bác sĩ thì sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường”, TS.Roanh nói.

TS. Lê Đình Roanh cũng khuyến cáo, bệnh nhân ung thư và người nhà bệnh nhân không nên tin vào những lời quảng cáo “đường mật” của những kẻ lừa đảo.

“Nhiều người xưng danh là nhà khoa học ở Mỹ về và đưa ra chế độ ăn thực dưỡng rồi nói là tốt, có khả năng chữa ung thư, nhưng trên thực tế là phản khoa học. Dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư phải đầy đủ các chất, đặc biệt có nhiều rau quả. Không thể ăn thực dưỡng, nhịn ăn...”, TS. Đình Roanh chia sẻ.

Nói về trường hợp của bé A., TS. Lê Đình Roanh cho hay: “U nguyên bào thần kinh kết quả điều trị hóa chất, xạ trị rất tốt. Tuy nhiên, nếu em bé vẫn tiếp tục chế độ ăn thực dưỡng thì rất có thể bệnh sẽ tái phát do đề kháng giảm”.

Theo Lê Duyên- Mai Hằng (Nguoiduatin.vn)