Gia đình

Đột quỵ - căn bệnh không giết chết người cũng gây tàn phế

Cứ sáu người khỏe sẽ có một bị đột quỵ trong tương lai, trung bình 10 người bệnh thì hai tử vong, năm người bị tàn phế.

Cứ sáu người khỏe sẽ có một bị đột quỵ trong tương lai, trung bình 10 người bệnh thì hai tử vong, năm người bị tàn phế.

Chia sẻ tại Hội nghị Đột quỵ quốc tế ngày 14/10, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM cho biết cứ sáu người khỏe mạnh sẽ có một người bị đột quỵ trong tương lai. Tại các bệnh viện TP HCM, bệnh nhân đột quỵ gia tăng theo từng năm và số tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ.

Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não. Trung bình cứ 10 người mắc bệnh thì hai người sẽ tử vong, năm người bị tàn phế. Chỉ có ba người có thể trở lại cuộc sống bình thường sau đột quỵ. Đột quỵ là một gánh nặng lớn cho bệnh nhân lẫn gia đình, xã hội.

Tiêm thuốc tiêu sợi huyết điều trị đột quỵ. Ảnh: H.T

Tiêm thuốc tiêu sợi huyết điều trị đột quỵ. Ảnh: H.T

Theo bác sĩ Thắng, ở Việt Nam đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các bệnh lý nói chung. Khi phát hiện người đột quỵ, người xung quanh cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế có khả năng điều trị càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không thực hiện các hành động xử lý không đúng cách như cạo gió, giật tóc, nặn chanh vào miệng... Những việc làm này hoàn toàn không có lợi và chậm thời gian cấp cứu bệnh nhân.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

- Đột ngột yếu, tê hay liệt mặt tay hoặc chân, đặc biệt là ở một bên của cơ thể.

- Không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu ngôn ngữ.

- Đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt.

- Đột ngột nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng.

- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc phối hợp vận động, đặc biệt chóng mặt đi kèm với bất kỳ các triệu chứng trên.

Các bệnh viện có thể điều trị đột quỵ cấp tại TP HCM gồm Bệnh viện Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, Quận Thủ Đức, Nguyễn Tri Phương, Đại học Y dược TP HCM, Thống Nhất, Trưng Vương, Xuyên Á, Chợ Rẫy.

Theo Lê Phương (VnExpress.net)