Gia đình

Đồng nghiệp đạp cửa cứu thanh niên đốt 3kg than sưởi ấm

11h trưa, không thấy anh H. thức dậy, đồng nghiệp đạp cửa xông vào phát hiện anh đã hôn mê, bất tỉnh.

Ths.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Ngô Văn H. (42 tuổi, quê Hải Phòng) được tuyến dưới chuyển lên ngày 20/12 trong tình trạng hôn mê sâu, kích thích.

Theo lời người nhà, từ 22h tối hôm trước, bệnh nhân tự đốt 3kg than củi để sưởi ấm trong phòng kín có diện tích khoảng 12m2. Đến 11h trưa không thấy anh H. dậy, bạn bè mới đạp cửa xông vào, chuyển tới BV đa khoa tỉnh, sau đó chuyển tiếp lên Bạch Mai.

Đồng nghiệp đạp cửa cứu thanh niên đốt 3kg than sưởi ấm
Bệnh nhân H. đã tỉnh, nhưng BS nhận định có nguy cơ bị di chứng thần kinh lâu dài. Ảnh: T.Hạnh

Bệnh nhân được hồi sức tích cực, giải độc, đã tỉnh lại nhưng trí nhớ vẫn lơ mơ, hỏi thời điểm ngày đêm không rõ.

“Dù hồi phục nhưng bệnh nhân có nguy cơ tổn thương não lâu dài, để lại các di chứng về thần kinh, còn mức độ như thế nào thì chưa thể nói trước”, BS Nguyên thông tin.

Theo BS Nguyên, khí CO sinh ra trong quá trình nhiên liệu cháy nhưng thiếu oxy. Khí này không mùi, không màu, không vị nên rất khó phát hiện.

Khi hít phải khí này, CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu, ngăn cản khả năng vận chuyển oxy của máu rất mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động tế bào, đặc biệt là tế bào não, tim, do đó bệnh nhân suy sụp, lịm và tử vong rất nhanh.

Bệnh nhân ban đầu thấy chóng mặt, hoa mắt, yếu, đau ngực, nôn nhưng không tự thoát ra được. Rất nhiều trường hợp tử vong tại chỗ hoặc tử vong trên đường đến bệnh viện.

40% số người bị ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…

BS Nguyên khuyến cáo người dân tuyệt đối không sưởi ấm bằng than, củi trong các căn phòng kín, nhà ống.

Bác sĩ cũng cho biết thêm: Khi có người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả các cửa để không khí tràn vào nhà và đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc, lập tức đưa tới bệnh viện để cấp cứu và điều trị kịp thời.

Người cấp cứu nên gọi hỗ trợ, đề phòng trường hợp bị ảnh hưởng bởi khí độc. Trong quá trình đưa đến cơ sở y tế nếu nạn nhân thở yếu, bất tỉnh thì phải tiến hành hà hơi thổi ngạt (hô hấp nhân tạo).

Theo Thúy Hạnh (VietNamNet)