Gia đình

Dịch sởi quay lại TP HCM, tăng gấp 50 lần cùng kỳ 2018

Khoảng 2 tháng nay số ca sởi TP HCM tăng đột biến, nhiều thai phụ mắc bệnh dẫn đến sinh non, thai lưu.

Một tuần qua, anh Hoài tất bật chăm sóc vợ đang mang bầu lẫn con trai 20 tháng tuổi cùng nhập viện vì bị sởi.

Vợ anh đang mang thai tuần thứ 10. Tuần trước chị bị sốt, cơ thể nổi mẩn, bác sĩ không cho thuốc vì nghi ngờ dị ứng thông thường ở bà bầu. Sau đó chị nổi mẩn nhiều hơn, khám tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới bác sĩ kết luận mắc sởi.

Bé trai đầu lòng 20 tháng tuổi chưa được chích ngừa nên lây bệnh từ mẹ. Hai mẹ con cùng nhập viện điều trị.

"Vợ chồng tôi lu bu công việc, không để ý thời gian chích ngừa nên quên đưa con đi tiêm chủng", anh Hoài chia sẻ.

Dịch sởi quay lại TP HCM, tăng gấp 50 lần cùng kỳ 2018
Thai phụ và con trai cùng mắc bệnh sởi phải nhập viện. Ảnh: Lê Phương.

Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chỉ có 55 giường bệnh nội trú. Khoảng 10 ngày nay số bệnh nhân sởi luôn 60-70 người nên khoa không đủ chỗ cho bệnh nhân nằm.

Bác sĩ Huỳnh Thị Thúy Hoa, Trưởng Khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết từ tháng 11 đến nay số bệnh nhân mắc bệnh sởi điều trị tại khoa tăng nhanh.

Tháng 10/2018 khoa tiếp nhận 76 trường hợp, đến tháng 11 tăng lên 120 bệnh nhân, tháng 12 là 269 ca. Từ đầu năm 2019 đến nay khoa điều trị mỗi ngày khoảng 60-70 bệnh. 

"Ngày 14/1 bệnh viện có 65 bệnh nhân đang điều trị sởi, trong đó có 38 ca trẻ em và 7 thai phụ. Lượng bệnh hiện gấp đôi tháng 12/2018 và gấp hơn 50 lần cùng kỳ", bác sĩ Hoa phân tích. 

Bệnh viện có kế hoạch tăng cường phòng bệnh, tách trẻ em và bệnh nhân người lớn ở hai khu điều trị.

Dịch sởi quay lại TP HCM, tăng gấp 50 lần cùng kỳ 2018 - 1
Bệnh nhân sởi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới ngày 14/1. Ảnh: Lê Phương.

Theo bác sĩ Hoa, thai phụ mắc bệnh có nguy cơ thai chết lưu, sinh non. Tháng 11/2018 Khoa Nội A có một bà bầu mắc sởi bị lưu thai. Tháng 12 có 3 thai phụ sinh non lúc thai 24 tuần, 32 tuần và 34 tuần.

Ở trẻ em, bệnh sởi có thể gây biến chứng viêm phổi nguy hiểm. Trong 38 trẻ đang điều trị tại viện, có 25 bé dưới 6 tuổi. Đa số trẻ mắc bệnh do bố mẹ quên chích ngừa, chưa đủ 9 tháng để chích mũi đầu tiên hoặc chưa chích mũi nhắc lại vào lúc 18 tháng tuổi.

Bác sĩ Hoa nhận định, bệnh sởi có tính chu kỳ khoảng 4-5 năm quay lại một lần do sự cộng dồn tỷ lệ người chưa đủ miễn dịch qua các năm. Trung bình những năm bình thường, khoa tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân. Năm 2014 số tổng số bệnh cả nội và ngoại trú khoảng tăng lên 2.596 ca. Dự kiến năm nay số mắc bệnh sẽ tăng cao.

"Trẻ chích ngừa sởi lúc 9 tháng tuổi chỉ có tỷ lệ đáp ứng miễn dịch khoảng 85-90% nên cần chích nhắc lại mũi thứ 2 lúc 18 tháng tuổi", bác sĩ Hoa nhấn mạnh. Nhiều phụ huynh thường quên chích nhắc lại cho trẻ nên không đảm bảo miễn dịch với bệnh.

Dịch sởi quay lại TP HCM, tăng gấp 50 lần cùng kỳ 2018 - 2
Khoa Nội A quá tải, phải kê thêm giường bệnh ngoài hành lang. Ảnh: Lê Phương.

Bệnh sởi thường rải rác quanh năm, các tháng mưa lạnh có thể tăng cao hơn. Bệnh do siêu vi của đường hô hấp trên nên thường có các triệu chứng ban đầu là sốt, ho, sổ mũi, mắt đỏ, sưng. Khoảng 3-4 ngày sẽ xuất hiện những ban đặc trưng của sởi, thường ở mặt, sau đó tai, ngực, bụng rồi đến tay chân.

Bệnh lây qua đường hô hấp, có thể điều trị cách ly tại nhà hoặc nhập viện theo chỉ định của bác sĩ. Bệnh nhân được bổ sung vitamin A theo toa bác sĩ, cần mang khẩu trang để tránh lây lan, trong tuần đầu phát ban hạn chế đến nơi đông người. Người chăm sóc phải chú ý vệ sinh tay chân, bổ sung vitamin C, dinh dưỡng tăng sức đề kháng.

Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ nên chích ngừa trước khi mang thai. Bà bầu có dấu hiệu bệnh sởi nên đến cơ sở y tế khám, theo dõi dấu hiệu của thai để có hỗ trợ y tế kịp thời.

Theo Lê Phương (VnExpress.net)