Gia đình

Chúc Tết thầy giáo cũ, nam sinh U20 lần đầu uống rượu dẫn đến hôn mê sâu

Nam thanh niên 19 tuổi (Sơn La) trở về quê chúc Tết thầy giáo, uống quá nhiều rượu nên đã hôn mê sâu, phải chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu.

6 giờ sáng ngày mùng 4 Tết Kỷ Hợi (8/2), Trung tâm Chống độc , Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận nam bệnh nhân 19 tuổi được chuyển tuyến từ Bệnh viện Sơn La, trong tình trạng mặt đỏ gay gắt, hôn mê dù đã bù 5 chai dịch ở tuyến trước. Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân đang học cao đẳng. Tết Kỷ Hợi anh này trở về thăm thầy giáo cũ, và có uống rượu.

"Gia đình cho biết đây là lần đầu bệnh nhân uống rượu" - BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết.

Chúc Tết thầy giáo cũ, nam sinh U20 lần đầu uống rượu dẫn đến hôn mê sâu
Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai ngày mùng 4 Tết quá tải vì lượng bệnh nhân tăng vọt. Ảnh: Dương Ngọc

Tuy nhiên, do nam thanh niên lần đầu uống rượu, dù xét nghiệm không có methanol trong máu nhưng vì uống quá nhiều nên đã hôn mê ngay lập tức. Đến chiều mùng 4 Tết, bệnh nhân đã tiến triển tốt hơn.

Tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày cấp cứu điều trị cho 2 – 3 trường hợp ngộ độc liên quan đến rượu, thực phẩm không đảm bảo gây nhiễm khuẩn, ma túy tổng hợp.

Cùng đó, các bác sĩ cũng cấp cứu các ca ngộ độc thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, sốc ma túy và ngộ độc rượu . Đáng tiếc, nhiều bệnh nhân còn trẻ, trong độ tuổi lao động, nhiều trường hợp phải xin về vì tiên lượng tử vong...

Chúc Tết thầy giáo cũ, nam sinh U20 lần đầu uống rượu dẫn đến hôn mê sâu - 1
Các bác sĩ của khoa Cấp cứu đã phải huy động tất cả các cáng, xe đẩy để vận chuyển bệnh nhân. Ảnh: Dương Ngọc

Tại Bệnh viện Bạch Mai, từ 28 tháng Chạp đến 4 Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (tức 8/2), số lượng bệnh nhân cấp cứu và nhập viện tăng nhanh. Tại Bệnh viện lớn nhất cả nước này, mỗi ngày trung bình vẫn duy trì từ 1.200-1.400 bệnh nhân điều trị nội trú. Số bệnh nhân này được Bệnh viện cung cấp suất ăn miễn phí như thông báo trước Tết do lãnh đạo viện đưa ra.

Riêng tại khoa Cấp cứu A9, ngày mùng 4 Tết là cao điểm cấp cứu với hơn 200 bệnh nhân nặng, tăng 30% so với ngày thường (ngày thường khoảng 150 ca), trong đó 50% số ca chuyển tuyến; các ca bệnh chủ yếu do tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan thận cấp.

Các bác sĩ của khoa Cấp cứu đã phải huy động tất cả các cáng, xe đẩy để vận chuyển bệnh nhân. Không ít bệnh nhân bị nặng vẫn phải ngồi xe lăn vì hết cáng đẩy bệnh nhân. Một phần nguyên nhân bệnh nhân nhập viện cấp cứu nhiều là do nắng nóng, nhiệt độ tăng cao trong dịp Tết Kỷ Hợi.

Bộ Y tế cho biết, chỉ riêng ngày mùng 2 Tết, tổng số ca đến cấp cứu do đánh nhau đến khám là 734 trường hợp, số ca nặng phải nhập viện điều trị, theo dõi là 435 trường hợp.

Đáng chú ý, số ca xác định do rượu/bia là 98 trường hợp, có 97 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên, có 1 trường hợp tử vong.

Tính tổng chung trong 5 ngày Tết từ ngày 28 Tết đến mùng 3 Tết đã có gần 3.500 ca khám, cấp cứu do đánh nhau, gần 1.900 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và ít nhất 11 trường hợp tử vong.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, tính đến mùng 4 Tết, Hà Nội có gần 5.200 bệnh nhân đang điều trị. Các cơ sở y tế khám, cấp cứu cho gần 10.000 trường hợp. 20% trong số này là do tai nạn.

Số ca khám do tai nạn giao thông chiếm gần 50% tổng số khám do tai nạn. Hà Nội cũng đón gần 1.200 "heo vàng" trong 6 ngày Tết Kỷ Hợi.

Theo Sở Y tế Hà Nội, trong số 6 ngày nghỉ Tết đầu tiên, số lượng bệnh nhân cao nhất nhập viện khám, cấp cứu nhất là vào ngày 28 Tết, mùng 3 Tết. Số ca tới khám cấp cứu vì tai nạn giao thông cao điểm vào ngày mùng 3 Tết với gần 200 ca, trong khi ngày mùng 1 Tết là 90 ca, bằng 1/2 so với ngày 30 Tết. Số ca tai nạn do sinh hoạt tăng từ 110 ca (ngày mùng 2 Tết) lên 141 ca ngày mùng 3 Tết.

Theo V.Thu (Giadinh.net.vn)