Gia đình

Bí mật khó ngờ đằng sau chuyện mẹ hai con mới dăm lần nấu ăn cho con

Kết hôn đã 6 năm, có 2 đứa con, số lần chị nấu ăn cho con chắc đếm chưa hết một bàn tay. Mẹ chồng chị mỗi lần đến nhà chị chơi, thấy con trai phải vào bếp thì đều tỏ vẻ không vui...

Kết hôn đã 6 năm, có 2 đứa con, số lần chị nấu ăn cho con chắc đếm chưa hết một bàn tay. Mẹ chồng chị mỗi lần đến nhà chị chơi, thấy con trai phải vào bếp thì đều tỏ vẻ không vui...

Sau tai nạn ngày ra mắt ấy, mẹ anh rõ ràng không hài lòng với chị. Nhưng khổ nỗi anh lại thích và sẵn sàng chấp nhận khuyết điểm ấy, chị không vào bếp thì anh vào, lo gì! Mẹ anh không khuyên được con trai nên quyết định cưới xong “tống khứ” vợ chồng anh ra ở riêng luôn. Bà sợ có cô con dâu như chị, hàng ngày sẽ được thưởng thức những món đặc biệt không ở đâu có mất.

Từ sau khi cưới vợ, anh thế vai của vợ trong công việc bếp núc, trở thành người nội trợ chính trong nhà. Chị có tinh thần cầu tiến, nhiều lần hì hụi học nấu ăn để làm một bữa ngon cho chồng, khiến anh phải bấm bụng ăn những món chẳng giống ai của chị. Cuối cùng, sau 1 lần chị bị bỏng mảng lớn ở cánh tay, anh quyết định không cho chị học nấu nướng nữa. Có lẽ chị thiên phú của chị trong lĩnh vực này bằng 0, nếu đã không thể thì không cần cưỡng cầu, anh vào bếp cũng chẳng sao hết.

Bí mật khó ngờ đằng sau chuyện mẹ hai con mới dăm lần nấu ăn cho con - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cuối tuần, anh dù có bận thế nào cũng phải bỏ thời gian ra đi siêu thị với vợ để mua sắm đồ ăn cho cả tuần, bản thân chị đến mua thực phẩm cũng không rành, mà anh thì không muốn cuối ngày về vào chợ chen chúc với các bà các mẹ. Hết giờ làm, anh luôn về nhà ngay không la cà bao giờ, đồng nghiệp có hỏi anh sẽ trung thực mà trả lời: “Về nấu cơm cho vợ!”. Nhiều người tưởng anh đùa, song họ tới nhà anh chơi mới biết đó là sự thật 100%. Hễ anh không có nhà, chị thể nào cũng ăn mì tôm cho qua bữa. Biết vậy nên khi nào vắng nhà anh đều làm các món mặn để sẵn trong tủ lạnh cho chị, chăm vợ chẳng khác gì chăm con.

Sau này khi có con, anh lại tiếp tục sự nghiệp nấu cho cả con ăn. Trình độ nấu nướng của chị, nếu là anh thì còn cố nuốt, chứ các con chẳng ai chịu “thông cảm” cho mẹ chúng, một mực không chịu ăn. Bữa nào đi công tác mấy ngày, anh luôn phải tất bật nấu nấu nướng nướng một buổi, dự trữ sẵn thực phẩm cho mấy mẹ con chị ở nhà. Cũng may, ở phương diện nấu ăn chị kém cỏi, chứ mấy khoản khác chị vẫn bình thường, vì thế cho con ăn, tắm rửa, cho con ngủ…, anh không phải đảm trách. Nếu không anh sợ mình không có lúc nào mà thở mất, công việc đã vốn bận rộn rồi.

Chị sinh bé thứ 2 nửa năm thì anh được thăng chức. Tuy lên làm sếp nhưng vai trò nội trợ trong nhà của anh vẫn không suy chuyển. Cảnh tượng mà các nhân viên trên công ty nhìn thấy, đó là trước giờ tan làm, sếp của họ thường vào mạng tìm hiểu các món ăn ngon và mới lạ về để phục vụ cả nhà. Mấy nữ nhân viên khéo tay trong công ty thi thoảng còn tới tìm anh giao lưu trao đổi, hay có công thức nấu cháo nào mới cho con liền giới thiệu với anh.

Nhiều lần chị khuyên anh nên thuê người giúp việc, nhưng anh đều bảo vẫn làm được thì cứ làm, khi nào không kham nổi thì anh sẽ thuê người. Bởi lẽ, tự tay mình chăm sóc con vẫn hơn là giao phó cho người ngoài, nhất là trong giai đoạn trẻ còn nhỏ, mà tìm được người tận tâm, khéo léo đâu có dễ.

Mẹ chồng chị mỗi lần đến nhà chị chơi, thấy con trai phải vào bếp thì đều tỏ vẻ không vui. Bà không cổ hủ tới nỗi cho rằng đàn ông phải tuyệt đối tránh xa căn bếp, nhưng tới mức làm nội trợ chính trong nhà như anh thì bà vẫn chưa chấp nhận được. Cũng may những mặt khác của chị đều ổn, chị lại biết đối nhân xử thế, hiếu thảo với bố mẹ anh, nên bà cũng chỉ thở dài để đấy mà thôi.

Nhiều khi ngẫm lại, cũng may chị cưới được anh, chứ lấy phải người khác không bao dung và vì vợ con được như anh thì đảm bảo có chuyện lớn rồi. Chị luôn trêu chồng, kiếp sau dù anh có trốn ở chân trời góc bể, chị nhất định phải tìm và cưới anh bằng được, không thể cho cô nàng nào khác hưởng phúc!

Theo Sen Trắng (Trí Thức Trẻ)