Gia đình

Bệnh ung thư xếp thứ 3 ở Việt Nam giết nhiều người thế nào?

Tỉ lệ người dân Việt mắc loại ung thư này xếp thứ 14 trên thế giới, nhiều bệnh nhân tầm 20 tuổi đã mắc.

Tỉ lệ tử vong lên tới 86%

Theo số liệu của WHO 2018, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3 (chiếm 10%), sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong (chiếm 86%). Tỉ lệ tử vong lớn do 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn.

Nếu xét trên 185 quốc gia và vùng lãnh thổ có số liệu khảo sát, ung thư dạ dày của Việt Nam đang xếp vị trí 14, với tỉ lệ 10,2/100.000 dân. Hàn Quốc xếp số 1 với tỉ lệ 23,5/100.000 dân, Nhật Bản ở vị trí số 3, tỉ lệ 16, với tỉ lệ 12,3/100.000 dân, Trung Quốc xếp vị trí thứ 8.

Đáng lưu ý, gần đây tại nhiều cơ sở ung bướu gặp nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày còn rất trẻ. Tại BV K, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân mới 13 tuổii. Bệnh nhi bị ung thư dạ dày do nhiễm vi khuẩn HP, trước khi đến viện đã có thời gian dài bị viêm loét dạ dày. Dù còn rất nhỏ nhưng bác sĩ đã phải cắt bỏ 2/3 dạ dày cho cháu bé.

Bệnh ung thư xếp thứ 3 ở Việt Nam giết nhiều người thế nào?
Ung thư dạ dày rất phổ biến nhưng 90% người Việt đến BV khi đã ở giai đoạn muộn 

Tại BV Y dược TP.HCM, mới đây các bác sĩ cũng phẫu thuật cắt u dạ dày cho 2 bệnh nhân nữ mới 18 và 23 tuổi. Trong đó trường hợp 18 tuổi bác sĩ không thể cắt được triệt căn khối u do ung thư đã di căn đến ổ bụng.

70% do nhiễm vi khuẩn HP

Với ung thư dạ dày, BS Nguyễn Thanh Hùng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, đến nay ung thư dạ dày vẫn chưa rõ nguyên nhân, khoa học mới tìm ra những yếu tố thuận lợi. Trong đó khoảng 70% trường hợp mắc ung thư dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP); 10% ung thư dạ dày do di truyền khi người thân trong gia đình mắc bệnh.

Còn lại là các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, căng thẳng kéo dài, ăn các thực phẩm kích thích mạnh như cay, nóng, mặn, béo phì... Trong đó các trường hợp hút thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 40%, thậm chí 82% ở người nghiện. Stress kéo dài có thể gây ra các bệnh trào ngược dịch vị dạ dày thực quản, cũng như viêm loét dạ dày tá tràng, là một yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày.

Theo thống kê, khoảng 70% dân số Việt Nam mắc vi khuẩn HP, là nguyên nhân gây viêm, loét dạ dày, tá tràng, thậm chí ung thư dạ dày.

Vi khuẩn HP rất dễ lây nhiễm, đó là lý do vì sao nhiều trẻ em cũng mắc HP, dẫn tới ung thư dạ dày.

TS.BS Nguyễn Công Long, Phó trưởng khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho biết, có 2 con đường lây nhiễm vi khuẩn HP rõ nét là qua đường ăn uống và qua phân.

Theo TS Long, dù số người nhiễm virus HP rất lớn, nếu tính chung cả thế giới lên tới 50% dân số, tuy nhiên chỉ có một số người nhiễm HP tiến triển thành viêm loét dạ dày, tá tràng và số ít nữa thật sự tiến triển thành ung thư. Hầu hết người bị nhiễm HP trong suốt cuộc đời hoàn toàn không có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng.

Thông thường, nếu không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng, không có những tổn thương nghi ngờ hoặc có nguy cơ ung thư dạ dày hoặc tiền sử gia đình không có người bị ung thư dạ dày thì việc điều trị diệt trừ HP là không cần thiết vì điều trị tốn kém, tác dụng phụ cao. Vì vậy, điều trị diệt trừ HP chỉ áp dụng cho những trường hợp có biểu hiện lâm sàng, thực thể.

5 dấu hiệu cần nghĩ đến ung thư dạ dày

- Nôn hay đại tiện ra máu: Dù đây không phải dấu hiệu đặc biệt của ung thư dạ dày vì viêm ruột, viêm đại tràng cũng có thể có triệu chứng tương tự nhưng khi có dấu hiệu này cần đi khám ngay.

- Sụt cân bất thường, đi tiêu phân đen

- Đau dạ dày dai dẳng

- Chán ăn, ăn không ngon

- Ợ nóng, khó tiêu: Đây được xem là một trong những biểu hiện sớm của ung thư dạ dày.

Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày thường khó phát hiện. Những bệnh nhân phát hiện bệnh sớm thường qua khám định kỳ. Còn khi có triệu chứng bệnh đã nặng.

Do đó, cách phát hiện tốt nhất của ung thư dạ dày đó là nội soi ống mềm. TS Bình khuyến cáo những người trên 40 tuổi nên thực hiện mỗi năm 1 lần. Những người nằm trong yếu tố nguy cơ cao như gia đình có tiền sử, nhiễm vi khuẩn HP thì từ trên 30 tuổi nên thăm khám dạ dày hàng năm từ 1-2 lần.

Ở giai đoạn sớm, chỉ mất 1 triệu đồng

GS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K cho biết, điều trị ung thư dạ dày là đa mô thức gồm: Phẫu thuật, hoá chất, tia xạ, điều trị đích, trong đó phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất.

“Với ung thư dạ dày, tỉ lệ chữa khỏi ở giai đoạn rất sớm gần như đạt 100%, càng để muộn thì tỉ lệ chữa khỏi càng thấp”, GS Thuấn nói.

Ông cho hay, Nhật Bản là nước có tỉ lệ mắc ung thư dạ dày thuộc nhóm cao nhất thế giới, tuy nhiên đây cũng là quốc gia có tỉ lệ chữa khỏi ung thư dạ dày cao nhất thế giới, với trên 80%.

Có được kết quả này do Nhật rất chú trọng sàng lọc, phát hiện sớm ung thư. Đặc biệt, tất cả những người trên 40 tuổi đều được sàng lọc nội soi dạ dày định kỳ để phát hiện sớm bệnh.

Hiện tại, để chẩn đoán sớm ung thư dạ dày phụ thuộc vào nội soi. Trước đây, nội soi thông thường chỉ ghi lại được 10 hình ảnh song kỹ thuật tiên tiến hiện nay cho phép chụp tối thiếu 50 hình đủ mọi góc cạnh, nhờ vậy bác sĩ cắt hớt niêm mạc dạ dày được triệt để hơn. Việc cắt hớt niêm mạc ngay tại chỗ ở giai đoạn sớm chỉ với 1-2 triệu đồng.

Lưu ý sau phẫu thuật ung thư dạ dày

Với các bệnh nhân ung thư dạ dày, sau phẫu thuật cần có chế độ ăn hợp lý. Đặc biệt không nên uống nước ngay sau ăn, sẽ khiến thức ăn xối xuống ruột đột ngột khiến bệnh nhân đau nhiều.

Thay vì ăn 3-4 bữa, bệnh nhân cần chia nhỏ thành 8-10 bữa trong ngày. Tháng đầu tiên sau phẫu thuật có thể ăn cháo, sau đó ăn cơm.

Do dạ dày đã bị cắt nhiều gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt và các vitamin, do đó bệnh nhân cần bổ sung thêm.Tuyệt đối không ăn uống kiêng khem, ăn nhiều rau xanh đậm, thịt đỏ vì chứa nhiều sắt.

Sau phẫu thuật, trong 3 tháng đầu tiên, bệnh nhân cần tuân thủ khám 1 tháng/lần, sau đó 3 tháng/lần. Nếu tình trạng bệnh ổn định sau 2 năm có thể giảm tần suất khám.

Theo Minh Anh (VietNamNet)