Gia đình

Bác sĩ truyền 15 lon bia cứu bệnh nhân: 'Không có thời gian đắn đo'

Kể về ngày cấp cứu 25/12, bác sĩ Lâm cho biết đây là lần đầu khoa tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu nặng và sử dụng phương pháp truyền bia vào cơ thể.

Mới đây, bác sĩ Lê Văn Lâm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, cứu sống bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật (48 tuổi, Triệu Phong, Quảng Trị) trong tình trạng hôn mê, nguy kịch do ngộ độc rượu bằng cách truyền 15 lon bia vào cơ thể. Điều gì khiến bác sĩ Lâm quyết định sử dụng phương pháp này?

Lần đầu tiên cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu bằng bia

Kể về ngày cấp cứu 25/12, bác sĩ Lâm cho biết đây là lần đầu khoa tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc rượu nặng và sử dụng phương pháp truyền bia vào cơ thể giúp bảo toàn tính mạng cho anh Nhật.

Bác sĩ Lân chia sẻ: "Cách điều trị tốt nhất cho bệnh nhân lúc này là sử dụng rượu Etylic tinh chế truyền trực tiếp vào đường tĩnh mạch giống như thuốc. Tuy nhiên, khi xảy ra sự việc chúng tôi không thể mua loại rượu này ngoài thị trường. Hơn thế, việc đảm bảo rượu chỉ chứa Etylic hay có thêm Metylic rất khó xác định. Bản chất của bia cũng có Etylic nên tôi đã quyết định sử dụng chính loại đồ uống này truyền vào đường tiêu hóa thay vì rượu". 

Ngoài ra, tình trạng của bệnh nhân khi đó gặp biến chứng của ngộ độc rất nặng nề, xuất huyết chảy máu đường tiêu hóa. Khi các bác sĩ đặt ống vào dạ dày, máu đã trào ra.

Bác sĩ truyền 15 lon bia cứu bệnh nhân: 'Không có thời gian đắn đo'
Bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật được truyền gần 5 lít bia để giải ngộ độc rượu. Ảnh: NV

"Nếu có rượu chưa chắc chúng tôi dám bơm vào, việc này có thể cứu sống được bệnh nhân nhưng đường tiêu hóa bị chảy máu quá nhiều. Quyết định này cũng gây nhiều khó khăn hơn cho bác sĩ trong quá trình điều trị. Do lượng nước lớn đưa vào cơ thể trong thời gian ngắn, các bác sĩ phải theo dõi, kiểm soát toàn bộ cân bằng nước, các chất khác nước. Vì giải pháp tình thế, chúng tôi không còn cách nào khác", vị trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc phân tích.

Theo bác sĩ Lê Văn Lâm, khi cấp cứu bất kỳ loại ngộ độc nào, bác sĩ đều lo sợ ảnh hưởng đến chức năng sống của bệnh nhân, nếu có rối loạn phải ngăn chặn lại. Cụ thể trong trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Văn Nhật, các chức năng thần kinh, tuần hoàn, hô hấp đều đã suy sụp, thở yếu, đường tiêu hóa chảy máy, biểu hiện suy thận. Điều các bác sĩ quan tâm đầu tiên phải duy trì là mạng sống của bệnh nhân, ngăn chặn độc chất đang vào cơ thể, tìm cách thải ra qua đường mồ hôi, tiết niệu,...

"Chúng tôi không có nhiều thời gian để đắn đo"

Khi tiếp nhận bệnh nhân Nhật, các bác sĩ Khoa hồi sức tích cực - Chống độc chỉ có khoảng 15 phút để huy động toàn bộ cả ê-kíp vào buồng để cấp cứu bệnh nhân.

"Phương pháp cấp cứu bệnh nhân này tôi đã đọc trên các tài liệu nước ngoài từ lâu nên khi đó mạnh dạn thực hiện. Cách tối ưu nhất không có, tôi phải quyết định nhanh dùng cách kém hiệu quả hơn là sử dụng bia. Chúng tôi không có nhiều thời gian để đắn đo, tin vào những gì mình biết, làm hết sức có thể để cứu sống bệnh nhân của mình", bác sĩ Lâm nói. 

Sau những nỗ lực của các y bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, bệnh nhân dần bình phục, tỉnh táo. Ngày 9/1, bệnh nhân Nhật đã xuất viện, sức khỏe ổn định.

Về vấn đề này, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đồng tình với những lý giải của bác sĩ Lê Văn Lâm.

Tuy nhiên, thạc sĩ Nguyên nhấn mạnh, việc điều trị ngộ độc rượu bằng cách nào chỉ có thể tiến hành ở trong bệnh viện và dưới sự thực hiện của bác sĩ có chuyên môn, tuân thủ theo phác đồ điều trị, có sự giám sát thường xuyên. Người dân không được tự dùng bia giải độc rượu trong cộng đồng vì không thể xác định được đúng tình trạng methanol trong cơ thể, khi đó sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Phương Anh - Huệ Nguyễn (Tri Thức Trực Tuyến)