Gia đình

Bác sĩ lý giải vì sao không nên cho người đột quỵ trời lạnh uống bất cứ thứ nước gì?

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo trước một trường hợp nghi ngờ đột quỵ, tuyệt đối không cho ăn, uống bất cứ loại thuốc gì, kể cả nước lọc mà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Bác sĩ lý giải vì sao không nên cho người đột quỵ trời lạnh uống bất cứ thứ nước gì?
Các bác sĩ cảnh báo những sai lầm trong sơ cứu người đột quỵ

PGS-TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, cho biết bình thường, mỗi ngày BV chỉ tiếp nhận từ 3 - 4 bệnh nhân đột quỵ nhưng trong 4 ngày nghỉ Tết dương lịch, nhiệt độ giảm sâu, miền Bắc chìm trong giá rét, số bệnh nhân đến cấp cứu do đột quỵ đã tăng lên gần 40 trường hợp/1 ngày. Trong số này có nhiều trường hợp bị đột quỵ khi đi tập thể dục vào lúc sáng sớm. 

 Đây đều là những bệnh nhân vốn có các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ như: tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, béo phì, hút thuốc lá… Khi gặp yếu tố khách quan tác động như quá nóng hoặc quá lạnh làm cho các yếu tố nguy cơ bất ổn, cơn tăng huyết áp, tiểu đường tăng lên, gây nguy cơ đột quỵ. 

Theo các bác sĩ BV Bạch Mai, mới đây, Khoa Cấp cứu tiếp nhận một người đàn ông được người dân đưa vào cấp cứu do đột quỵ khi đang đi bộ thể dục buổi sáng. Người này được những người đi thể dục sớm phát hiện nằm vật bên đường đã gọi xe cấp cứu đưa vào viện. Nhờ được phát hiện kịp thời, ông được cấp cứu qua nguy kịch.

Bác sĩ lý giải vì sao không nên cho người đột quỵ trời lạnh uống bất cứ thứ nước gì? - 1
Bác sĩ BV Bạch Mai thăm khám bệnh nhân đột quỵ

PGS- TS Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai, cho biết tập thể dục là một thói quen tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên, cần lựa chọn môi trường tập luyện phù hợp để không gây tác dụng ngược cho sức khoẻ. Trong thời điểm nhiệt độ ở nhiều vùng miền giảm sâu người dân không nên ra ngoài trời đi bộ từ 4 - 5 giờ sáng. Hãy tập muộn hơn, khoảng 8 - 9 giờ sáng hoặc 4 - 5 giờ chiều và thay đổi môi trường tập luyện, thay vì bên ngoài trời có thể tập trong nhà kín gió. Nhất là với những người già, người có bệnh lý kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu... sẽ có nguy cơ cao đột quỵ khi tập luyện trong thời tiết giá lạnh.

Các chuyên trong lĩnh vực cấp cứu và điều trị bệnh nhân đột quỵ cũng lưu ý tình trạng đáng lo ngại là nhiều bệnh nhân nhập viện muộn do những suy nghĩ sai lầm. "Rất nhiều người nhà bệnh nhân khi được hỏi vì sao giờ này mới đưa bệnh nhân đột quỵ đến nhập viện thì họ bảo nghe nói đột quỵ phải nằm yên một chỗ nên không đưa đi ngay. Đây là nhận thức hết sức sai lầm. Theo nguyên lý không để bệnh nhân vận động là áp dụng đối với bệnh nhân có thể đi được, vì nếu vận động bệnh nhân có thể ngã, bệnh thêm nặng" - PGS Chi cảnh báo.

PGS Nguyễn Văn Chi nói về yếu tố nguy cơ với người đột quỵ

PGS Nguyễn Văn Chi lý giải vì sao không nên cho bệnh nhân đột quỵ ăn và uống nước

Cũng theo PGS Chi việc sơ cứu đúng sẽ giảm nguy cơ tử vong do đột quỵ. Do đó, khi phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu đột quỵ, hãy cho bệnh nhân nằm cao đầu. Trong trường hợp có nôn, rối loạn ý thức cần cho bệnh nhân nằm nghiêng một bên tránh sặc chất nôn vào miệng họng. Tuyệt đối không cho bệnh nhân ăn, uống bất cứ loại thuốc gì, ngay cả nước lọc cũng không nên trong tình huống này. "Người bị đột quỵ thường bị rối loạn chức năng nuốt, đặc biệt một số trường hợp đột quỵ nặng bệnh nhân có tri giác lơ mơ hoặc hôn mê… Vì thế, khi cho uống (nước hoặc thuốc) bất cứ loại thuốc nào kể cả An cung ngưu hoàn hoàn) rất dễ làm bệnh nhân sặc và gây ra tình trạng viêm phổi do hít sặc, thường có hậu quả rất nặng nề và có thể dẫn đến tử vong. 

Với bệnh nhân đột quỵ, cố gắng đảm bảo thông thoáng đường thở cho họ bằng cách tháo răng giả (nếu có), lau sạch chất nôn, đờm dãi, nới rộng vùng trên ngực để bệnh nhân thông thoáng đường hô hấp rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không lãng phí thời gian thực hiện các phương pháp như xoa bóp, bấm huyết, chích nặn máu.... mà cần đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. 

Theo N.Dung (Nld.com.vn)