Gia đình

Xuất hiện tin đồn loài cây chứa chất độc gây chết người chỉ trong 1 phút

Các nhà sinh vật học đã xác định loài cây được nhắc đến có tên là Vạn niên thanh - một loại cây được trồng làm cảnh phổ biến ở phía Nam và một số vùng phía Bắc. Hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào chết người do nhiễm độc từ loài cây này.

Các nhà sinh vật học đã xác định loài cây được nhắc đến có tên là Vạn niên thanh - một loại cây được trồng làm cảnh phổ biến ở phía Nam và một số vùng phía Bắc. Hiện nay chưa ghi nhận trường hợp nào chết người do nhiễm độc từ loài cây này.

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin về một loại cây có chất độc có thể giết chết 1 đứa trẻ chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút và khiến người lớn tử vong trong 15 phút. Dù chưa biết được tính xác thực và nguồn cơn của thông tin này nhưng những lời cảnh báo cũng khiến nhiều người lo lắng.

Bài cảnh báo loài cây độc này xuất phát từ facebook-er có nickname P.T. Theo đó, thành viên này đăng tải một bức ảnh về một loài cây xanh khá giống với cây cảnh cùng với đoạn cảnh báo từ chính câu chuyện của mình với nội dung như sau:

"Bạn có tin: Thứ này sẽ giết 1 đứa trẻ trong chưa đầy 1 phút và giết chết 1 người lớn chỉ trong 15 phút?

Nếu để thứ này trong nhà, tính mạng cả gia đình bạn sẽ gặp nguy hiểm khôn lường…

"Con gái tôi gần như đã chết khi nó đặt một phần của lá cây này trong miệng! Lưỡi của nó bắt đầu sưng và nó bắt đầu nghẹt thở! Dưới đây là một hình ảnh của thực vật, nhưng hãy nhớ rằng có rất nhiều thực vật tương tự như này với hầu hết các đặc điểm giống nhau, đều là rất độc hại".
 

Những dòng chia sẻ cảnh báo chất độc của một loài cây cảnh đang xôn xao trên cộng đồng mạng - (Ảnh chụp màn hình)

Đặc biệt là bạn nên cẩn thận khi con cái bạn ở nhà một mình và cần có ai đó để mắt đến chúng. Cung cấp cho họ một môi trường an toàn, nơi họ có thể chơi.

Thực vật này gần như đã giết con gái của tôi...

Nó được tìm thấy trong nhiều văn phòng và nhà cửa, và trong thực tế nó là vô cùng nguy hiểm! Nó được gọi là "DIEFFENBACHIA" và nước ép của nó, và tất cả các bộ phận của nó đều rất độc (chứa canxi oxalat).

Cái chết ở người lớn có thể xảy ra trong khoảng 15 phút và trong ít hơn một phút ở trẻ em.

Nếu bạn có cây cảnh như vậy tại nơi làm việc hay ở nhà, chúng tôi khuyên bạn hãy bỏ nó ngay.

Hãy cẩn thận, nếu bạn chạm vào cây thì tuyệt đối không chạm vào mắt của bạn, bởi vì có một xác suất lớn là bạn sẽ bị mù!".

Ngay sau khi được chia sẻ, thông tin trên đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội với 14.000 lượt chia sẻ. Rất nhiều người đã nhanh chóng nhận ra đây là cây Vạn niên thanh - một loài cây cảnh được trồng khá phổ biến ở nơi công cộng. Chính vì thế, nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng.

“Sau khi đọc thông tin chúng em rất hoang mang. Cây Vạn niên thanh được trồng rất nhiều xung quanh khu vực sân chơi của trẻ nhỏ. Trước đó, các em vẫn hay lại gần khu trồng cây để chơi nhiều lần nhưng chưa thấy có bất kỳ dấu hiệu gì. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, sau khi biết thông tin này chúng em đã không cho trẻ chơi xung quanh khu vực này nữa” - cô giáo Nguyễn Thị Hoa Mai, trường mầm non Tư thục tại quận 4, TP. HCM cho biết.

Chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc

Qua tìm hiểu, các nhà sinh vật học đã xác định loài cây được nhắc đến có tên là Vạn niên thanh - một loài cây được trồng làm cảnh phổ biến ở phía Nam và một số vùng phía Bắc.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch hội sinh vật cảnh làng Vị Khê (Nam Trực, Nam Định) cho biết, ở vùng quê của ông trồng rất nhiều cây Vạn niên thanh. Ông cũng là người trực tiếp chăm sóc, lau chùi bụi trên cây. "Trong quá trình đó, đôi khi tôi bị nước của cây bắn vào mặt nhưng chỉ có dấu hiệu bị cay mắt khoảng vài phút lại trở lại bình thường. Hơn 60 năm người dân ở đây vẫn sử dụng cây Vạn niên thanh để làm cảnh nhưng chưa ghi nhận trường hợp ngộ độc do cây gây ra", ông Hùng chia sẻ.

Một chuyên gia về sinh vật học thuộc Đại học Nông Nghiệp Hà Nội cũng nhận định: Dựa trên những dấu hiệu ban đầu có thể xác nhận đây là cây Vạn niên thanh - loại cây được trồng làm cảnh phổ biến khắp thế giới, đặc biệt là ở miền nam Việt Nam, Trung Quốc. Cây này không quá độc và cũng chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu và khẳng định độc tố sinh ra từ cây này gây tử vong ở người. "Cây có độc tố chủ yếu do tinh thể Calcium Oxalate tiết ra từ tế bào. Chất này có thể gây nên cảm giác ngứa, rát, phù miệng, đường tiêu hóa hay sùi bọt mép, nôn mửa" - vị chuyên gia này nói.
 

Cây Vạn niên thanh được trồng khá đại trà làm cảnh ở Việt Nam, có nhiều ở các tòa nhà cao ốc để hút bụi - (Nguồn: Internet).

Y học hiện đại cho đến nay mới chỉ ghi nhận ca ngộ độc do cây Vạn niên thanh xảy đến với bé gái 12 tuổi (Cộng hòa Czech), nuốt phải lá cây dẫn đến thủng động mạch chủ thực quản, gây xuất huyết ồ ạt. Các trường hợp ngộ độc, dị ứng này ở mức nhẹ nên có thể sử dụng thuốc kháng để điều trị thay vì lạm dụng việc rửa ruột, vừa tốn kém lại nguy hiểm. Việc bị nhiễm độc của loại cây này có thể do cơ địa của người đó kém.

Thực tế cho thấy, trước đây cũng đã có tin đồn trên mạng đưa ra trường hợp tương tự để kêu gọi tẩy chay cây Vạn niên thanh. Các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng mọi người không nên chỉ vì một tin đồn thất thiệt mà tẩy chay loại cây này.

Theo PGS. TS Phạm Việt Anh (chuyên gia về phong thủy, sinh vật cảnh, Đại học Kiến trúc Hà Nội), hiện chưa có công trình khoa học nào nghiên cứu về chất độc trong cây Vạn niên thanh gây chết người trong tích tắc hay mù mắt vì bụi của nó. Để những nguồn tin trên không lan rộng, gây xáo trộn thì mỗi người cần đọc kỹ xem đó có phải là nguồn tin chính thống hay chỉ là tin đồn thất thiệt.
 
Cây Vạn niên thanh có tên khoa học là Dieffenbachia cultivar. Cây thuộc họ nhà ráy (Araceae) thân mềm, lá cây có hình đốm trắng, được trồng làm cảnh khá phổ biến ở một số nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc.

Một số họ nhà Vạn niên thanh được sử dụng để làm thảo dược giúp cầm máu, cường tim, giải nhiệt cơ thể, trị đau họng, đinh nhọt, thủy thủng, ho hen, suy nhược cơ thể hay sốt nóng…

Kỹ sư Nông Nghiệp Nguyễn Đình Hà (trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội)

Hiện mới chỉ ghi nhận về một số trường hợp gây nên tình trạng viêm da nhẹ, ngộ độc ở trẻ nhỏ, thú nuôi do đề kháng chưa cao. Tuy nhiên, những trường hợp này rất ít nguy cơ xảy ra.

Cây Vạn niên thanh tuy có độc nhưng ở mức độ nào đó, không thể gây tử vong trong thời gian chóng vánh. Nếu bệnh nhân ăn phải lá cây Vạn niên thanh thì nên đưa đến viện để khám và truyền dịch để đẩy chất độc ra ngoài, sau đó bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên cụ thể.

Người bệnh cũng không cần phải vội vàng đi rửa ruột hay uống thuốc không rõ nguồn gốc ở các hiệu thuốc vì chất độc trong cây không quá nguy hiểm đến mức như vậy

Bác sĩ Phạm Duệ, trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội
 
Theo Trí Kiên (Kenh14.vn/Trí thức trẻ)