Gia đình

Trầm cảm, li dị vì tuổi thai "lớn" hơn 2 tuần so với ngày cưới

Chuyện sẽ không có gì ầm ĩ nếu thai phụ không đưa phiếu khám thai cho chồng xem. Không ít trường hợp vợ chồng lục đục, thai phụ trầm cảm, li dị trước chuyện tình ngay lý gian vì tuổi thai 'sao có trước ngày cưới?'.

Chuyện sẽ không có gì ầm ĩ nếu thai phụ không đưa phiếu khám thai cho chồng xem. Không ít trường hợp vợ chồng lục đục, thai phụ trầm cảm, li dị trước chuyện tình ngay lý gian vì tuổi thai 'sao có trước ngày cưới?'.

Bụng mang dạ chửa đã to, thai hơn 6 tháng, chị B.M.T (24 tuổi, ngụ An Giang) ngồi khóc ròng suốt buổi gặp bác sĩ tâm thần. Chị cầm trên tay tờ giấy siêu âm khám thai đã bị xé rách và được dán lại. Mẹ chị kể, hai vợ chồng chị cưới nhau được hơn một tháng thì chị có dấu hiệu mang thai. Hai vợ chồng hạnh phúc đưa nhau đi bác sĩ khám thai. “Ai dè, kết quả siêu âm, chẩn đoán của bác sĩ bảo thai đã 8 tuần. Chồng nó đang phấn khởi báo tin cho mọi người trong nhà thì tính toán rồi thay đổi thái độ vì “sao mới cưới có một tháng rưỡi mà đã có bầu hai tháng? Trong khi hai đứa không hề “ăn cơm trước kẻng”, mẹ chị T. giải bày.

Trong sản khoa, tuổi thai được tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối /// Nguyên Mi

Trong sản khoa, tuổi thai được tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối

Từ đó, anh chồng không đưa vợ đi khám thai lần nào nữa mà hoạnh họe vợ về đứa con trong bụng là “con thằng nào?”. Chị T. không biết giải thích sao cho chồng, chỉ biết một mực khẳng định: “Em lấy anh thì rõ ràng là con anh chứ con ai”. Chịu không nổi sự nghi ngờ của chồng, không thể giải thích chuyện “bầu bí”, sống trong sự lạnh nhạt của chồng, cuối cùng chị T. về nhà mẹ đẻ.

“Nó khóc suốt mấy tháng nay. Gần đây nó không ngủ được, cứ lầm lì im lặng, không tiếp xúc với ai”, mẹ chị T. kể.

Đặc biệt, bà phát hiện chị T. có ý định tự tử. Hoảng hốt, bà đưa con gái đến khám bác sĩ tâm thần.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 tâm thần Huỳnh Thanh Hiển (Bệnh viện Tâm thần TP.HCM), thai phụ bị trầm cảm nặng và có ý định tự sát. Đây là một trường hợp nặng ở mức độ cấp cứu về tâm thần.

“Với trường hợp thai phụ thế này, bác sĩ rất khó xử. Vì trong trường hợp cấp cứu về tâm thần, bệnh nhân phải nhập viện, được điều trị thuốc. Nhưng với thai phụ thì việc nằm viện tâm thần rất khó khăn trong chăm sóc, sinh hoạt. Mặt khác, kê thuốc cho thai phụ là việc chẳng đặng đừng. Bác sĩ phải rất “cân não” nặng nhẹ để kê toa sao cho không ảnh hưởng đến thai nhi”, bác sĩ Hiển nói.

Trong khi đó, chị N.A.V. (28 tuổi, ngụ TP.HCM) đến khám bác sĩ tâm thần vì trầm cảm, mất ngủ nặng. Chị cũng rơi vào hoàn cảnh bị chồng nghi ngờ, tra hỏi, chối bỏ đứa con vì khi không tin cái thai chị đang mang là con của mình. Do đặc thù công việc, chồng chị V. phải đi công tác xa thường xuyên, lâu ngày mới về nhà. Nguồn cơn của sự ngờ vực đó cũng chính vì sự chênh lệch tuổi thai hơn gần hai tuần so với ngày gần nhất anh ở nhà cùng chị.

Trước thái độ nghi ngờ của chồng, chị V. đã về nhà mẹ ruột. “Tôi đã nói rõ ràng nhưng anh ấy không nhận, đòi xét nghiệm ADN. Khi sinh con ra, tôi sẽ xét nghiệm ADN và gửi cho anh ấy. Nhưng không phải để anh ấy nhận con hay để tôi về sống chung lại với anh. Tôi đã quyết định ly dị với chồng, tôi sẽ tự một mình sinh con, nuôi con tôi. Tôi chấp nhận làm mẹ đơn thân, chứ đã yêu nhau nhiều năm, cưới nhau mà lại không tin tưởng, nghi ngờ vợ, con của mình thì tôi nghĩ tôi không thể “hàn gắn” lại nữa”, chị V. tâm sự.

Bác sĩ Hiển cho biết: “Chị V. sốc, bị ảnh hưởng tâm lý nặng và trầm cảm bởi sự nghi ngờ, từ chối của chồng; đặc biệt mang thai và sau sinh là giai đoạn tâm lý người phụ nữ yếu mềm nhất, cần được sẻ chia nhiều nhất. Tuy bị trầm cảm, nhưng chị V. khá mạnh mẽ và qua thăm khám, tôi đánh giá bệnh nhân có thể vượt qua. Vì vậy, tôi chỉ trò chuyện, giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân và cho thêm thuốc bổ, chứ không phải dùng thuốc điều trị tâm thần cho thai phụ”.

Cách tính tuổi thai như thế nào?

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Hậu sản M, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), cho biết: Chuyện lấn cấn tuổi thai giữa vợ chồng, các bác sĩ sản cũng thường hay gặp, nhất là với các cặp vợ chồng trẻ mới cưới, có con lần đầu. Khi đó, bác sĩ phải giải thích rõ ràng không chỉ cho thai phụ mà cả cho người chồng.

Trầm cảm, li dị vì tuổi thai 'lớn' hơn 2 tuần so với ngày cưới - ảnh 4

Không ít trường hợp thai phụ trầm cảm trước ngờ vực của chồng vì tuổi thai. SHUTTERSTOCK

Bác sĩ Hà giải thích: Trong sản khoa, tuổi thai được tính từ ngày có kinh đầu tiên của kỳ kinh cuối. Lúc này trứng còn chưa rụng và hiện tượng thụ tinh chưa xảy ra. Như vậy, tuổi thai sẽ lớn hơn tuổi thật sự của phôi sau khi được thụ tinh thường đến hai tuần (đối với người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt đều và 28 ngày). Đây là cách tính chung của toàn thế giới, chứ không riêng gì của từng bác sĩ hay ở Việt Nam.

Vậy có thể hiểu, nếu thai phụ mang thai 6 tuần, tức thời điểm thụ tinh, hình thành phôi thai là mới 4 tuần.

“Đây là tuổi thai, khác với tuổi phôi. Vì thế, trong sản khoa, tính tuổi thai thì thai phụ mang thai đủ ngày đủ tháng được tính đến 40 tuần, chứ thật sự thời gian mang thai là 38 tuần”, bác sĩ Hà giải thích.

Bác sĩ Hà cho biết, ngoài tính tuổi thai bằng ngày đầu của kinh cuối thì qua siêu âm, bác sĩ sản cũng có thể xác định tuổi thai. Thai phụ mang thai đi khám, siêu âm càng sớm (trong ba tháng đầu) thì độ chính xác càng cao. Những trường hợp thai phụ không biết mình mang thai, khi phát hiện, đi khám thai, siêu âm khi thai đã qua 3 tháng đầu thì việc chẩn đoán tuổi thai có sai số lớn hơn, có thể lệch đến 10 ngày. Nếu siêu âm, tính tuổi thai ở 3 tháng cuối thì có thể lệch đến 20 ngày.

“Vì vậy, khi có dấu hiệu có thai, thai phụ nên đi khám sớm và phải giữ tất cả các giấy tờ siêu âm, đặc biệt là lần siêu âm đầu tiên, để xác định ngày dự sinh”, bác sĩ Hà nói.

Theo Nguyên Mi (Thanh Niên Online)