Gia đình

Thông tin cần sa chữa khỏi ung thư là sai sự thật

Chúng ta đều biết cần sa là chất gây nghiện và dĩ nhiên, bị cấm buôn bán. Việc sử dụng cần sa trong y tế cũng đòi hỏi vô cùng thận trọng và bắt buộc phải có chỉ dẫn của bác sĩ.

Chúng ta đều biết cần sa là chất gây nghiện và dĩ nhiên, bị cấm buôn bán. Việc sử dụng cần sa trong y tế cũng đòi hỏi vô cùng thận trọng và bắt buộc phải có chỉ dẫn của bác sĩ.

+ Mới đây, một trang facebook quảng cáo “cần sa được kiểm chứng là có thể phá huỷ tế bào ung thư (có thể thay thế hoàn toàn hóa trị và xạ trị); có khả năng làm giảm sự phát triển của khối u, đồng thời giết chết chúng; có khả năng kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân, thậm chí cứu sống họ”. Ông cho biết ý kiến về thông tin này?
 

PGS.TS Trần Văn Thuấn.

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Trước hết phải khẳng định rằng, cần sa và các dẫn chất của cần sa không phải là thuốc điều trị ung thư. Tuy có một số chế phẩm được chiết xuất từ cần sa được dùng hỗ trợ điều trị ung thư nặng ở giai đoạn cuối để giảm đau, hạn chế triệu chứng buồn nôn nhưng cách dùng và liều lượng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ở Việt Nam, Bộ Y tế ban hành hướng dẫn về điều trị chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối với các mức độ giảm đau nhẹ, vừa và nặng. Nhưng cần lưu ý, nếu sử dụng thuốc gây nghiện trong thời gian dài và không có chỉ dẫn của bác sĩ sẽ gây ra những hậu quả khó lường như nghiện, hay các triệu chứng khác như nôn, buồn nôn, các biến chứng về tiêu hóa, bệnh tim mạch và nếu không được kiểm soát sẽ dẫn đến tình trạng rất nặng, phải can thiệp.

+ Thưa ông, có những người lạm dụng thuốc giảm đau không cần thiết. Vậy, liều lượng sử dụng cần sa trong bao lâu có thể gây nghiện?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Liều lượng sử dụng thuốc gây nghiện tùy thuộc vào cơ địa từng người và từng tình trạng bệnh cụ thể. Tuy nhiên theo khuyến cáo đã được Bộ Y tế công nhận, thuốc gây nghiện thông thường sử dụng quá 7 ngày có nguy cơ gây nghiện cao. Vì thế, các trường hợp dùng thuốc, đặc biệt là dùng thuốc gây nghiện thì phải có đơn và hướng dẫn của bác sĩ.

+ Lời khuyên của ông với những người bị ung thư để có thể chữa bệnh hiệu quả, thay vì bị dụ dỗ vào việc nghiện cần sa để “tiền mất tật mang”?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Nếu đã mắc bệnh ung thư thì phải điều trị bằng các phương pháp chính thống: phẫu thuật, xạ trị, dùng thuốc, hóa chất nội tiết sinh học... Việc kết hợp một hay nhiều phương pháp điều trị tùy từng trường hợp và tình trạng bệnh cụ thể, nhưng người bệnh phải nghe theo lời khuyên của bác sĩ điều trị, qua đó sẽ có các chỉ định điều trị đúng cách và an toàn. Người mắc bệnh ung thư không phải là dấu chấm hết, điều quan trọng là không được bỏ dở liệu trình điều trị do các bác sĩ đưa ra để đi theo các cách chữa bệnh khác, vì sẽ làm mất thời gian vàng điều trị bệnh và rút ngắn cuộc sống của người bệnh.

+ Các loại thuốc điều trị ung thư đều rất đắt. Nhưng thuốc có được BHYT chi trả hay không để người nghèo có cơ hội được chữa trị, thưa ông?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Phần lớn các thuốc điều trị ung thư đều được BHYT thanh toán, tùy theo mệnh giá của thẻ BHYT là được thanh toán 100%, 95%, hay 80%. Khoảng 75-80% bệnh nhân ung thư có BHYT nên phần lớn chi phí điều trị đều được BHYT chi trả. Những trường hợp nghèo thì được quỹ Vì ngày mai tươi sáng hỗ trợ một phần để để giảm bớt khó khăn.

+ Thưa ông, ở Việt Nam, bệnh ung thư nào tăng nhanh nhất thời gian qua?

PGS.TS. Trần Văn Thuấn: Hầu hết các bệnh ung thư đều tăng, tuy nhiên, điển hình nhất là ung thư phổi: tỷ lệ mắc ở nam giới tăng từ 17,1/100.000 người năm 2002 lên 35,4/100.000 người năm 2012, tăng gấp đôi sau 10 năm. Bệnh ung thư vú ở nữ giới cũng tăng nhanh, khoảng 50% trong 10 năm cùng với các loại bệnh ung thư liên quan đến thực phẩm không an toàn. Tại Bệnh viện K Trung ương mỗi ngày có khoảng hơn 1.000 bệnh nhân đến khám ngoại trú và khoảng 4.000-5.000 bệnh nhân điều trị nội trú. Mỗi ngày ở đây có 30-50 bệnh nhân mới vào điều trị.

+ Ông có thể chia sẻ về hiệu quả của công tác điều trị ung thư hiện nay?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Với trình độ y học phát triển, chúng ta đã chữa trị được hơn 80% bệnh ung thư nhờ thành tựu trong phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị bệnh. Kết quả điều trị phụ thuộc vào người bệnh đến sớm hay muộn, mà ở Việt Nam có tới trên 70% số bệnh nhân đi khám khi đã ở giai đoạn muộn nên hiệu quả điều trị không cao. Phát hiện bệnh càng sớm thì pháp đồ điều trị càng đơn giản và hiệu quả càng cao.

+ Ông có thể khuyến cáo cách phòng chống và phát hiện ung thư sớm?

PGS.TS Trần Văn Thuấn: Để phòng chống ung thư, mọi người hãy từ bỏ thuốc lá vì đó là nguyên nhân của trên 30% bệnh ung thư, như ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư cổ tử cung và ung thư vú. Cũng cần coi trọng nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý và an toàn. Chế độ ăn quá nhiều chất béo, nhất là chất béo động vật nhưng lại ít chất xơ, hoa quả và lười vận động sẽ tăng nguy cơ ung thư đại tràng, ung thư vú. Thực phẩm không an toàn cũng là nguyên nhân gây ra 30% các bệnh ung thư hiện nay. Bên cạnh đó, tiếp xúc với thuốc trừ sâu độc hại, dioxin, làm việc trong môi trường có nhiều tia X...cũng là các yếu tố nguy cơ gây ung thư. Mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Ung thư hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và điều trị đúng phương pháp.

+ Cám ơn ông!
 
>> Hiểm họa khi chữa ung thư bằng "thần dược" truyền miệng
>> Không ngờ ăn cơm hâm nóng cũng ung thư
>> Các triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư
 
Theo Thanh Hằng (CAND Online)