Gia đình

Nguy cơ phơi nhiễm HIV không chỉ có 19 y, bác sĩ?

Trước khi được chuyển đến bệnh viện, bệnh nhân bị băng huyết trên xe khách đã được một số người sơ cứu và họ không hề biết sản phụ bị nhiễm HIV.

Trước khi được chuyển đến bệnh viện, bệnh nhân bị băng huyết trên xe khách đã được một số người sơ cứu và họ không hề biết sản phụ bị nhiễm HIV.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay hiện cục chưa có thông tin về diễn biến vụ việc trước khi bệnh nhân này vào bệnh viện để tầm soát tình trạng lây nhiễm.
 

18 y bác sĩ đang được điều trị phơi nhiễm HIV, khả năng lây bệnh sang bệnh nhân rất thấp. Ảnh: Lê Hiếu - Zing.vn

Về nguyên tắc, những tiếp xúc thông thường trong cuộc sống hàng ngày như ăn uống, sinh hoạt chung, ngồi chung, bắt tay, ôm… không thể lây nhiễm HIV. Kể cả trong trường hợp máu của bệnh nhân bắn trên xe, trong điều kiện nhiệt độ hiện tại, những virus HIV khó có thể sống sót.

Nguy cơ lây nhiễm HIV chỉ xảy ra khi có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết cơ thể của người nhiễm HIV. Như vậy, các y bác sĩ và những người trước đó có tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của bệnh nhân này đều có nguy cơ phơi nhiễm.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, bệnh nhân đang được điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) tại Quảng Ninh đã 2 năm nay. Những người nhiễm HIV khi được điều trị ARV thường xuyên, tải lượng virus HIV trong máu xuống thấp, có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho người khác.

Trong trường hợp này, 18 y bác sĩ, 1 học viên thực tập tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã được uống thuốc chống phơi nhiễm trong thời gian trước 72h, khả năng lây nhiễm được giới chuyên môn đánh giá là khá thấp.

Còn riêng những người tiếp xúc trực tiếp với máu của bệnh nhân này trong khoảng thời gian trước khi đến bệnh viện (có thể xe khách, taxi,…) khả năng lây nhiễm hiện không thể tầm soát.

Về điều này, TS. BS Võ Xuân Sơn – nguyên bác sĩ phẫu thuật thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng khó có thể tầm soát được hoặc quy trách nhiệm cho ai.

Cách xử lý tốt nhất khi xảy ra ở xe khách hay bệnh viện, nếu người nhà bệnh nhân thú nhận tình trạng của mình sẽ giảm thiểu được nguy cơ ly nhiễm. Song trong tình huống cụ thể này, bệnh nhân bị ngất, con trai bệnh nhân cũng không hay tình trạng bị bệnh của mẹ, nên không thể thông báo.

Mặt khác, chúng ta vẫn phải tôn trọng sự bảo mật đối với những người bị nhiễm HIV. Pháp luật Việt Nam bảo vệ người bệnh, cho phép người bệnh có quyền không cung cấp thông tin này.

Do đó, tốt nhất, những người nằm trong diện phơi nhiễm cần sớm xét nghiệm và uống thuốc ARV. Tuy nhiên, ông cũng lo ngại bởi hiện đã quá thời gian 72h có thể uống loại thuốc này.

Vậy khi nằm trong nguy cơ phơi nhiễm, đã quá 72 giờ sẽ được xử lý ra sao? Theo ông Hoàng Đình Cảnh, phác đồ dùng thuốc kháng HIV (ARV) 28 ngày, được áp dụng cho những đối tượng phơi nhiễm – tức đã tiếp xúc với HIV. Tiêu chuẩn quốc tế cho hay, phác đồ này có hiệu quả ngăn ngừa HIV 100% nếu bệnh nhân điều trị trong vòng 24h sau phơi nhiễm, giảm còn 52% nếu áp dụng điều trị trong 72h và không khuyến cáo dùng nếu quá 72h sau phơi nhiễm bởi lúc này sẽ không có kết quả. Với những trường hợp quá 72h, buộc phải chờ kết quả xét nghiệm, trong trường hợp dương tính, họ sẽ tiếp tục được điều trị theo phác đồ riêng.
 
>> Vì sao y, bác sĩ phơi nhiễm HIV vẫn làm việc bình thường?
>> Tin tức mới vụ 18 bác sĩ bị phơi nhiễm HIV: Đã có kết quả xét nghiệm
>> “Gia đình tôi có lỗi với 18 bác sĩ bị phơi nhiễm HIV”
>> 18 y bác sĩ có nguy cơ phơi nhiễm HIV sau một ca cấp cứu đặc biệt
>> Không phải mọi trường hợp phơi nhiễm đều sẽ nhiễm HIV
>> Tâm sự của bác sĩ có nguy cơ phơi nhiễm HIV từ ca mổ đặc biệt
 
Theo Hà Quyên (Zing.vn)