Gia đình

Nắng nóng vào mùa, cẩn trọng với cúm sốt virus

Những ngày qua, thời tiết chuyển mùa nắng nóng khiến số người bị sốt virus và nhiễm cúm tăng đột biến, phải nhập viện điều trị.

Những ngày qua, thời tiết chuyển mùa nắng nóng khiến số người bị sốt virus và nhiễm cúm tăng đột biến, phải nhập viện điều trị.

Chị Lê Phương (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) có con nhỏ bị sốt virus lo lắng: “Bé nhà tôi mới hơn 1 tuổi, sốt quấy khóc và không chịu ăn uống mấy ngày hôm nay. Dù mệt mỏi vì thời tiết này nhưng phải cố gắng chăm cho con nhanh khỏi”.

Trẻ bị sốt nhập viện điều trị tại bệnh viện Bạch Mai.

Trường hợp như gia đình chị Phương không phải hiếm do thời tiết giao mùa, nắng nóng nên trẻ ốm nhiều hơn.

Chị Hằng (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) than thở vừa chăm sóc con ốm do sốt virus được 2 ngày thì chị cũng bị ốm phải đi bệnh viện khám. May chỉ là sốt virus nhưng chị xin nghỉ ở nhà để không lây cho người khác.

Gia đình anh Hải (ở Thanh Xuân, Hà Nội) có 2 con điều trị tiêu chảy tại đây cho biết: "Khi các con mắc bệnh, gia đình rất lo lắng nên phải đưa đến bệnh viện. Biết rằng vào thời điểm này bệnh viện có thể quá tải nhưng để các cháu ở nhà sẽ không yên tâm".

Ghi nhận tại khoa Nhi (bệnh viện Bạch Mai), số bệnh nhi hiện đang tăng đột biến do thời tiết nắng nóng. Các bệnh nhi khám và nhập viện với bệnh lý chủ yếu như: Sốt virus, viêm họng, viêm phổi, viêm phế quản, tiêu chảy...

Cẩn trọng với sốt virus

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai) cho hay, sốt virus là bệnh dễ lây. Virus có thể lây từ người này sang người khác, đặc biệt là nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa, có thể gây thành dịch, nhất là trong gia đình và trường học.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng

“Khi bị sốt virus, người bệnh cần phải cẩn thận để tránh lây bệnh cho người khác bằng cách không dùng chung chén, thìa, đĩa với một người khỏe mạnh. Bỏ khăn giấy đã dùng và rửa tay thường xuyên để mau khỏi bệnh”, PGS. Dũng khuyến cáo.

PGS. Dũng cho biết, với diễn biến thời tiết bất thường như hiện nay, các gia đình có trẻ nhỏ phải thường xuyên theo dõi dấu hiệu của trẻ như: Sốt, ho nhiều, tiêu chảy liên tục và phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế khám chữa bệnh. Không nên mua thuốc và cho trẻ tự uống tại nhà, tránh trường hợp biến chứng hoặc diễn tiến nặng sẽ gặp khó khăn trong công tác điều trị.

Không tùy tiện truyền nước

PGS. Dũng cho hay, virus không phải là một tế bào sống, chúng sống dựa vào tế bào của cơ thể. Khi virus xâm nhập, cơ thể sẽ tiết ra chất loại bỏ virus.

Do đó, nguyên tắc cơ bản chữa cảm, sốt là nghỉ ngơi, ăn uống tốt, bổ sung vitamin C, uống paracetamol theo cân nặng. Sức đề kháng cơ thể mạnh lên thì virus càng bị thải loại khỏi cơ thể nhanh.

“Chưa có bằng chứng khoa học về một loại thuốc nào có tác dụng tăng sức đề kháng chỉ trong vài ngày, kể cả truyền dịch” - PGS. Dũng khẳng định. Theo đó, những trường hợp bị sốt, tiếp nước, đỡ ngay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Người bệnh hết sốt là nhờ tác dụng của thuốc hạ sốt chứ không phải nước truyền.

Ông cho biết, trong nhiều trường hợp trẻ bị sốt, không đơn giản là chỉ do virus cúm mà có khi là biểu hiện tình trạng bệnh lý khác, nên phải cẩn trọng trong quyết định có truyền dịch hay không. Bệnh nhi bị viêm não - màng não, cơ chế chọn dịch truyền sẽ khác hẳn.

Nguyên tắc là không được truyền muối, đường vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng phù não, bệnh nặng thêm. Đặc biệt, bệnh nhi viêm phổi, việc chỉ định truyền dịch càng phải nghiêm ngặt hơn. Đại bộ phận bệnh viêm phổi không được truyền dịch vì dịch truyền sẽ làm tăng gánh nặng cho phổi, tim.

Trong trường hợp trẻ bị mất nước, tốt nhất vẫn là bổ sung qua đường uống. Nếu buộc phải truyền dịch, bác sĩ phải tính toán liều lượng rất kỹ, không thể tùy tiện.

Dấu hiệu để nhận biết bệnh sốt virus:

- Sốt cao: Sốt cao trên 38,5 độ kèm theo cảm giác khi nóng, lúc lạnh và đôi khi người bị co giật.

- Đau nhức: Đi cùng cảm giác đau nhức toàn thân, cơ thể cảm thấy mệt mỏi, nặng nề là hiện tượng đau đầu dữ dội, đầu óc choáng váng.

- Biểu hiện ở đường hô hấp: Viêm họng, họng đỏ, có thể sưng tấy, ho, chảy nước mũi, hắt hơi liên tục.

- Nôn: Có thể xảy ra sau những bữa ăn, ngoài ra còn có thể biểu hiện của nôn khan.

- Khát nước: Cảm giác thèm nước dù uống nước liên tục, miệng đắng, kèm theo cảm giác chán ăn.

- Viêm hạch: Do bội nhiễm vi khuẩn đường hô hấp, có thể xuất hiện các hạch vùng đầu, cổ, có thể nhìn hoặc sờ thấy được.

- Phát ban: Xuất hiện 2 hoặc 3 ngày sau khi sốt, trên da nổi những nốt ban nhỏ li ti.

- Rối loạn tiêu hóa: Có thể đi ngoài phân lỏng, nhầy.

Theo Thảo Nguyên (Báo Công Lý)